Bố mẹ chồng chị đều đã ngoài 70 tuổi. Trước đây, họ đã lên sống cùng vợ chồng chị nhiều năm nhưng từ hồi dịch Covid-19, ông bà về quê cho khỏi bó hẹp trong căn hộ chung cư. Cũng từ đó, thay vì sử dụng chiếc điện thoại bấm số chữ to, có âm thanh dành cho người già, ông bà bắt đầu dùng điện thoại thông minh. 

Trước tiên là để ông bà có thể nói chuyện với con cháu. Cả nhà lập một nhóm trên zalo, cứ vài ngày lại gọi một cuộc video call. Thế là từ cậu con rể hay đi công tác đến cháu trai du học ở Canada đều có thể nói chuyện với nhau thoải mái. 

Ông bà nhận ra, khi ở cùng với các con, có khi ông bà còn nói chuyện với con cháu ít hơn bây giờ. Các cuộc nói chuyện cũng linh hoạt, không bị gò bó thời gian, địa điểm, ít nhất cũng có 1-2 đứa cháu tiếp chuyện ông bà.

Một điều mà bà rất say mê, đó là dùng điện thoại thông minh có thể chụp ảnh, quay phim bất cứ lúc nào, vừa nhanh, vừa đẹp, vừa dễ. Mỗi lúc nấu món ăn ngon, có bạn bè đến chơi nhà hay đi ăn giỗ, ăn cưới, ông bà đều chụp vài cái ảnh, quay mấy đoạn phim ngắn gửi cho con cháu xem, để các con nắm được tình hình của bố mẹ. 

Cả nhà chị hay trêu nhau, hôm nào mà không thấy bố mẹ gửi ảnh là phải gọi điện về xem có ốm đau gì không.

165537web-design-for-older-user-17211034600061437617609-1721394329513-172139433017694438074.jpg

Ảnh minh họa

Phải mất gần nửa năm, ông bà mới bắt đầu dùng Facebook nhưng khi đã dùng thì "nghiện" luôn. Bây giờ, "từ vươn thở đến tiếng thơ", ông bà đều cập nhật những chuyện diễn ra trong cuộc sống thường nhật của mình. 

Facebook cũng là "cầu nối" giúp ông bà kết nối với người thân, họ hàng, bạn bè. Có những người bạn mấy chục năm chưa gặp lại, giờ đã có thể kết nối với nhau, khiến ông bà rất hạnh phúc.

Trước đây, ông bà phải nhờ con cái nhận hộ lương hưu, lúc nào cần dùng lại nhờ con cái rút tiền mặt ra cho bố mẹ. Tiền tiết kiệm ông bà cũng không tự gửi được. Bố mẹ có bao nhiêu tiền, định dùng tiền vào việc gì, cứ phải "khai" hết với các con. 

Từ khi dùng ứng dụng ngân hàng trực tuyến trên điện thoại, bà dùng điện thoại thông minh nhiều hơn. Bà có thể chủ động hoàn toàn với tiền của mình. Bà cũng thích thú với các ứng dụng mua hàng trực tuyến để mua những món đồ cần dùng trong gia đình hàng ngày. 

Ông bà cũng thường lên mạng tìm hiểu các kiến thức về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân. Việc hỏi bác sĩ trực tuyến để điều trị những bệnh thông thường, cách dùng thuốc theo đơn giờ ông bà đã sử dụng thành thạo.

Điều ông bà thấy hạnh phúc nhất chính là không trở nên lạc hậu với con cháu. Giờ chuyện gì con cháu nói, ông bà cũng biết, thậm chí, có nhiều chuyện, ông bà còn thì thầm to nhỏ với con cháu trước tiên.

Thanh Tâm chia vui với chị khi bố mẹ chồng cao tuổi vẫn mạnh khoẻ, lại tiếp cận nhanh với công nghệ. Đúng là người già gặp nhiều rào cản khi tiếp xúc với công nghệ khi không phải người nào cũng có điều kiện mua điện thoại thông minh và sử dụng hết các tính năng của nó.

Thêm vào đó, những vụ lừa đảo qua mạng cũng tập trung vào đối tượng người cao tuổi. Ngay cả các công ty sản xuất công nghệ và các phần mềm, ứng dụng cũng chưa coi người cao tuổi là nhóm đối tượng cần tập trung nghiên cứu để phát triển nên đôi khi các sản phẩm chưa thực sự thân thiện với người già. 

Nhưng rõ ràng, công nghệ giúp cuộc sống người già vui vẻ, được giao lưu, được kết nối, con cháu cũng yên tâm khi biết rõ hơn về cuộc sống hàng ngày của bố mẹ, ông bà mình khi ở xa. Và trí não của người cao tuổi cũng được luyện tập nhiều hơn khi sử dụng công nghệ thuần thục.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022