"Đây là một trong những ca ghép khí quản kết hợp phẫu thuật tạo hình thực quản cổ hiếm gặp trong y văn thế giới, lần đầu tiên được thực hiện thành công tại Việt Nam", TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, nói sáng 7/8.

Bệnh nhân ở Thanh Hóa, gặp tai nạn giao thông vào tháng 7/2022, gây chấn thương sọ não, hàm mặt, ngực, gan... Quá trình hồi sức sọ não phải thở hỗ trợ, do vậy bác sĩ mở khí quản người bệnh (tạo một lỗ ở cổ để thở, không thể thở qua đường mũi như bình thường).

Một tháng sau khi mở khí quản, người bệnh được hội chẩn điều trị bảo tồn nong và đặt stent khí quản nhưng thất bại. Điều này dẫn đến hiện tượng khó thở, phải mở lại khí quản vĩnh viễn.

Bố bệnh nhân cho biết con trai thở qua đường cổ, song vẫn ăn uống bình thường, nhưng "có bệnh thì vái tứ phương". Gia đình đưa đi khám nhiều nơi và được chỉ định tiêm 6 mũi thuốc vào vùng khí quản bị hẹp. Đến tháng 5/2023, sau tiêm mũi thứ 6, bệnh nhân bị loét, tổn thương lan sang thực quản, thông ra khí quản.

"Lúc này, bệnh nhân ăn uống bất cứ thứ gì đều bị chui vào phổi. Trên cơ thể không chỉ phải 'đục lỗ' để thở, mà còn mở thông dạ dày để bơm thức ăn", TS Hùng nói, thêm rằng tình trạng này khiến tinh thần người bệnh, gia đình suy sụp. Về lâu dài, việc thở này tăng nguy cơ xơ, hỏng phổi, viêm phổi.

img-0537-jpg-1723009827-172300-1149-2489-1723009977.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jR_FxxCmpkqLH4ukZ827iA

Bệnh nhân tái khám đầu tháng 8 cho kết quả tốt. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Đến khám tại Bệnh viện Việt Đức, cơ thể thanh niên suy kiệt, còn 42 kg, được chẩn đoán tổn thương đoạn khí quản dài tới 6,5 cm, nhưng không thể can thiệp vì đã mổ cắt khí quản cũ, cũng không có vật liệu gì để can thiệp. Ghép khí quản là chỉ định cuối cùng có thể cứu vãn.

Sau khi hội chẩn đa chuyên khoa, các bác sĩ quyết định phẫu thuật 2 thì cho người bệnh. Thì 1, bệnh nhân được tạo hình cắt - nối đoạn thực quản cổ bị hẹp hoặc tạo hình thực quản bằng đoạn đại tràng. Thì 2, mổ tạo hình đoạn thanh môn kết hợp ghép đoạn khí quản cổ bằng đoạn khí quản cổ của người cho chết não.

Sau hai ca mổ thực hiện ngày 11/4 và 13/5, bệnh nhân thở, ăn uống được bình thường, nói được dù còn "thều thào". Cuối tháng 6, anh được ra viện. Lần tái khám gần nhất, thanh niên tăng được 10 kg, có thể làm việc nhà, nấu cơm, chăm con. Bệnh nhân cần thực hiện một cuộc phẫu thuật nữa để giúp giọng nói trở về bình thường.

img-2520-jpg-1723009770-5156-1723009977.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ufSlA4iw224Lp77Nhnh8wA

Các bác sĩ phẫu thuật ghép khí quản cho bệnh nhân hồi tháng 5. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo TS Hùng, hiện phẫu thuật ghép khí quản nói chung và ghép đường thở nói riêng vẫn là thách thức trong ngoại khoa. Tháng 9/2007, các bác sĩ Việt Đức lần đầu tiên thực hiện thành công phương pháp ghép tự thân khí quản cho bệnh nhân bằng cách lấy một đoạn động mạch chủ ở thận người bệnh ghép vào phần khí quản của họ. Còn số ca được ghép như bệnh nhân này trên thế giới đếm trên đầu ngón tay, dưới 10 ca. Thái Lan có 2 ca theo dõi đến 20 tháng. Các trường hợp khác đều không thành công.

"Với ca bệnh này, chúng tôi tự tin vào tay nghề của bác sĩ Việt Nam không thua gì thế giới", TS Hùng nói, bày tỏ trân trọng những người chết não hiến tạng đã hồi sinh nhiều cuộc đời.

Từ đầu năm đến nay, tại Bệnh viện Việt Đức có 16 trường hợp chết não hiến tạng. Một người chết não hiến tạng cứu ít nhất được 4 người, các bộ phận khác như van tim, mạch máu, khí quản... được bảo quản tại ngân hàng mô, sẽ mang lại cơ hội cho nhiều bệnh nhân khác.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022