Trong thời điểm cách ly vì dịch Covid, ban công đã nổi lên như một vị “cứu tinh” trong kiến trúc khi là không gian lý tưởng để con người giao tiếp với thế giới bên ngoài.
Ban công – Không gian quý giá của cách ly xã hội ©Wenjia Tang, 2020Đôi mắt của đường phố
Ngắm nhìn đường phố lặng im và hạn chế tương tác trong thời điểm cách ly vì dịch Covid, ban công nổi lên như vị “cứu tinh” trong không gian kiến trúc, mang đến cho người dân một nơi để giao tiếp với thế giới bên ngoài. Từ một phần mở rộng bị đánh giá thấp của không gian sống, ban công giờ đây lại cần thiết hơn bao giờ hết khi là nơi cung cấp không gian để tận hưởng sự ấm áp của nắng, hít thở không khí trong lành và quan sát các hoạt động trên đường.
Ban công cũng trở thành không gian mở để kích hoạt, kết nối những cộng đồng dân cư trong điều kiện dịch bệnh gia tăng, cho phép người dân tham gia vào thế giới bên ngoài thay vì đối mặt với bốn bức tường khép kín. Với thiết kế đơn giản, tuy nhiên lại thể hiện được chức năng xã hội ở thời điểm này, ban công về cơ bản hoạt động như con mắt nhìn ra đường phố – “Eyes on the street”, một cụm từ nổi tiếng Jane Jacobs đặt ra để mô tả ý nghĩa của cuộc sống đường phố năng động.
Huấn luyện viên cá nhân Antonietta Orsini thực hiện một lớp tập thể dục cho hàng xóm của mình, nhìn từ ban công của cô ở Rome, Ý ©ReutersNền tảng hồi sinh tinh thần tập thể cho công dân thành phố
Để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia trên toàn thế giới đã ban hành lệnh cấm di chuyển, buộc nhiều người bị giới hạn trong không gian kín. Ban công trở thành nền tảng xã hội để hồi sinh tinh thần tập thể cho những công dân trong thành phố. Dù cho bất kỳ hoạt động nào như chơi nhạc, nhảy múa, hát quốc ca, tổ chức kỷ niệm cho những nhân viên y tế vì công sức của họ, tất cả đều cảm thấy vui vẻ thông qua không gian từ ban công nhà.
Sự hồi sinh từ đây cũng cho thấy nhiều điều về bản năng sinh tồn của con người bởi biết tận dụng mọi tiện ích kiến trúc có sẵn để thích nghi trong thời điểm khó khăn. Những điều này vô hình trung khuyến khích chúng ta nhìn ra thế giới, cùng kết nối cộng đồng, đoàn kết để vượt qua khó khăn. Đồng thời là hướng đi mới cho những kiến trúc sư có thêm ý tưởng thiết kế những tiện ích ở giữa không gian ngoài trời – những tiện ích đã chứng minh giá trị của mình giữa thời điểm khoảng cách tối thiểu 2m.
Trên toàn thế giới, ban công đang trở thành nguồn hy vọng và kết nối tại một thời điểm bị cô lập ©Getty ImagesMáy lọc không khí cho ngôi nhà của bạn
Cùng với vai trò văn hóa và xã hội, ban công còn đóng vai trò như bộ lọc không khí giúp kết nối môi trường bên ngoài với bên trong của ngôi nhà. Trong lịch sử, nguồn gốc ban công đến từ Ba Tư và Ai Cập. Khi đó, ban công được sử dụng cho những nghi lễ – nơi cho thấy những người có quyền lực và địa vị trong xã hội xưa.
Trong các trường hợp khác, nơi đây có công năng như một nhà hát công cộng của đường phố, nơi mọi người tham gia vào việc xem các cuộc diễu hành và các sự kiện. Mary Shepperson, một nhà khảo cổ học đô thị chỉ ra rằng, khi tìm hiểu lại những tài liệu gốc cổ xưa ở Lưỡng Hà, ban công đã được xây dựng như một cách để cung cấp bóng râm trên đường phố tránh sự khắc nghiệt của ánh nắng mặt trời.
Trong thế giới Ả Rập, ban công theo phong cách trang trí mashrabiya lại được xây dựng như một cách thức cung cấp luồng thông gió với môi trường và tuân thủ các nguyên tắc riêng tư. Thành phố trên nước Venice cũng nổi tiếng với những chiếc ban công giúp cung cấp không khí trong lành trong một dân cư đông đúc.
Một người phụ nữ tập thể dục trên ban công của mình trong thời gian giãn cách như là một phần của tình trạng khẩn cấp trên Costa del Sol của Tây Ban Nha ©ReutersKhông gian sống xanh và là lựa chọn hàng đầu cho sức khỏe
Trong nhiều trường hợp, ban công không phát huy được tối đa công năng của mình khi thiết kế ở những khu vực quá đông đúc hoặc ít người qua lại hoặc thiết kế ban công phía sau. Đối với người dân sống trong căn hộ, ban công là tài sản xanh duy nhất họ sở hữu, nơi có thể trồng hoa trang trí cho ngôi nhà khi không thể tận hưởng được không gian xanh nơi công cộng.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, nhà ở không đơn thuần chỉ là nơi trú ẩn mà đòi hỏi thiết kế linh hoạt để đáp ứng nhu cầu sử dụng cho công việc và trường học. Một kỳ nghỉ xã hội dài ngày có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, giống như hội chứng tưởng tượng bệnh tật “sick building syndrome”. Theo một khảo sát bởi YouGov, khoảng 53% người mua nhà đã chọn không gian ngoài trời làm tính năng chính duy nhất trong một ngôi nhà mới sau tiêu chí có chỗ đỗ xe và hệ thống năng lượng mặt trời.
Điều này cho thấy cách mọi người đánh giá cao không gian xanh mở cho dù đó là hiên, thềm hoặc sân vườn, và đặc biệt là ban công đã trở thành một không gian quý giá trong thời gian gần đây.
Cư dân của một nhà nghỉ hưu ở Helsinki hát với nhau từ ban công của họ vào ngày 19 tháng 3 © Quan Di sản Phần LanGiải pháp cho thiết kế ban công
Ban công được thiết kế kém linh hoạt rất dễ trở thành “nhà kho”, thậm chí gây lãng phí. Ở Châu Âu, ban công đứng khá phổ biến, thường được gọi là Juliet “faux”, được xây dựng chỉ dành cho một người. Tuy nhiên điều này có thể hạn chế sự tương tác và đôi khi không phát huy được công năng.
Do vậy, việc thiết kế ban công lõm hoặc ban công cantilevered (ban công côngxon) có thể đảm bảo bóng râm hoặc bảo vệ người sử dụng khỏi những luồng gió mạnh. Thay vì thiết kế ban công chật hẹp “cho có”, các nhà thiết kế cần để chiều rộng thoải mái và có chiều sâu tương đối, từ 1m8 – 2m5, vừa đủ một hai chiếc ghế và một khu vườn nhỏ.
Triết lý thiết kế của Sou Fujimoto mang đến kiến trúc ở trong nhà cũng cảm thấy như ngoài trời và ngược lại, nắm bắt tinh thần một cách hoàn hảo. Việc tương tác không gian vô cùng quan trọng, dù là đi bộ hay dạo công viên, vì vậy, thiết kế không gian sống là điều vô cùng thiết yếu.
Ban công ở Copenhagen ©Naama BlonderNếu bất cứ điều gì giữa đại dịch năm 2020 đã cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về những chi tiết nhỏ có thể thường bỏ qua trong kiến trúc và các thành phố, thì ban công hoặc chiều rộng vỉa hè chính là những chủ thể ấy. Giá trị cho không gian mở đơn giản như ban công hay sân thượng giúp con người có cái nhìn đa chiều hơn về những chi tiết nhỏ trong thiết kế. Và dự kiến những chi tiết nhỏ như thế này sẽ ngày càng tăng lên nếu dịch bệnh không có dấu hiệu ngưng.
Ban công cũng giúp tăng chất lượng cuộc sống, cung cấp không gian ngắm cảnh, đắm mình giữa thời tiết bên ngoài hoặc tự tay nuôi dưỡng khu vườn để thêm không gian xanh. Đây cũng đồng thời là nhiệm vụ của các kiến trúc sư: phải tinh chỉnh lại những chi tiết của thành phố và mang đến một diện mạo mới, những ứng dụng linh hoạt để biến đổi, thích ứng trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng tăng mạnh.
Biên dịch | Vũ Hương (Nguồn: re-thinkingthefuture)
XEM THÊM:
- Top 10 thiết kế ban công độc đáo trong bối cảnh đại dịch Covid-19
- Nâng cao trải nghiệm giãn cách trong bối cảnh đại dịch Covid-19
- Xe điện không người lái – Ý tưởng về một phương tiện mới trong đại dịch Covid-19