Như Thể thao và Văn hóa (TTXVN) từng đề cập, triển lãm cá nhân Non nước biên thùy của họa sĩ Đỗ Đức đã tạo ấn tượng khá tốt với người xem bằng những câu chuyện cuốn hút. Cuối tuần qua, cũng trong khuôn khổ triển lãm này, bức tranh sơn dầu Trên nương (60x80cm, 2017) của Đỗ Đức được trả giá 4.000 USD từ một nhà sưu tập giấu tên tại cuộc đấu giá thiện nguyện. Ông sẽ gửi tặng toàn bộ số tiền này cho việc xây dựng lớp học vùng cao thông qua quỹ Hoa của đá.

Ông đã đồng hành cùng quỹ từ thiện này từ năm 2013, đi khảo sát tìm địa điểm để xây những ngôi trường đầu tiên và đến nay đã có gần 20 điểm trường được xây tại các bản làng hẻo lánh thuộc tỉnh Hà Giang.

Từ triển lãm "Cao nguyên đá"…

Đây không phải lần đầu tiên Đỗ Đức vừa làm triển lãm, vừa đấu giá tranh làm từ thiện để gửi gắm nghĩa tình với miền đá núi Hà Giang mà ông đã gắn bó máu thịt cả đời mình. Còn nhớ, năm 2013, ông làm triển lãm Cao nguyên đá bày 21 tranh sơn dầu trong 3 ngày tại chợ Đồng Văn. Triển lãm do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) phối hợp với UBND huyện Đồng Văn (Hà Giang) tổ chức.

Họa sĩ Đỗ Đức (trái) tại cuộc đấu giá gây quỹ Hoa của đá

"Tại triển lãm này, tôi ủng hộ hai bức tranh là Mẹ trong đáGặp nhau trên nương để ban tổ chức đấu giá lấy tiền tặng cho 2 hộ nghèo của Đồng Văn do huyện giới thiệu. Đó là 2 gia đình Giàng Mí Lúa và Vừ Mí Già, để mỗi người có được một ngôi nhà mới. Mọi việc đã hoàn thành mỹ mãn. Mục đích tôi "tặng tranh - đấu giá - làm nhà tặng người dân" là để gửi lời cảm ơn cụ thể tới mảnh đất cao nguyên đá Đồng Văn - nơi đã nuôi nấng con đường nghệ thuật của tôi" - họa sĩ nhớ lại.

Kể từ bước đi đầu tiên này, Đỗ Đức bắt đầu hành trình nhiều năm với hoạt động thiện nguyện xây trường học tại Hà Giang. Cụ thể, sau triển lãm Cao nguyên đá, nhóm Chung tay vì trẻ em vùng cao, nay mang tên là nhóm Hoa của đá, đã kết nối với ông thực hiện chương trình từ thiện Vì tương lai trẻ em vùng cao. Chủ trương của nhóm là làm lớp cho các cháu mẫu giáo tại các bản làng xa xôi hẻo lánh. Ngay trong năm 2014, ông đã đóng góp xây lớp học đầu tiên tại thôn Phìn Chải A, xã Vần Chải, huyện Đồng Văn.

tuthien-17264439021171039481210.jpg

Họa sĩ Đỗ Đức (giữa) chụp ảnh cùng các nhà hảo tâm ủng hộ quỹ “Hoa của đá”

Việc xây lớp học tại các bản vùng sâu vùng xa do nhóm Hoa của đá thực hiện kéo dài đến nay đã 11 năm. Nhóm cùng với sự đồng hành của Đỗ Đức đã vận động được nhiều cá nhân, doanh nghiệp hảo tâm ủng hộ tiền, đã có 41 lớp học với trang bị đầy đủ học cụ và phòng lưu trú giáo viên tại 18 điểm trường cho 18 bản sâu trong núi, thuộc các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh. 11 năm, trên 3.500 lượt trẻ em đã được học tại bản. Lứa đầu tiên ở Vần Chải đã có 7 em sắp vào lớp 10. Đến nay, điểm trường thứ 19 đã được khởi công tại xã Vần Chải và dự kiến khánh thành vào tháng 10/2024.

Chia sẻ về sự đồng hành của họa sĩ Đỗ Đức, nhà báo Lương Hằng, trưởng nhóm Hoa của đá, cho biết: "Họa sĩ Đỗ Đức đã biến ước mơ của những người trẻ chúng tôi cách đây 11 năm được hiện thực hóa. Năm 2013, bác đã dắt tay chúng tôi lên Đồng Văn đến với những bản làng cheo leo trên đỉnh núi để khảo sát và xây dựng những điểm trường đầu tiên. Những ngày đầu tiên ấy, chúng tôi không nghĩ rằng nhóm có thể đi được hành trình suốt 11 năm qua. Bởi chúng tôi không thuộc một tổ chức có quy mô bài bản, mà chỉ là những người có cùng tâm huyết muốn được làm một điều gì đó có ý nghĩa cho trẻ em vùng cao".

Với mong muốn tiếp tục xây dựng điểm trường thứ 20, nhóm Hoa của đáđã nhận được sự hỗ trợ của Đỗ Đức thông qua việc đấu giá bức tranh sơn dầu Trên nương thu về 4.000 USD. Cũng tại cuộc đấu giá, quỹ còn nhận thêm 50 triệu đồng từ người tham dự ủng hộ để xây dựng điểm trường thứ 20 ngay trong năm 2025 với tổng kinh phí dự kiến 150 triệu đồng.

gayquy-1726443902317502192335.jpg

Tác phẩm “Trên nương” được đấu giá 4.000 USD để gây quỹ thiện nguyện

Nặng lòng trả nghĩa đá núi

Với họa sĩ Đỗ Đức, mọi việc làm cho miền đá núi Hà Giang dường như để trả nghĩa cho mảnh đất đã nuôi dưỡng con người nghệ thuật của ông. Chưa khi nào ông thôi trăn trở phải làm lợi cho đất và người nơi đây. Và, hành trình hơn 10 năm qua đồng hành cùng nhóm Hoa của đá đã giúp ông phần nào bày tỏ được tấm lòng sâu nặng của mình.

Với các thành viên của nhóm Hoa của đá, Đỗ Đức luôn là "thủ lĩnh tinh thần". Ở tuổi bát thập, ông vẫn miệt mài chỉ đường cho nhóm xây trường học vùng cao, bàn chân ông càng đi càng in sâu nghĩa tình trên những dốc núi, rẻo cao của miền biên viễn phía Bắc với một sức lực tráng cường. Có lẽ phải nặng lòng lắm với đá núi mới cho ông sức mạnh như thế.

nhangian-1726443902171181008286.jpg

Tác phẩm “Cõi nhân gian” (80x100cm, sơn dầu, 2022) của Đỗ Đức

Trưởng nhóm Hoa của đá Lương Hằng kể, năm 2015, khi nhóm triển khai xây dựng điểm trường thứ 2, lúc đó Đỗ Đức vừa đặt stent tim (thủ thuật điều trị các bệnh tim mạch). Vừa ra khỏi bệnh viện, ông đã đi khánh thành điểm trường này.

"Để vào được điểm trường phải vừa đi xe máy, vừa đi bộ khoảng gần 1 tiếng đồng hồ. Đường đi chỉ là những khối đá được phá vỡ ra và xếp chồng lên nhau. Theo sau bác Đức, chúng tôi vừa đi vừa lo lắng vì sức khỏe của bác khi ấy chưa tốt hẳn" - Lương Hằng nhớ lại - "Thế rồi, chiếc xe máy của bác đi trượt vào một viên đá. Bác ngã văng ra, đứt cả chiếc đồng hồ đeo trên tay. Rất may mắn, bác lại đứng lên đeo ba lô và đi tiếp. Hành trình làm trường với chúng tôi, bác Đức lúc nào cũng tận tâm, không quản ngại sức khỏe".

Lần khác, vào năm 2018, nhóm Hoa của đáxây dựng điểm trường trên đỉnh núi nhìn ra đèo Thẩm Mã. Điểm trường nằm cheo leo trên vách đá, thung lũng ở giữa bốn bề là mây. Học sinh của điểm trường không thể đi xuống, cô giáo hằng ngày phải đi bộ từ dưới chân núi lên mất khoảng 1 tiếng đồng hồ. Còn những thành viên của nhóm khảo sát xây trường phải đi bộ mất khoảng 2 tiếng rưỡi.

khauvai-17264439022951176941864.jpg

Tác phẩm “Huyền thoại Khau Vai” (65x120cm, sơn dầu, 2020) của Đỗ Đức

"Thế nhưng, họa sĩ Đỗ Đức vẫn miệt mài đồng hành cùng nhóm lên điểm trường. Bác Đức bước từng bước một, trong khi bác cũng vừa mới đặt lại stent tim lần 2. Bác đã chiến thắng những trở ngại sức khỏe để đồng hành cùng với bà con, các cháu vùng cao thân yêu của mình với một tấm lòng nhiệt huyết, tận tâm" - Lương Hằng bày tỏ.

Đi… để đọc cuộc sống

Mỗi lần trở về Hà Giang, Đỗ Đức luôn coi "về đó như về nhà". Ông thân quen với đá núi, làm bạn với dốc đèo, không nơi nào là không thuộc. Ông kể, mình không nhớ nổi đã có bao nhiêu chuyến đi về với cao nguyên đá.

mienrung-1726443902252692627510.jpg

Tác phẩm “Cổ tích miền rừng” (80x160cm, sơn dầu, 2024) của Đỗ Đức

Chỉ có nhất quyết một điều mà người họa sĩ ấy khẳng định: "Mỗi lần đi đều có cảm giác hào hứng, mỗi lần đi đều phát hiện ra thêm những cái mới. Với nhiều người, đã đến vùng đất nào đó một lần, họ không quay lại vì đã biết. Nhưng với tôi, mỗi lần đi Hà Giang, kể cả những chuyến đi làm thiện nguyện, đều tác động đến sáng tác".

Ví như, tại triển lãm Non nước biên thùy dịp này, ông bày bức Thuở hoang sơ của đá vẽ năm 2008 đặt cạnh bức Cổ tích miền rừng vẽ năm 2024. Hai bức này vẽ cách nhau 16 năm, đều vẽ bãi đá, nhưng cho thấy rõ được những chuyển biến nhận thức trong sáng tác của Đỗ Đức sau mỗi chuyến đi về "miền đất nghệ thuật" của ông.

hoangso-17264439023091633039278.jpg

Tác phẩm “Thuở hoang sơ của đá” (80x100cm, sơn dầu, 2008) của Đỗ Đức

"Nếu năm 2008 tôi chỉ mô tả bãi đá là bãi đá, thì đến năm 2024 bãi đá ngày đó đã hóa cổ tích miền rừng. Nhìn một bãi đá, trải qua nghìn xưa trong nó chất chứa những huyền thoại, những cổ tích, và cả những biến thiên đã trượt qua đời sống" - ông giải thích - "Cho nên đứng trước bức tranh có độ lùi thời gian, ta nhìn bãi đá có chỗ như con người, có chỗ như loài sinh vật... Lúc này bãi đá không còn là chính nó, mà người nghệ sĩ đã mượn nó để gửi cảm xúc, gửi nhận thức của mình. Vẽ ở đây là sự thay đổi nhận thức - nhận thức về văn hóa, từ chỗ chỉ làm được ở mức ghi chép, rồi đến đi qua ghi chép".

Ông nói thêm: "Nếu tôi chỉ đi Đồng Văn một lần chưa chắc tôi đã có nhận thức như thế khi vẽ. Phải đi rất nhiều để nhìn từ một bãi đá của tự nhiên dần dần nhận ra những bãi đá của huyền thoại, của trầm tích văn hóa. Có những bức tôi vẽ đến 3 năm chưa xong, như những bức Cõi nhân gian, Huyền thoại Khau Vai... Vẽ bãi đá đó, nhưng là những con người hóa đá, những mối tình hóa đá mà trở thành vĩnh cửu. Đá là người mà thành huyền thoại. Chỉ có nhận thức và vẽ như thế thì mới làm ra được những tác phẩm đúng nghĩa của sự sáng tạo thay vì chỉ ghi chép, hoặc minh họa thực tế".

Rõ ràng, với Đỗ Đức mỗi chuyến đi trở về miền sáng tác đã cho ông vốn liếng sáng tạo quý giá, nguồn cảm hứng không khi nào nguội lạnh. Chính ông cũng thành thực, những chuyến đi miền núi xây trường học cho trẻ em vùng cao, ông luôn ý thức việc khám phá, quan sát cuộc sống nơi đây, để thấy thêm được nhiều điều mới lạ.

"Xét cho cùng bản chất của quan sát là đọc cuộc sống. Quan sát cuộc sống ở cả một vùng thiên nhiên, vùng văn hóa như cao nguyên đá Hà Giang, có người chỉ thấy khổ, có người chỉ thấy nguy hiểm, nhưng có người đọc ra được những giá trị văn hóa, những bản chất nguyên sơ quý giá. Tôi có thể sáng tác lâu bền có lẽ cũng bởi đã đọc sâu vào cuộc sống từ những chuyến đi như thế" - họa sĩ tâm sự.

"Có những bức, tôi vẽ đến 3 năm chưa xong, như những bức Cõi nhân gian, Huyền thoại Khau Vai... Vẽ bãi đá đó, nhưng là những con người hóa đá, những mối tình hóa đá mà trở thành vĩnh cửu" - Đỗ Đức.

Họa sĩ Đỗ Đức - nặng tình với núi

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022