Tại Chỉ thị 20 về xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội thí điểm không sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng đồ uống, quán ăn... nằm trong vành đai 1. Việc thí điểm sẽ thực hiện từ quý IV năm nay, nhân rộng trong các năm tiếp theo.

Khảo sát của VnExpress các quán cà phê tại phường Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình (Hà Nội), cho thấy nhiều nơi phục vụ cốc nhựa một lần hoặc giấy cho khách tại chỗ, kèm ống hút, thìa. Với đơn hàng mang đi, bao bì có thêm quai xách hoặc túi nilon.

img-20250718-164453-1753236290-7914-6373-1753236573.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pgTLLFrkVpI2x_I9eEl1pA

Quầy order tại một cửa hàng F&B trên phố Phan Đình Phùng, Hà Nội, ngày 18/7. Ảnh: Thủy Trương

Quan sát tại một quán cà phê đắt khách trên phố Phạm Văn Bạch (Cầu Giấy) cho thấy trong 30 phút cao điểm buổi sáng, khoảng 100 cốc đồ uống được phục vụ khách hàng và giao shipper. Những ly nước này chủ yếu được đựng trong cốc nhựa.

Những cốc, túi nilon này là một phần trong 1.400 tấn nhựa Hà Nội thải ra mỗi ngày. Theo UBND thành phố, 60% nhựa thải ra là loại dùng một lần và túi nilon. Trong đó, 20% lượng thu gom được tái chế bởi phần lớn các điểm nhỏ lẻ, làng nghề quanh thành phố. Họ chủ yếu tái chế các loại chai nước, chai dầu gội, sữa tắm. Túi nilon và các loại khác gần như bị thải bỏ ra bãi rác.

Nhựa trên thị trường thường được phân làm 7 loại, đánh mã số nhận dạng từ 1 đến 7, được in dưới đáy sản phẩm.

cac-loai-nhua-copy-5290-173137-7419-8511-1752829513.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Acw2ZdqS036nfNgOZ9ZszQ

Bảng phân loại nhựa theo mã số. Đồ họa có sự hỗ trợ từ AI

Cụ thể, PET (Polyethylene Terephthalate) - số 1, là nhựa phổ biến trong chai nước, đồ uống.

HDPE (High-Density Polyethylene) - số 2, dùng trong chai lọ sữa, dầu ăn, các sản phẩm gia dụng.

PVC (Polyvinyl Chloride) - số 3, loại nhựa mềm dùng trong các sản phẩm như đường ống, vỏ điện thoại.

LDPE (Low-Density Polyethylene) - số 4, ứng dụng trong túi nilon, màng bọc thực phẩm.

PP (Polypropylene) - số 5, dùng làm hộp thực phẩm, bình sữa, cốc.

PS (Polystyrene) - số 6, ứng dụng trong cốc, hộp xốp.

Other (Miscellaneous) - số 7, là loại nhựa pha trộn khác.

Trong đó PET, HDPE, LDPE, PP là các loại nhựa dễ tái chế để sản xuất sản phẩm như áo thun, hộp đựng, nắp chai.... Còn PVC, PS và loại khác thường khó tái chế và xử lý.

Nhựa một lần các quán sử dụng cũng khác nhau. Ví dụ với cốc, các chuỗi trà, cà phê lớn thường sử dụng PET, một số dùng PP (nhựa đục hơn). Nhiều quán cà phê, nước ép nhỏ lề đường dùng PP hoặc loại trong suốt nhưng không in rõ nhựa sử dụng.

Theo thông tin từ Công ty TNHH Hunufa - đơn vị sản xuất bao bì - nhựa PET có giá cao gấp 3 lần loại PP, được các quán ăn, cà phê chuộng sử dụng bởi độ trong suốt, thể hiện được kết cấu thành phần đồ uống. Các sản phẩm trên đều dễ thu gom, tái chế.

Trong khi đó, nilon thường bị thải ra bãi rác sau sử dụng. Chúng được làm từ HDPE và LDPE, một loại nhựa giá trị. Tuy nhiên, nilon có khối lượng nhỏ, dễ nhiễm bẩn sau sử dụng. Loại này hầu như không được lực lượng ve chai thu gom, khi vài chục lần lượm loại túi này mới đem về giá trị bằng một lần nhặt chai dầu gội, cũng làm từ nhựa HDPE. Thêm vào đó, các loại nhựa này gốc dầu mỏ, lâu phân hủy trong môi trường nước, đất hoặc bãi chôn lấp

Ô nhiễm nhựa là thách thức lớn của nhiều quốc gia, gồm Việt Nam. Chất thải loại này thất thoát sẽ gây ô nhiễm môi trường đất, không khí, nước và trầm tích ở hồ, sông, biển, sau đó thâm nhập vào chuỗi thực phẩm của con người.

Thực tế, trước khi Thủ tướng yêu cầu Hà Nội thí điểm không dùng nhựa một lần trong vành đai 1, nhiều cơ sở F&B đã nhận thức được tình trạng trên và chủ động chuyển đổi.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch F&B Investment - sở hữu 6 cửa hàng thương hiệu Pizza Home và Cơm gà 68 - nói bao bì cho một đơn mang đi của họ thường gồm cốc, nắp, ống hút, hộp, túi nilon và dụng cụ ăn. Trong đó, hộp đã được chuyển sang loại giấy, thìa và dĩa bằng gỗ.

ong-hut-1746495637-6365-174649-8638-4896-1752829513.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=iu1UlXr4qvCdzCWGZLthRA

Một quán bán cà phê đựng trong ly kèm ống hút, thìa nhựa, tại Tây Mỗ, Hà Nội, ngày 29/4. Ảnh: Bảo Bảo

Tuy nhiên, việc chuyển đổi của doanh nghiệp còn nhiều thách thức, bởi các giải pháp thay thế nhựa giá thường cao. Ví dụ thìa, dĩa gỗ đắt gấp 4 lần loại nhựa. Hay như một bộ cốc gồm thân và nắp nhựa phân hủy sinh học dung tích 360 ml có giá hơn 2.000 đồng, đắt gấp đôi bộ từ nhựa PET và 7 lần loại từ loại PP. Chưa kể hiện có nhiều loại cốc nhựa giá rẻ hơn tràn lan trên thị trường. Chi phí này đội lên nhiều khi mỗi cửa hàng phục vụ vài trăm đơn mỗi ngày.

Thêm vào đó, chất lượng một số sản phẩm thay thế chưa đảm bảo thay thế được nhựa. Ông Tùng cho biết ống hút giấy dễ mủn, tắc khi khách hàng dùng lâu. Túi giấy không chịu được sức nặng như nilon, đặc biệt với đơn hàng giao đi.

Thực tế, một số quán cà phê đã thử dùng túi giấy giao hàng. Nhưng trong quá trình vận chuyển, hiện tượng ngưng tụ hơi nước từ cốc uống lạnh khiến thành cốc đọng nước, thấm qua bao bọc ngoài, khiến túi dễ mủn và bục. Một giải pháp thay thế khác là túi nilon sinh học, nhưng độ bền chưa cao.

Đây cũng là tình trạng của One Kitchen và chuỗi cà phê Ka... Dù dùng hộp, cốc, túi giấy, One Kitchen vẫn phải dùng túi nilon bọc ngoài sản phẩm. Ông Vũ Trường Giang, nhà sáng lập chuỗi Ka..., nói họ chưa tìm được giải pháp tương đương túi nilon dành cho các sản phẩm khách mua mang về, dù dễ chuyển đổi cốc nhựa sang giấy.

Lãnh đạo Công ty TNHH Hunufa thừa nhận túi nilon phân hủy sinh học hoàn toàn (khác với loại làm từ nhựa sinh học trộn nhựa gốc dầu mỏ) chưa đủ chất lượng để thay thế hoàn toàn nhựa khó phân hủy, dù giá cao gấp 5-7 lần. Họ đã ngưng sản xuất loại túi này do tồn kho lâu, chỉ làm nếu có đơn đặt hàng.

"Chúng tôi đang nghiên cứu để giảm giá thành và nâng cao tính năng tiện lợi của sản phẩm thân thiện môi trường, tiệm cận hơn với nhựa", ông Nguyễn Hồng Vũ, Tổng giám đốc Hunufa, nói.

Ông cũng nhấn mạnh rằng quá trình chuyển đổi này cần thời gian. "Các giải pháp thay thế nhựa chỉ thực sự bứt phá và phổ biến khi giải quyết được bài toán về giá và sự tiện lợi một cách bền vững", ông nêu.

Thủy Trương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022