Ngày 17/3, bộ phim Shazam! Fury of the Gods chính thức ra rạp. Là dự án thứ 12 của Vũ trụ Mở rộng DC, tác phẩm của David F. Sandberg đồng thời là phát súng khởi động của hãng trong năm nay.
Trái ngược với dự kiến, hậu truyện Shazam không thu hút được sự chú ý của nhiều khán giả. Giới phê bình cũng thẳng tay đánh giá thấp, với số điểm 51% trên Rotten Tomatoes. Những phản hồi tiêu cực này gây áp lực lớn với đạo diễn. Tới mức, mới đây, ông hờn dỗi tuyên bố “chia tay” với dòng phim siêu anh hùng.
Shazam 2 - ‘quả bom xịt’ tại phòng vé
Lấy bối cảnh sau những sự kiện phần đầu tiên, Fury of the Gods xoay quanh nhân vật Billy Batson cùng các anh chị em của mình nay đã làm quen với nguồn sức mạnh mới.
Bất ngờ, ba người con của vị thần cổ đại Atlas trỗi dậy, đoạt lại cây trượng phép. Họ rắp tâm hồi sinh nguồn pháp thuật và trả thù cho cha. Cùng nhau, các thành viên trong nhóm Billy phải tìm cách ngăn chặn âm mưu này, bảo vệ Trái Đất khỏi mối hiểm họa.
Giữ nguyên phong cách của phần tiền truyện, bộ phim tập trung vào các yếu tố giải trí. Theo như David F. Sandberg tính toán, đây là nước đi an toàn do dễ “chiều chuộng” khẩu vị của người xem. Shazam 2 kết hợp nhiều tình tiết dí dỏm, xây dựng câu chuyện nhẹ nhàng, thư giãn. Phần hình ảnh được hoàn thiện tương đối chỉn chu, với tông màu chủ đạo tươi sáng. Vậy nên, phim không tạo tạo ra cảm giác u tối, nặng nề như nhiều dự án trước đó của nhà DC.
Yếu tố giải trí khó cứu được kịch bản phim tệ. |
Tuy nhiên, phần kịch bản lại là yếu tố kéo chất lượng Shazam 2 đi xuống. Logic tình tiết, mâu thuẫn giữa các tuyến nhân vật còn nhiều xước xát, chưa được khai triển một cách bài bản. Xuyên suốt các hồi, chuyện phim vẫn phát triển hết sức nhẹ nhàng, thiếu vắng cao trào, kịch tính giúp nhân vật tỏa sáng.
Phim rơi vào cái bẫy “nhạt” và “dễ đoán” - hai yếu tố dìm chết một bộ phim viễn tưởng/siêu anh hùng.
Vì lẽ đó, không ngạc nhiên khi một phim giải trí như Shazam 2 lại thất bại đau đớn. Tính đến ngày 24/3, sau hơn 1 tuần ra mắt, dự án mới thu về khoảng 70 triệu USD (theo đơn vị thống kê phòng vé Box Office Mojo). Trong đó, chỉ có 34,6 triệu USD doanh thu đến từ thị trường quốc tế (chiếm 49,3%). Riêng tại Việt Nam, đứa con tinh thần của David F. Sandberg mới dắt túi khoảng 17 tỷ đồng.
Đây là những con số đáng báo động với một bộ phim được quảng cáo là “bom tấn” của DC. Thay vì càn quét phòng vé, Shazam 2 lao đao trước nhiều đối thủ khác cùng cạnh tranh tại rạp. Đáng nói, kinh phí sản xuất phim đã lên tới 100-125 triệu USD. Theo tính toán, dự án phải thu về tối thiểu 300-350 triệu USD để đạt điểm hòa vốn.
Với tốc độ thu tiền hiện tại, hậu truyện Shazam khó có thể chạm tay đến cột mốc ấy. Nói cách khác, đây là một cú sốc chí mạng dành cho hãng phim DC. Bộ phim đối diện với thất bại rõ như ban ngày, đẩy thương hiệu siêu anh hùng này tới bờ vực phá sản.
Bước lùi của David F. Sandberg
Sau khi Shazam 2 nhận những phản hồi tiêu cực, đạo diễn không giấu nổi thất vọng và thẳng thắn thừa nhận cảm thấy chán nản. "Tôi vừa nhận được số điểm đánh giá thấp nhất trong sự nghiệp trên Rotten Tomatoes. Điều này khiến tôi ngạc nhiên. Sau 6 năm với dự án Shazam, đã tới lúc tôi tạm biệt dòng phim siêu anh hùng”, ông tiết lộ.
Shazam 2 nhận điểm đánh giá 51% từ chuyên gia trên Rotten Tomatoes. |
“Chia tay” dòng phim siêu anh hùng, đạo diễn thoát khỏi những cuộc tranh luận không hồi kết trên mạng xã hội. Trước đó, Sandberg liên tục bị réo tên trong hàng loạt tweet về thất bại của dự án mới. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến ông cảm thấy áp lực và chán nản.
Những phản ứng gay gắt của khán giả và chuyên gia chính là cái tát đau dành cho nhà làm phim. Bởi lẽ ông đã quá chủ quan, để rồi Shazam 2 thất bại so với chính phần tiền truyện.
Khoảng 4 năm về trước, Shazam! (2019) ra rạp và gây được chú ý vì tinh thần mới mẻ. Dự án này độc đáo vì sự nhẹ nhàng, tươi sáng, đan xen với ngôn ngữ làm phim mang đậm chất hài. So với những anh hùng tên tuổi như Superman, Batman, Aquaman hay Wonder Woman, Shazam rõ ràng “không có cửa”.
Thế nhưng, chính sự độc đáo cùng phong cách sáng tạo khiến Shazam! nhận đánh giá tích cực từ giới phê bình (90% trên Rotten Tomatoes). Với kinh phí chưa tới 100 triệu USD, bộ phim cũng thu về 364 triệu USD, thành công sinh lời cho hãng.
Thậm chí, trước khi lấn sân siêu anh hùng, David F. Sandberg cũng từng là một tên tuổi đáng gờm ở dòng phim kinh dị.
Năm 2016, ông ngồi ghế đạo diễn trong phiên bản điện ảnh của Lights Out. Dự án được chuyển thể từ phim ngắn cùng tên từng gây bão. Đến mức, “ông hoàng kinh dị” James Wan cũng muốn ngỏ lời hợp tác.
Sau đó, ông tiếp tục chỉ đạo bom tấn kinh dị Annabelle: Creation cho Warner Bros. Đây đồng thời là phần phim thứ 4 trong vũ trụ The Conjuring đình đám. Với kinh phí vỏn vẹn 15 triệu USD, Annabelle: Creation mang về doanh thu “khủng” gấp hơn 20 lần như thế.
Khẩu vị điện ảnh của khán giả đã thay đổi
Tất nhiên, việc Shazam 2 thất bại không hoàn toàn do lỗi của đạo diễn.
Đây không phải phim siêu anh hùng đầu tiên thất thu trong thời kỳ hậu đại dịch. Trước đó, từng có nhiều dự án khác phải chịu chung thảm cảnh, kể cả phim từ những hãng khổng lồ như Marvel.
Trước Shazam 2, Black Adam cũng là dự án thất thu của DC. |
Trong và sau đại dịch Co-vid 19, số lượng "thượng đế" ra rạp giảm sút trầm trọng. Dù những siêu bom tấn như Avatar: The Way of Water đã tích cực vực dậy thị trường, tình trạng này có vẻ như không được cải thiện đáng kể. Sức khỏe nền điện ảnh thế giới vẫn trồi sụt và rõ ràng chưa thể trở lại như trước.
Các hình thức giải trí mới lên ngôi khiến nhà rạp phải đau đầu tìm giải pháp khắc phục. Thay vì “ngồi trong rạp”, nhiều khán giả có xu hướng chọn “nằm ở nhà” xem stream (trực tuyến). Đây là một phần nguyên nhân dẫn tới thất bại phòng vé của nhiều dự án, đặc biệt là các dự án ít tên tuổi.
Muốn kéo khán giả tới rạp, bản thân phim phải có sức hút từ thương hiệu lớn, hoặc tự câu kéo khách bằng cách tạo hiệu ứng truyền miệng. Rõ ràng, Shazam 2 không đáp ứng tiêu chí này. Vị anh hùng chưa gây được nhiều chú ý. Chuyện phim nhạt nhòa, không đủ mới lạ để khán giả kéo nhau xem lại lần hai.
Thế nhưng, nhiều tên tuổi lớn hơn như Thor, Black Panther hay mới đây là Black Adam, Ant-man cũng có thành tích không mấy ấn tượng.
Điều này chứng minh tầm quan trọng của trải nghiệm mà một dự án điện ảnh mang tới. Không chỉ thói quen xem phim, ngay cả khẩu vị thưởng thức của khán giả cũng thay đổi. Giải trí đơn thuần là chưa đủ, họ muốn chứng kiến những sáng tạo trong cách khai thác câu chuyện, hay như cách truyền tải thông điệp đến người xem.
Thỏa mãn những điều kiện trên, khi ấy, một bộ phim mới có tiềm năng doanh thu cao. Và bằng chứng chính là những cái tên nổi bật như Spider-man: No Way Home, Top Gun: Maverick hay mới đây nhất là Avatar: The Way of Water.
Chuyên mục Giải trí giới thiệu cuốn Hollywood: The Oral History. Đây là cuốn sách đầy ắp những câu chuyện trên phim trường, chi tiết kỹ thuật, giai thoại hài hước về các diễn viên, chiến lược của các nhà điều hành hãng phim hay sự phàn nàn về các nhà phê bình.