Ngày 31/3, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM, cho biết dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, tập huấn thường xuyên cho các trường, nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn rình rập. Đặc biệt, trong bối cảnh TP HCM vào mùa nắng nóng, nguy cơ mất an toàn thực phẩm càng tăng cao.
Mới đây, 37 người, trong đó có 33 học sinh Trường THCS Tân Túc, huyện Bình Chánh, đau bụng, nôn ói, vào Bệnh viện Quận 11 cấp cứu khi đang đi tham quan, nghi do ăn bánh mì mua mang theo từ cơ sở ở quận 6. Vài ngày trước đó, hàng chục học sinh hai hệ thống trường TH-THCS Tuệ Đức tại TP Thủ Đức có dấu hiệu nghi ngộ độc thực phẩm sau các bữa ăn tại trường.
Hai vụ trên đang điều tra dịch tễ, gửi mẫu xét nghiệm để điều tra nguyên nhân. Riêng trường hợp ngộ độc tại hai cơ sở Tuệ Đức, bà Lan cho biết nhà trường không báo cơ quan chức năng ngay khi sự việc xảy ra mà tự lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Điều này có thể ảnh hưởng việc điều tra, bởi khi đội an toàn thực phẩm tại TP Thủ Đức tiếp cận thì đã quá 24 giờ, việc lấy mẫu xét nghiệm cũng không còn nhiều giá trị.
"Khi xảy ra chuyện, việc đầu tiên là trường phải thông báo, giữ mẫu lưu đồ ăn để cơ quan chức năng đến làm việc, kiểm nghiệm, làm rõ nguyên nhân giúp kịp thời ngăn chặn các hậu quả", bà Lan nói.
Theo người đứng đầu ngành an toàn thực phẩm TP HCM, thời tiết nắng nóng kéo dài là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển, đẩy nhanh quá trình phân hủy thức ăn, cần cảnh giác nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Các trường, bếp ăn tập thể cần đặc biệt cẩn trọng trong các khâu chế biến, bảo quản thức ăn. Nếu không tự nấu mà hợp đồng với cơ sở chế biến suất ăn từ bên ngoài, nên kiểm tra thường xuyên, thậm chí kiểm tra đột xuất để phòng ngừa các nguy cơ.
Thời điểm này, nhiều trường đang tổ chức cho học sinh đi tham quan. Cần chú ý khi lựa chọn đơn vị tổ chức sự kiện, mua đồ ăn ở cơ sở uy tín, có giấy phép rõ ràng. Ăn thực phẩm ngay sau khi mua, không để quá lâu vì dễ có nguy cơ ngộ độc, đặc biệt là những món như bánh mì.
"Trời nắng nóng, dù nguyên liệu đảm bảo chất lượng, chế biến cẩn thận, nhưng thức ăn nấu xong chỉ cần để ở nhiệt độ thường vài giờ, một buổi là có thể đã hỏng", bà Lan cho hay.
Chưa kể, nhiều người chế biến thức ăn còn chưa có kiến thức cũng như ý thức về an toàn thực phẩm. Ví dụ, họ chế biến lẫn lộn thực phẩm sống, chín; mua nguyên liệu giá rẻ không rõ nguồn gốc, xuất xứ; ham lợi nhuận nên bỏ qua các quy trình đảm bảo an toàn...

Bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm điều trị tại Bệnh viện Quận 11, ngày 29/3. Ảnh: Phương Lê
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, người dân cần nâng cao ý thức phòng ngừa để tự bảo vệ bản thân. Chẳng hạn, rau củ quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn là bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới trên 70 độ C. Ăn ngay sau khi nấu vì thức ăn càng để lâu thì càng nguy hiểm.
Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín. Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60 độ C hoặc lạnh dưới 10 độ C. Các thức ăn chín dùng lại phải được đun kỹ trở lại, bởi nếu chỉ hâm cho đến khi vừa bốc hơi là không đủ để vô hiệu hóa độc tố. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại. Nếu nghi ngờ thực phẩm đã hư hỏng, nhiễm bẩn, nên vứt bỏ.
Tránh gây ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn, không để thực phẩm sống và chín gần nhau. Rửa tay sạch trước khi chế biến và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại. Thường xuyên vệ sinh lau rửa tủ lạnh.
Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn... Chỉ sử dụng các sản phẩm, thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.
Phản ánh cho các đơn vị chức năng nếu phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác. Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc.
Lê Phương