Hành trình 14 năm điều trị ung thư gan với nhiều lần tái phát

Ông Nguyễn Văn Kiên* (sống tại TP.HCM) là trường hợp bệnh nhân gắn bó điều trị với Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã 14 năm nay. Đây là trường hợp bệnh nhân được bác sĩ nhận xét rất chăm chỉ đi khám định kỳ và có tinh thần lạc quan hiếm có khi đối mặt với căn bệnh ung thư.

Vào năm 1997, trong một lần đi khám sức khỏe định kỳ, ông Kiên đã phát hiện mắc viêm gan virus mạn tính. Bác sĩ có căn dặn ông phải uống thuốc kháng virus và khám định kỳ để ngừa biến chứng xơ gan, ung thư gan.

Tuân thủ lời bác sĩ, ông Kiên luôn đi khám sức khỏe, kiểm tra gan định kỳ. Cho tới năm 2010, trong một lần đi khám, bác sĩ đã phát hiện ông Kiên có khối u trong gan. Kết quả sinh thiết khối u là ác tính. Tuy nhiên, thay vì lo sợ, ông Kiên đã bình tĩnh đối mặt, tuân thủ tuyệt đối theo y lệnh của bác sĩ.

what-is-hepatitis-b-thumbnail-17223310728752102029599-1722415131828-17224151333341828360028.jpg

Viêm gan virus mạn tính làm tăng nguy cơ xơ gan, ung thư gan (Ảnh minh họa)

Theo ông Kiên, ông đã được TS.BS Trần Công Duy Long, Phó Trưởng khoa Ngoại Gan-Mật-Tụy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cắt một phần lá gan có khối u. Sau khi loại bỏ khối u ác tính, ông Kiên có 8 năm sống khỏe mạnh không mang mầm bệnh ung thư trong cơ thể.

"Sau khi thực hiện ca phẫu thuật thành công, tôi vẫn tuân thủ đúng theo y lệnh của bác sĩ, tuyệt đối khám định kỳ, sử dụng thuốc theo đơn kê", ông Kiên tâm sự.

Ông Kiên cũng biết ung thư sẽ có nguy cơ tái phát nên ông không hề chủ quan. Ông theo dõi sát bất thường của gan thông qua khám định kỳ. Cho tới năm 2018, căn bệnh ung thư gan của ông tái phát. Thời điểm này, ông Kiên cũng được bác sĩ điều trị đốt sóng cao tần. Sau đó, ông Kiên duy trì tái khám với tần suất 2-3 tháng/lần. Kết quả của mọi lần tái khám đều tốt. 

Tuy nhiên, điều tốt đẹp không kéo dài được bao lâu. 2 năm sau đó, căn bệnh ung thư của ông Kiên tái phát lần nữa. Thế nhưng, ông Kiên vẫn không hề lo lắng vì ông tin y học phát triển có thể giúp ông kéo dài thời gian sống.

"Tôi tiếp tục được điều trị ung thư gan bằng sóng cao tần diệt tế bào ung thư. Trong lần điều trị này, kết quả hết tế bào ung thư. Nhưng khoảng 2 năm sau, tôi tiếp tục tái phát ung thư", ông Kiên chia sẻ.

Lần tái phát ung thư này ông Kiên đã được bác sĩ hội chẩn cắt một phần gan bên phải.  Sau khi phẫu thuật cắt ung thư gan lần 2, khoảng 2 năm sau khối u lại tái phát lần nữa. 

"Lần này, sau hội chẩn, bác sĩ nói tôi không thể phẫu thuật cắt gan hay đốt sóng cao tần được nữa. Bác sĩ có chỉ định cho tôi làm TACE (nút mạch bằng hóa chất, cắt nguồn dinh dưỡng nuôi khối u). Kết quả điều trị tốt, tôi đáp ứng điều trị. Nhưng khoảng 8 tháng sau lần làm TACE đầu tiên, khi đi khám tầm soát, bác sĩ phát hiện khối u gan của tôi phát triển trở lại. Tôi được làm TACE lần 2 và rất may mắn đáp ứng điều trị", ông Kiên nói.

Ông Kiên cũng vui mừng khoe thêm: "Cách đây 10 ngày tôi đi tái khám và có kết quả tốt. Tôi mong mình khỏe mạnh, kéo dài thời gian sống không ung thư".

Bí quyết 14 năm chiến đấu với ung thư gan

Nói về bí quyết đối mặt với căn bệnh ung thư nhiều lần tái phát nhưng cho tới nay vẫn khỏe mạnh, ông Kiên nói: "Tôi có được 14 năm sống khỏe mạnh tới bây giờ là nhờ luôn theo dõi và tầm soát bệnh. Khi phát hiện ung thư gan, tôi tuân thủ y lệnh của bác sĩ, tuân thủ tuyệt đối sử dụng thuốc. Qua câu chuyện của mình, tôi cũng muốn nhắn nhủ với mọi người hãy kiên trì điều trị, theo dõi định kỳ, xét nghiệm kiểm tra tái phát thì khả năng sống sót nếu mắc ung thư vẫn sẽ cao".

1a4a8e2a25c5809bd9d4-17223294584741861323019-1722415134909-17224151420401451251913.jpg

Bệnh nhân tái khám với bác sĩ Long.

Bí quyết thứ hai trong hành trình điều trị ung thư của ông Kiên đó chính là sự hỗ trợ của người nhà. Trong suốt 14 năm điều trị, ông Kiên luôn có sự đồng hành của người bạn đời. Nhờ đó mà ông Kiên luôn giữ vững tinh thần đối mặt với căn bệnh ung thư, kiên trì điều trị tới cùng.

"Người nhà thông cảm, thấu hiểu và luôn ở bên cạnh giúp tôi vững tin điều trị", ông Kiên nói.

  • photo-1722343411309-1722343411479262353051-0-46-450-766-crop-17223442741411085857154.jpeg

    Đi bộ là "liều thuốc trường sinh" tốt nhất: Nếu 40 tuổi có 7 đặc điểm này khi đi bộ, coi chừng tuổi thọ ngắn

Ngoài ra, theo ông Kiên thái độ của y bác sĩ đối với bệnh nhân cũng là một nguồn lực lớn lao để ông có thêm quyết tâm hy vọng điều trị.

"Bệnh nhân chúng tôi khi đến viện thường sợ lắm. Gặp bác sĩ dịu dàng, động viên, bệnh cũng bớt được tới 30%", ông Kiên chia sẻ.

TS.BS Trần Công Duy Long cho hay, trường hợp bệnh nhân Kiên đã theo dõi điều trị tại khoa hơn 14 năm qua. Bệnh nhân phát hiện viêm gan sớm, theo dõi điều trị, khám đúng định kỳ nên đã phát hiện ung thư sớm. Nhờ đó khi phát hiện ra ung thư, bác sĩ có những phương pháp điều trị ít xâm lấn, triệt căn cao cho bệnh nhân. Sau điều trị, bệnh nhân vẫn theo dõi theo chỉ định để phát hiệm sớm khối u tái phát nên đều kịp thời điều trị.

Theo bác sĩ Long, ung thư gan phát hiện và điều trị sớm có thể sống kéo dài 4-6 năm, có những trường hợp 10 năm không bệnh.

Trong hơn 14 năm điều trị ung thư với nhiều lần tái phát, bệnh nhân đã được áp dụng những phương pháp khác nhau. Khi bệnh nhân Kiên không thể phẫu thuật hay đốt sóng cao tần, bác sĩ đã dùng tới TACE. Đây là giải pháp giúp khống chế sự phát triển của khối u và kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Tuy nhiên vào 2-3 tháng sau đó, người bệnh cần đến bệnh viện kiểm tra xem còn mạch máu nào nuôi khối u hay không. Nếu còn, phải tiếp tục thực hiện thêm thủ thuật TACE.

Qua trường hợp của bệnh nhân Kiên, chuyên gia khuyến cáo mọi người nên đi khám định kỳ. Khi phát hiện viêm gan cần theo dõi kiểm soát, khám định kỳ để phát hiện biến chứng xơ gan, viêm gan sớm.

*Tên nhân vật đã được thay đổi.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022