Diễn ra ít ngày trước, đêm thơ Tổ quốc bay lêntại Nhà hát Phạm Thị Trân (Ninh Bình) đã để lại rất nhiều dư âm và xúc động trong lòng người xem những ngày qua, khi mà những thi phẩm cất lên tại đây đã thắp lên những rung cảm sâu sắc về một giá trị thiêng liêng: Tình yêu và trách nhiệm với Tổ quốc.
Hãy cùng Thể thao và Văn hóa (TTXVN) nhìn lại sự kiện thú vị được chọn làm hoạt động chính của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 này.
Từ những "dáng hình" bằng thơ
"Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc/ Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn/ Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc/ Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng"… là những câu thơ đầu tiên vang lên trong đêm thơ. Từ những câu thơ mở màn của Chế Lan Viên ấy, một không khí thi ca thấm đẫm cảm hứng yêu nước được mở ra, dáng hình đất nước hiện lên qua thơ cũng thật đẹp...
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều phát biểu
Đó là non nước Ninh Bình lộng lẫy qua những áng thơ trác tuyệt của bao tao nhân mặc khách vịnh cảnh đề thơ. Vẻ sơn thanh thủy tú của nơi đây được họa bởi: "Lòng khe in ngược bóng cầu hoa/ Hắt sáng bờ khe, vệt nắng tà/ Lặng lẽ nghìn non, rơi lá đỏ/ Mây giăng như mộng, tiếng chuông xa" (Vũ Lâm thu vãn của Trần Nhân Tông); rồi "Sắc núi còn xanh ngắt/ Lâu rồi, vẫn người đi!/ Lòng sông in bóng tháp/ Tầng thẳm cửa thôi che…" (Dục Thúy sơn của Trương Hán Siêu)… Cảnh đẹp thơ hay càng thêm phần diễm lệ qua tiếng thơ ngâm của NSND Mai Thủy.
Dáng hình đất nước còn là biển đảo của Tổ quốc thiêng liêng. Với Lính đảo hát tình ca trên đảo, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã thổ lộ lòng mình: "Gió rát mặt, đảo luôn thay hình dạng/ Đá củ đậu bay như lũ chim hoang/ Cứ mặc nó! Nào hỡi các chiến hữu/ Ta bắt đầu thôi. Mây nước đã mở màn... Ta đứng vững trên đảo xa sóng gió/ Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này".

NSND Mai Thủy ngâm thơ “Vũ Lâm thu vãn”, “Dục Thúy sơn”…
Còn nhà thơ Phan Hoàng lại mang đến đêm thơ phút lắng lòng để nghe Tiếng chuông chùa giữa lòng đại dương: "Bay từ chơi vơi đảo xanh/ bay qua những rạn san hô/ bay qua những ngọn triều dâng/ tiếng chuông chùa quyện gió truyền hơi ấm biển khơi/ vỗ về mộ sóng/ như hơi thở ánh mắt mẹ quấn lấy con thơ mùa giông bão"…
"Trong tâm thức mỗi người Việt Nam, ai cũng mang trong mình hình bóng một ngôi chùa nào đó, và tiếng chuông chùa luôn vang vọng trong tâm thức" - Phan Hoàng tâm sự - "Nếu ở đất liền, mỗi khi đi xa, ta nghe tiếng chuông chùa liền nhớ về quê nhà, thì giữa biển khơi bao la, giữa Trường Sa, giữa những vòng hoa bất tử của những người lính đã ngã xuống, tiếng chuông ấy càng trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết".
"Tôi tin rằng, những ai từng đặt chân đến Trường Sa đều có chung một cảm xúc như mình. Đó là khi tiếng chuông chùa vọng lên, những người lính nằm lại dưới lòng biển sâu như đang sống dậy, trở về cùng những tâm tư của chúng ta" - anh bộc bạch - "Những ám ảnh này cứ theo tôi mãi kể từ chuyến đi đầu tiên đến Trường Sa, và phải đến một thời gian dài về sau, tôi mới viết những câu thơ nói hộ lòng mình".
Khi Tiếng chuông chùa giữa lòng đại dương hòa vào không gian, chúng ta lại lên miền ngược nghe Bài ca núi của nữ thi sĩ dân tộc Tày Phùng Thị Hương Ly. Dáng hình đất nước mang vẻ hùng vĩ mà cũng nên thơ đến lạ qua những con chữ của đá, của núi rừng, của văn hóa tộc người đậm đà bản sắc.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đọc thơ “Lính đảo hát tình ca trên đảo”
Đó là: "Rung reng lách cách, vang núi vọng thung/ Vấn vương áo chàm ngày hội/ Mặt trời nhìn người Tày thương nhau/ Mái ngói âm dương mưa nắng chụm đầu/ Lòng khắc ghi lời tiên tổ/ Xà tích qua bản còn vọng thổ âm/ Vòng bạc đơm hoa trên cổ cao ba ngấn/ Trước nghi lễ mùa Xuân/ Bầy chim đỏ cúi đầu tạ ơn núi/ Nhựa cây hoài thai một cánh rừng chàm/ Lưng nương hoa đào chum chúm nở/ Chờ một cuộc dâu sang"… Những câu thơ mở ra cả một vùng sơn cước rộng lớn, nơi có một thế giới mà con người, cây cỏ, vạn vật, âm dương cùng hòa trộn trong những yêu thương diệu kỳ của tạo hóa.
"Bài thơ có hình ảnh bầy chim đỏ là sứ giả của mùa Xuân, báo hiệu mùa Xuân về trên vùng núi cao. Tôi là một người con của dân tộc Tày, được sinh ra từ núi. Tôi khao khát được giống như bầy chim đỏ để làm một sứ giả, giới thiệu với bạn đọc về quê hương, cảnh sắc thiên nhiên cũng như những nét văn hóa tươi đẹp của dân tộc mình qua những câu thơ" - nữ tác giả này cho hay - "Những câu thơ được viết ra cũng là niềm tự hào của tôi về quê hương, về dân tộc mình. Đó cũng là ước mơ, khát vọng lớn lao của tôi về một thế giới tươi đẹp, đầy ắp tình yêu thương".

Nhà thơ Phùng Thị Hương Ly đọc thơ “Bài ca núi”
Đến thế đứng kiêu hãnh của dân tộc
Hình hài đất nước hiện lên trong thơ còn là dáng hình của một thế hệ người Việt Nam đã sống và chiến đấu quên mình cho thế đứng kiêu hãnh của dân tộc, như bài Dáng đứng Việt Nam của nhà thơ Lê Anh Xuân viết năm 1968.
Dáng đứng Việt Nam đã được cất lên trong đêm thơ Tổ quốc bay lên như một sự khẳng định tinh thần bất khuất, anh hùng của dân tộc đã làm nên những trang sử hào hùng. Như lời Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều: "Chúng ta chọn tinh thần từ bài thơ của nhà thơ Lê Anh Xuân là để bày tỏ sự tôn vinh và lòng biết ơn đối với tất cả những người con trên mảnh đất Việt Nam yêu quý đã dâng hiến trọn đời mình cho độc lập, tự do, và thống nhất đất nước".

Đêm thơ “Tổ quốc bay lên” trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23
"Chúng ta chọn dáng đứng của họ để chọn dáng đứng của một dân tộc không bao giờ biết quỳ gối trước bất kỳ kẻ thù nào. Họ đã ngã xuống trong những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, để Tổ quốc Việt Nam được quyền đứng dậy kiêu hãnh làm người" - ông Thiều bày tỏ - "Năm nay, chúng ta chọn một vùng đất của thiên nhiên kỳ vĩ, của một lịch sử hào hùng và của một nền văn hóa lâu đời và đặc sắc mang tên Ninh Bình để tổ chức ngày thơ. Từ vùng đất này, chúng ta cùng nhau gửi đi thông điệp về hòa bình, về cái đẹp, về khát vọng sống chân chính của một dân tộc và ý chí, hành động cho khát vọng chân chính ấy".
Sau Dáng đứng Việt Nam, lần lượt những khúc tráng ca thấm đẫm niềm tự hào dân tộc cũng được ngân vang như Nhớ của Nguyễn Đình Thi, Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi của Nam Hà…
Để rồi, chúng ta có thể dễ dàng khẳng định, với bất cứ nền văn học nào, cảm hứng về Tổ quốc cũng là một nguồn cảm hứng lớn lao. Đối với Việt Nam - một dân tộc trải qua hàng nghìn năm lịch sử, cần lao nhưng tột bậc anh hùng - nguồn cảm hứng này càng trở nên rõ nét. Từ văn học dân gian đến văn học viết, từ văn học trung đại đến văn học hiện đại, ta có thể bắt gặp rất nhiều thi phẩm bất hủ được chưng cất lên từ nguồn cảm hứng thiết tha với Tổ quốc.
Và, không gì trọn vẹn hơn khi những câu thơ: "Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/ Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông..." (Sao chiến thắng của Chế Lan Viên) vang lên để khép lại đêm thơ Tổ quốc bay lên. Cảm hứng về Tổ quốc cứ thế được khởi lên mạnh mẽ và nối dài bất tận từ đây… và đi tới một tương lai mới.
"Ngẩn ngơ cùng đá Ninh Bình"…
Một khoảnh khắc khá thú vị trong đêm thơ Tổ quốc bay lên, đó là khi nhà thơ Trần Đăng Khoa mang đến 2 bài thơ đặc biệt (Hoa Lư và Gửi người em gái Ninh Binh) làm quà tặng cho nhân dân và bạn đọc yêu thơ tại đây.
"Ninh Bình là một vùng rất đẹp. Nó đẹp đến mức người Mỹ phải lặn lội sang đây mượn nhan sắc của Ninh Bình để trang điểm cho bộ phim Kong của họ. Nhưng, đẹp hơn quang cảnh của Ninh Bình, chính là những người con của Ninh Bình. Đàn ông thì vô cùng thông minh, còn phụ nữ xinh đẹp vô cùng. Chính vì thế, Ninh Bình mới có nhiều núi đá…" - nhà thơ bày tỏ - "Núi đá đã làm cho những vùng đất của Ninh Bình trở thành kỳ quan của thế giới, như Tràng An. Nhưng không phải núi đá đâu, toàn là người cả đấy! Đó là những chàng trai mê các cô gái về đây hóa đá hết".
Như trong bài Gửi người em gái Ninh Bình, ông viết: "Biết bao chàng trai trẻ đẹp/ Mê em lặn lội vào đây/ Rồi xanh xao đến khô gầy/ Rồi lú đường về hóa đá/ Đá mang nỗi yêu hoang dã/ Đêm đêm thao thức như người/ Đá vẫn âm u trò chuyện/ Dường như chỉ với em thôi/ Nếu như em không xinh đẹp/ Chắc trời đất đã yên lành/ Chắc quả bồ hòn đã ngọt/ Và ta đã hóa thần linh/ Em đừng nghĩ ta tán dóc/ Nếu em chẳng đẹp chẳng xinh/ Đã chắc gì ta lăn lóc/ Ngẩn ngơ cùng đá Ninh Bình"…