Nhà làm phim Drew Goddard từng nói: "Tôi cảm thấy trong dòng phim kinh dị, chúng nói nhiều về bạo lực thế nào thì cũng ngần đó về tình dục. Đó là bản năng của chúng ta, vì thế điều quan trọng là bạn phải trân trọng chúng".
Bạo lực và tình dục từ lâu đã tồn tại trên màn ảnh kinh dị, giống như cái cách người dẫn truyện của Faster Pussycat, Kill Kill! (1965) dẫn dụ: "Trong khi bạo lực ẩn náu dưới nhiều hình thái, thì lớp phủ ưa thích của nó vẫn là…tình dục".
Bela Lugosi trong tác phẩm "Dracula"
Từ khoảnh khắc Bela Lugosi quyến rũ người hầu gái trong Dracula năm 1931, ngấu nghiến lớp da mịn màng của cô và hút lấy bầu máu nóng, rồi đến người đàn bà của Lars von Trier hành hạ người chồng trong một cảnh của Antichrist (2009) khiến khán giả có thể lên cơn đau tim, hai yếu tố trên thường trực hiện và ràng buộc lẫn nhau trên màn ảnh. Từ một yếu tố trần trụi mang tính thử nghiệm, giờ đây tính dục trên màn ảnh còn là một thứ thuốc thử đánh giá xu hướng bạo lực của giới trẻ và quan điểm xã hội về giới.
Dòng phim "slasher" và cái bia thịt đàn bà
Năm 1960, Alfred Hitchcock thả tự do cho con quái vật mang tên Norman Bates trong Psycho. Đó là một thiên kinh điển về hậu quả của một người rối loạn tính dục phải đối mặt với người khác. Một cô gái tóc vàng ăn trộm tiền từ sếp rồi chạy trốn, là nạn nhân không may khi dừng chân tại Bates Motel mà không hay biết rằng Norman Bates sống như một vật ký sinh tại đây.
Tuổi thơ bị ngược đãi bởi người mẹ, Norman đã phát triển một tâm lý méo mó khi người "bạn" duy nhất của mình chết đi, gã ăn mặc đồ của mẹ và thậm chí còn giả giọng mẹ để tự nói chuyện với mình. Ở một nơi khỉ ho cò gáy này, sự xuất hiện của nàng Marion đã kích thích bản năng tình dục trong gã và khiến nhân cách "mẹ" của Norman nổi điên.
Một kịch bản tương tự cũng diễn tiến trong Dress To Kill (1980) của Brian De Palma. Ảnh hưởng của Hitchcock lên De Palma là khá rõ ràng, Dress To Kill giống như một phiên bản hậu truyện của Psycho vậy. Ở đó, có một nhân vật bác sĩ Elliott mỗi lần anh ta bị kích thích bởi gái đẹp thì nhân cách nữ trong cơ thể gã lên cơn điên, chuyển sang chế độ tự động giết người. Vì thế cách duy nhất để tẩy chay sự ham muốn là giết hết những đứa dám làm gã kích thích.
Hitcock là nhà tiên phong cho thể loại kinh dị "slasher" mà trung tâm là cuộc đuổi bắt giữa một tên sát nhân hàng loạt cùng với thứ vũ khí nổi tiếng của hắn với một nhân vật nữ. Nếu như Leatherface của The Texas Chainsaw Massacre nổi tiếng với cái máy cưa người, thì Michael Myers gây ám ảnh với con dao trên tay.
Phụ nữ là nạn nhân?
Đặc điểm chung của dòng phim này là những cái chết đột ngột và đẫm máu, những cảnh khỏa thân, các hành vi xâm hại đồi bại, những địa điểm kì lạ và một diễn viên nữ sống sót cho tới cuối cùng (mà sau này được người ta đặt tên là "cô gái cuối cùng").
Nhìn chung, trong dòng phim slasher thì phụ nữ thường bị đặt vào vai nạn nhân, bị hành hạ, thậm chí bị cưỡng hiếp (I Spit on Your Grave đã châm ngòi cho dòng phim báo thù cưỡng bức rất thịnh hành thập niên 70), bị giết hại, mà nếu có may mắn được trao vương miện "cô gái cuối cùng" thì cũng là một hành trình từ cõi chết trở về.
Theo Bandura, những hình ảnh bạo lực và khỏa thân trên màn ảnh nếu như không thu hút được sự quan tâm của khán giả thì hầu như không có tầm ảnh hưởng. Với những nhà làm phim kinh dị, lời bào chữa họ đưa ra là việc tăng cường cả về cường độ lẫn biên độ các cảnh trần trụi, máu me trên màn ảnh sẽ làm tăng phản ứng tiêu cực của khán giả đối với bạo lực. Thế nhưng lời giải thích nào cho việc tại sao luôn luôn là một cô gái – với áo quần tả tơi và khuôn mặt bầm dập – hoảng loạn chạy trốn một con dao sáng loáng?
Ngạc nhiên thay nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng nạn nhân là nam chiếm tỉ lệ cao hơn nạn nhân nữ trong các phim kinh dị và cũng phải chịu những tác động thô bạo hơn (bị đâm, bóp cổ, bị thiêu…) tuy nhiên nhân vật nữ là những người thường xuyên bị hành hạ trên màn ảnh (nếu tính cả những cảnh bị theo dõi, bị giật tóc, nắm vai, bị đuổi bắt…).
Quan điểm về việc phụ nữ thường xuyên bị coi là nạn nhân trong phim kinh dị đến từ sự nổi tiếng của các đầu phim (The Exorcist, Carrie, Ginger Snaps…) mà ở đó, cảnh hành hạ phụ nữ thường xuyên được đặc tả và có thời lượng dài hơn hẳn so với nam giới. Trong một cảnh phim, một người đàn ông bị giết đơn giản chỉ được coi là một người bị giết, còn một người phụ nữ bị giết tức là một người phụ nữ bị giết.
Nếu như để ý ta có thể thấy phần lớn khán giả của phim kinh dị là nam thanh niên mới lớn. Phụ nữ - nếu có đi xem thì cũng đi cùng nam giới. Phim kinh dị, cho cả hai giới hoặc mọi giới, dạy chúng ta cách đối đầu với những thứ đe dọa đến con người về mặt cảm xúc hoặc thể xác. Trong khi cùng một cảnh phim người này có thể cảm thấy sợ hãi hoặc rạo rực, thì với những người khác đó là cả một sự nhục mạ. Những người cổ vũ nữ quyền cho rằng phim kinh dị đang mô tả những người đàn bà yếu đuối, nhưng quên rằng chính "cô gái cuối cùng" ấy mới là người sống sót, thậm chí còn "củ hành" sát nhân tơi bời.
Điều này cũng vô hình chung nói lên bản chất quan trọng của phim kinh dị. chúng có thể kinh tởm, máu me nhưng cuối cùng vẫn là cuộc chiến giữa "thiện" và "ác" mà cái "thiện" thường là kẻ chiến thắng. Nếu nhìn nhận theo cách như vậy, những phim mà nữ chính báo thù hoặc sống sót trở về là một cách trao quyền cho phụ nữ trên màn ảnh và ám chỉ cách phụ nữ đáp trả sự bạo lực từ đàn ông.
Không như dòng phim viễn tây hoặc hành động, phim kinh dị đặt phụ nữ vào vị trí "chủ thể" chứ không phải "vật thể". Hãy nghĩ tới Laurie trong Halloween, Ripley trong Aliens, hay thậm chí anh chàng tội nghiệp Chris trong Get Out.
Có rất nhiều lí do để chỉ trích các phim kinh dị là hành hạ phụ nữ, thì cũng có ngần ấy ví dụ chỉ ra rằng không hiếm phim kinh dị là câu chuyện về giới, về cách phụ nữ đáp trả sự đè nén và trao quyền cho họ. Trong khi tình dục và bạo lực tồn tại ở mọi thể loại điện ảnh, thì phim kinh dị, nhất là dòng slasher đã mô tả chúng theo cách trần trụi và bản năng nhất. Có lẽ đó là lí do mà thể loại này, được yêu nhiều mà bị ghét cũng lắm.