Khi ra mắt năm 1997, bộ phim Titanic của đạo diễn James Cameron đã tập tức trở thành hiện tượng toàn cầu. Tính đến nay, phim đã thu về gần 2,2 tỷ USD từ phòng vé toàn cầu (số liệu của Box Office Mojo) và tiếp tục trụ vững trong top 5 tác phẩm điện ảnh có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Titanic cũng là dấu son chói lọi trong sự nghiệp của đạo diễn lừng danh James Cameron khi giúp ông giành được hai tượng vàng Oscar cho Phim xuất sắc và Đạo diễn xuất sắc vào năm 1998.
Sau 25 năm, chuyện tình nghìn đời khó quên, đẹp nhưng bi thảm của Jack (Leonardo DiCaprio) và Rose (Kate Winslet) trên con tàu Titanic sẽ một lần nữa tái ngộ khán giả trên màn ảnh rộng dưới định dạng 4K 3D. Nhân dịp Titanic trở lại màn ảnh rộng, đạo diễn James Cameron đã dành thời gian trò chuyện với chúng tôi. Trong cuộc phỏng vấn, ông chia sẻ về những kỷ niệm cũng như nỗi trăn trở gắn liền với tác phẩm kinh điển của mình.
Đạo diễn James Cameron chia sẻ quan điểm của mình về Titanic sau khi phim đã ra rạp được 25 năm (Video: Kingpro)
"Titanic không cần thay đổi bất cứ điều gì"
Trong lần trở lại này của Titanic, ông có cảm thấy mình buộc phải sửa bất kỳ phân cảnh nào của phim không?
Tôi khá hài lòng với bộ phim của mình. Về mặt nghệ thuật, những gì chúng tôi đã làm được vào 25 năm trước là quá ổn, tôi không cần phải băn khoăn nghĩ ngợi gì. Tôi đã dành 25 năm để nghiên cứu về lịch sử, khoa học, thu thập tư liệu, làm thực nghiệm về cách con tàu bị vỡ ra… Kết luận rút ra là, đại đa số những gì chúng tôi đưa lên màn ảnh đều chính xác. Kể cả về mặt lịch sử.
Tính xác thực của phim so với lịch sử vẫn còn khá cao, dù từ đó đến nay chúng ta đã khám phá thêm được nhiều chi tiết mới. Nhưng tổng thể mà bộ phim vẽ ra thì vẫn không thay đổi. Có một số chi tiết lặt vặt có thể sửa, nhưng tôi nghĩ nó không mang lại hiệu quả đáng kể. Chúng giống như một bức ảnh chụp, phản ánh hiểu biết của chúng ta về sự kiện lịch sử bi thảm ấy. Bản thân tôi, dưới góc nhìn nghệ thuật, tôi không nghĩ bộ phim cần thay đổi bất cứ điều gì.
Khi xây dựng kịch bản cho Titanic, ông có từng nghĩ sẽ viết cho các nhân vật một cái kết khác?
Ừ thì giống như Jack có thể sống sót không, Jack với Rose có kết hôn rồi sinh con không… chứ gì? Tôi đã nghe những thắc mắc kiểu này nhiều lắm rồi. Với tư cách là một đạo diễn, và cả một nghệ sĩ nữa, điều tôi cố gắng thể hiện là bản chất tự nhiên của tình yêu và tính khả tử. Sống trên đời ai rồi cũng đến lúc phải chết đi, vậy nên một phần mối quan tâm của khán giả dành cho sự kiện lịch sử gắn liền với con tàu Titanic là người ta sẽ phản ứng thế nào khi điểm đến cuối cùng ấy đã ở trước mắt.
- Hoá ra Titanic còn có 1 cái kết khác: Sến sẩm thế nào mà sẽ khiến phim thành thảm họa?
Có rất nhiều người chồng đã quyết định hy sinh, để con cái và vợ của họ bước lên thuyền cứu hộ và sống sót. Những câu chuyện như thế đan cài, tạo ra một thiên truyện vĩ đại hơn, đi vào lịch sử và đầy bi thảm. Trong đó, người ta lựa chọn hy sinh bản thân mình, hành động bằng lòng quả cảm để những người khác có thể sống sót.
Sau 25 năm, chuyện tình của Jack và Rose vẫn khiến bao khán giả phải thổn thức (Ảnh: 20th Century Studios)
Điều quan trọng nhất với tôi là Jack hy sinh thân mình vì Rose. Nó phản ánh sự hy sinh đã diễn ra trên những con thuyền cứu hộ, giữa đám đông đang vật lộn để sinh tồn. Đó là cách mà bộ phim cần phải kết thúc, từ góc nhìn nghệ thuật. Còn trên thực tế, hai người có thể lâm vào tình huống tương tự mà vẫn sống sót hay không? Có thể có, có thể không… Mà chắc chắn là không.
Vừa qua chúng tôi đã tiến hành một thử nghiệm khá thú vị nhằm làm sáng tỏ tranh cãi này. Chúng tôi đã làm thử nghiệm khoa học về quá trình hạ thân nhiệt với hai diễn viên ở cùng độ tuổi và có hình thể tương đồng với Kate và Leo tại thời điểm đóng Titanic. Toàn bộ thử nghiệm này đã được gói gọn thành một chương trình đặc biệt phát trên National Geographic. Nếu khán giả còn tò mò về chuyện Jack sống hay chết, họ có thể lên đó xem. Nhưng câu trả lời của tôi, dưới góc nhìn nghệ thuật, đã nằm cả trên phim rồi.
"Tôi nhớ chuyện hậu trường Titanic nhiều hơn là bản thân bộ phim"
Tại sao ông quyết định làm một bộ phim lấy con tàu Titanic làm bối cảnh?
Tôi bị con tàu Titanic lôi cuốn kể từ ngày hợp tác với Viện Hải dương học Woods Hole để thực hiện bộ phim The Abyss (1989). Các robot cùng thiết bị thăm dò do họ sáng chế đã được sử dụng trong cuộc tìm kiếm và khám phá xác tàu Titanic đầu tiên của Robert Ballard. Tôi đã gặp Ballard và có cơ hội được thăm quan công việc tuyệt vời mà họ đang thực hiện khi ấy. Chúng khiến tôi nghĩ về Titanic. Rồi tôi xem A Night to Remember (1958) và bị ấn tượng sâu sắc với ý tưởng lấy con tàu làm bối cảnh cho một câu chuyện tình.
Ngày đem chào hàng ý tưởng làm phim với hãng 20th Century Fox, tôi còn nhớ mình đã mang theo cuốn sách tranh khổ lớn vẽ lại con tàu Titanic do họa sĩ Ken Marschall thực hiện. Tôi mở trang chính giữa cuốn sách - một trang đôi họa cảnh con tàu đang chìm với đoàn thuyền cứu hộ cố gắng bơi ra xa và pháo sáng được bắn liên tục. Một bức tranh tuyệt đẹp. Rồi tôi nói với các vị lãnh đạo ngồi đó rằng "Romeo và Juliet đang ở trên con tàu này".
Đạo diễn James Cameron chỉ đạo sản xuất trên phim trường Titanic (Ảnh: 20th Century Studios)
Ông có thể chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ hơn cả trong quá trình thực hiện bộ phim?
Tôi có nhiều kỷ niệm với Titanic lắm. Ngay khi nghe câu hỏi này, chúng đã xẹt qua đầu tôi như điện vậy. Nhưng kỳ lạ là tôi nhớ về quá trình thực hiện bộ phim nhiều hơn là bản thân nó. Bởi tôi nhớ từng chi tiết mình đã chuẩn bị trên phim trường.
Tôi còn nhớ chuyện này, xảy ra trong ngày quay cuối, vào một trong các cảnh sau cùng. Khi ấy tôi đang mặc áo lặn, thiết bị lặn, đeo đồ bảo hộ đầu gối của cầu thủ hockey và đứng trên cầu. Rồi chúng tôi kích hoạt tất cả thiết bị nổ. Vụ nổ xảy ra, nước tuôn vào xối xả. Đó là một cột áp suất đổ xuống từ độ cao 4,5 m. Đứng chịu trận bên dưới là tôi và diễn viên đóng thế người Hà Lan vào vai thuyền trưởng. Cậu ta có một hệ thống cấp khí được lắp sau lưng và chạy dọc cánh tay, còn thiết bị điều khiển thì giấu trong lòng bàn tay.
Rồi nước cuốn theo đủ thứ khác được rót xuống. Hàng tấn nước ồ ạt đổ vào. Cảm giác khi ấy giống như bạn bị đấm vào mặt vậy. Tôi quay được cảnh ấy, rồi mọi thứ trước mặt tối sầm bởi không thể trông thấy gì trước mắt cả. Tôi không biết chàng diễn viên của mình có còn sống hay không. Cậu ta cũng không biết tôi còn sống hay không. Bối cảnh ấy cũng là cảnh quay cuối cùng của chúng tôi.
Khi ấy tôi nhớ mình đã nghĩ về tất cả khó khăn và thử thách mà đoàn phim đã trải qua, từ khâu tiền kỳ, để hoàn thành được bộ phim này. Rồi tôi nói "Chúa ơi, con đã sẵn sàng để ra đi". Rồi các nhân viên hậu đài mở tung cánh cửa và lôi chúng tôi ra. Cả hai đều còn nguyên vẹn.
Titanic là bộ phim không tuổi
Nếu Titanic được thực hiện vào những năm 2020, ông có nghĩ thành phẩm của mình sẽ khác biệt nhiều so với 25 năm trước không?
Tôi nghĩ nếu Titanic được làm vào bây giờ, nó vẫn sẽ là một đề tài thú vị. Tôi chắc chắn mình vẫn sẽ kể nó như một câu chuyện tình, vẫn tập trung vào khía cạnh cảm xúc. Về mặt kỹ thuật, công nghệ làm phim, mọi thứ đều đã khác rồi. Thời nay chúng ta sẽ dùng nhiều CG hơn, phim trường được dựng đơn giản hơn, sẽ sử dụng nhiều đại cảnh dựng bằng đồ họa vi tính hơn, vì giờ công nghệ ấy đã được vận hành nhuần nhuyễn rồi. Chúng tôi, các nhà làm phim, đã biết cách vận dụng để ảo và thật hòa làm một. Ngắn gọn là, cách tiếp cận sẽ rất khác.
Dù được thực hiện bằng công nghệ tiên tiến, tôi không nghĩ thành phẩm sẽ khác nhiều. Có thể còn giống y chang kìa. Hãy giả dụ tôi đã viết xong kịch bản Titanic từ 25 năm trước nhưng không làm phim ngay mà phải tới tận bây giờ mới có thể bấm máy. Chúng tôi vẫn sẽ quay bằng kịch bản ấy, với những giá trị ấy, góc quay ấy. Nhưng chúng tôi sẽ không xây dựng phim trường đồ sộ rồi vất vả dọn dẹp như đã từng. Về mặt thông điệp, tôi nghĩ dù làm 25 năm trước hay 25 năm sau, tinh thần của bộ phim vẫn không thay đổi.
Không chỉ nói về tình yêu, Titanic còn là bộ phim nói về sự trao quyền cho phụ nữ (Ảnh: 20th Century Studios)
Ta có kẻ giàu người nghèo, kẻ ăn không hết người lần chẳng ra, kẻ chết người sống. Luôn có một sự chênh lệch sâu sắc giữa số phận của những người nghèo khó và tầng lớp thượng lưu, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại - khi loài người phải đương đầu với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Và cũng không thể quên việc Titanic cũng đề cập tới chủ đề trao quyền cho phụ nữ. Rose đã dẹp bỏ đẳng cấp xã hội mà hòa mình vào tình cảm thuần khiết. Tất nhiên, cái kết phim sẽ khiến nhiều người nhói lòng, nhưng đó là sự nhói lòng đi kèm với chút ngọt ngào khi cô gái ấy đã trưởng thành toàn vẹn, sống một cuộc đời dài lâu không có gì phải hối tiếc cho đến khi đoàn tụ với tình yêu đời mình ở tuổi 103.
Sau Titanic, ông đã hợp tác với Kate Winslet trong Avatar: The Way of Water. Vậy ông có kế hoạch làm phim nào với Leonardo DiCaprio trong tương lai gần không?
Sau khi Titanic đóng máy, tôi và Kate giữ quan hệ bạn bè thân thiết hơn nhiều so với tôi và Leo. Chắc tôi và cậu ấy chỉ gặp nhau phải mỗi thập kỷ một lần. Chúng tôi không thực sự hàn huyên tâm sự với nhau nhiều lắm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có rất nhiều điểm chung. Đó là các công việc liên quan đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Mọi người cũng hỏi tôi câu này luôn ấy mà, thế nên tôi nghĩ việc mình cần làm lúc này là nối lại liên hệ với Leo. Rồi chúng tôi sẽ ngồi lại xem có ý tưởng gì thú vị để cả hai cùng làm được với nhau. Mình sẽ cùng chờ xem.
Cảm ơn ông vì buổi trò chuyện ngày hôm nay.