Những chia sẻ rầm rộ trên mạng về "tạm khóa báo có", liên quan tới Vietcombank và số tiền hơn 177 tỉ đồng từ thiện miền Trung do Thủy Tiên kêu gọi, hiện vẫn đang được nhiều người quan tâm. Liệu có như lời tố của nữ doanh nhân - đại gia Bình Dương trước đó đã khẳng định: nếu tài khoản này ở trong trạng thái "tạm khóa báo có" thì việc sao kê là vô lý, vì "tiền lúc này không thể đổ vào tài khoản mà chỉ có thể đổ vào khi Thủy Tiên yêu cầu gỡ lệnh, và tiền vẫn được nhập vào đều đều".
Đặt vấn đề sự việc này, đại diện về mặt pháp lý của Thủy Tiên – Công Vinh là luật sư Phan Vũ Tuấn (Trưởng văn phòng luật sư Phan Law Vietnam) đã trả lời riêng PV Thanh Niên: “Việc “tạm khóa báo có” là nghiệp vụ của ngân hàng, được thực hiện theo trình tự, thủ tục luật định. Để tìm hiểu các vấn đề liên quan, chúng tôi khuyến khích các bên liên lạc trực tiếp với các ngân hàng phát hành và các cơ quan quản lý tổ chức tín dụng để tìm hiểu chuyên sâu hơn.
Chúng tôi chỉ có thể khẳng định, việc yêu cầu ngân hàng thực hiện thủ tục “tạm khóa báo có” không phải thủ thuật hay thủ đoạn tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản, như các thông tin mà một số người dùng đang lan truyền. Việc lan truyền các thông tin không có căn cứ là rất nguy hiểm và đang gây thiệt hại nghiêm trọng, không chỉ cho thân chủ chúng tôi mà còn cho tính minh bạch của hệ thống ngân hàng, khiến người dân hiểu sai về hoạt động ngân hàng”.
ttcv_unzq.jpg

Thủy Tiên và Công Vinh vừa xác nhận đã nộp đơn tố cáo đến cơ quan chức năng để từng bước tiến hành khởi kiện những cá nhân vu khống, xúc phạm uy tín của mình

Ảnh: FBNV

Trước sự việc nhiều người dân cũng đang thắc mắc này, tối 22.9, đại diện phát ngôn của Vietcombank trên Fanpage Ngân hàng Vietcombank đã có câu trả lời (nguyên văn):
“Điều 16, Thông tư 23/2014/TT-NHNN ngày 19/08/2014 v/v hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán quy định: “Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện tạm khóa tài khoản thanh toán của khách hàng (tạm dừng giao dịch) một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản thanh toán khi có văn bản yêu cầu của chủ tài khoản (hoặc người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản) hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán".
Do đó, "tạm khóa báo có” tài khoản được hiểu là việc ngân hàng tạm dừng giao dịch ghi có vào tài khoản của khách hàng.
Nếu tài khoản được khóa toàn bộ cả 2 chiều ghi nợ và ghi có hoặc tài khoản được khóa chiều ghi có thì số tiền người khác chuyển vào tài khoản này sẽ không được ghi có vào tài khoản, và được hoàn trả cho người chuyển tiền.
Đối với các trường hợp tạm dừng giao dịch ghi có vào tài khoản của khách hàng: tài khoản sẽ không ghi có bất cứ giao dịch nào kể từ thời điểm ngân hàng thực hiện khóa chiều ghi có theo yêu cầu của khách hàng. VCB xử lý theo nguyên tắc sau:
+ Đối với các giao dịch chuyển tiền trong hệ thống VCB và chuyển tiền nhanh 24*7 ngoài hệ thống qua Napas: hệ thống hiển thị thông báo cho khách hàng và chặn không cho thực hiện giao dịch.
+ Đối với các giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng qua hệ thống IBPS của NHNN và các giao dịch chuyển đến từ nước ngoài: khi VCB nhận được các giao dịch chuyển đến này, sẽ thực chuyển trả lại ngân hàng chuyển (để NH này chuyển tiền trả lại người chuyển tiền). Thời gian xử lý giao dịch tuân thủ theo quy định của NHNN (giao dịch qua IBPS) và theo quy định của SWIFT/công ty chuyển tiền nước ngoài”.
thongbaocuavietcombank_ybaz.jpg

Văn bản trả lời về "tạm khóa báo có" của ngân hàng Vietcombank

Ảnh: Fanpage Vietcombank

Tìm hiểu thêm về nghiệp vụ, một nhân viên ngân hàng lâu năm thông tin: “Sự việc ‘tạm khóa báo có’ hiểu đơn giản là khi tài khoản tạm khóa báo có, tài khoản này sẽ không thể nhận được tiền chuyển vào cho đến khi mở trở lại. Theo lệ thường, sau khi "tạm khóa báo có" tài khoản, số tiền chuyển khoản vào sẽ bị treo trên hệ thống và hoàn trả lại tài khoản gửi trong thời gian 2-3 ngày làm việc tiếp theo của ngân hàng. Nếu chủ tài khoản yêu cầu mở khóa báo có trong khoảng 1-2 ngày thì số tiền đang treo trên hệ thống có thể tiếp tục "ghi có" vào tài khoản hoặc hoàn trả lại tài khoản gửi theo yêu cầu của chủ tài khoản. Tại Công văn Vietcombank gửi cho Thủy Tiên (mà Thủy Tiên công khai) thể hiện trạng thái tài khoản là “Tạm khóa báo có vào tài khoản từ 15 giờ 15 phút ngày 2.11.2020 đến thời điểm hiện tại”. Từ thông lệ "tạm khóa báo có" trong hoạt động ngân hàng và trạng thái tài khoản của ca sĩ Thủy Tiên có thể thấy tài khoản của Thủy Tiên đã thực hiện "tạm khóa báo có" trong thời gian dài. Như vậy, đối với trường hợp của Thủy Tiên - Công Vinh thì có thể thấy tài khoản của Thủy Tiên đến thời điểm ra văn bản không ghi nhận có trong khoản thời gian "tạm khóa báo có” ".

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022