Đám cháy đêm 6/9 tại quán karaoke ở TP Thuận An, Bình Dương, khiến 14 người tử vong, nhiều người bị thương do ngạt khói, ngộ độc khí, bỏng, chấn thương do nhảy lầu để thoát nạn. Cả nước trước đó xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn tại nhà riêng, công xưởng, chung cư, quán karaoke..., số nạn nhân thương vong lớn.

Bác sĩ Huỳnh Bá Tản, chuyên gia cấp cứu ngoại viện tại TP HCM, từng công tác ở Trung tâm Cấp cứu 115, cho biết bất kể đám cháy xuất phát từ đâu, đa số nạn nhân tử vong hoặc bị ngất là do hít khí độc như CO, CO2, metan... sinh ra từ quá trình cháy các vật liệu tại hiện trường. Số ít nạn nhân được đưa vào cấp cứu tử vong do nguyên nhân bỏng lửa trực tiếp. Nguyên nhân là lửa lan chậm, nhiệt độ cao tỏa từ từ nhưng khói và khí độc thì phát sinh rồi lan rộng rất nhanh và nguy hiểm hơn nhiều.

Chỉ trong vòng vài phút, các khí độc sẽ xâm nhập và tấn công đường thở gây ngộ độc với các triệu chứng như khó thở, đau đầu, lú lẫn, gây ngất, nặng hơn là ức chế thần kinh, ngưng thở. Đặc biệt, khí CO không màu, không mùi nên rất khó phát hiện, khi ngấm vào máu sẽ chiếm chỗ của oxy khiến các cơ quan tổn thương do "đói" oxy nghiêm trọng. Từ đó nạn nhân sẽ ngất đi rồi tử vong mà không hay biết, ngay trước cả khi ngọn lửa cháy tới chỗ họ trú.

"Trong hỏa hoạn, cách tốt nhất để sống sót là tránh xa nơi phát hỏa, cách ly với khí độc càng xa càng tốt và chờ cứu hộ nếu tự mình không thể thoát ra khỏi đám cháy", bác sĩ Tản nói.

Đồng quan điểm, bà Trang Nguyễn, người đồng sáng lập Doanh nghiệp xã hội Kỹ năng sinh tồn SSVN (chuyên đào tạo các khóa học sơ cấp cứu và thoát hiểm cho người dân), cho biết không có phương án thoát hiểm nào phù hợp với tất cả trường hợp, do đặc điểm hiện trường (mức độ cháy, kết cấu nhà, vật liệu, địa điểm...) khác nhau. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu trong mọi tình huống hỏa hoạn là tìm cách thoát thân.

ngat-khoi-hoa-hoan-2490-1662542936.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=f0rYXsLmW3bSt2-iSSqQrg

Khói độc bốc mạnh, bao trùm cả tầng cao nhất quán karaoke bị cháy tại TP Thuận An, Bình Dương, tối 6/9. Ảnh: Thanh Tùng

Các chuyên gia khuyến cáo người dân nhớ và thực hiện các kỹ năng thoát hiểm cháy nổ sau:

Báo động cháy

Người gặp nạn cần bình tĩnh và kêu lớn "cháy nhà", bấm chuông báo cháy để báo động và gọi người đến hỗ trợ.

Cùng với đó, phải ngắt cầu dao điện nhằm đảm bảo an toàn. Cách này cũng nhằm giúp ngưng nguồn chập điện gây phát hỏa và giảm nguy cơ cháy lan thêm.

Chữa cháy tại chỗ

Công tác chữa cháy cần làm ngay tức khắc và sớm nhất có thể nếu lửa được phát hiện sớm, vùng cháy nhỏ và người bị nạn phán đoán có khả năng kiểm soát được hỏa hoạn trong vòng hai phút. Các phương tiện chữa cháy có thể là bình chữa cháy, nước, cát hoặc khăn vải mềm tẩm nước.

Cách dùng bình chữa cháy xách tay là cần giữ bình ở khoảng cách 1,5 mét với nguồn đám cháy, sau đó gỡ nắp bảo vệ, xóc 2-3 lần và xịt vào sát chân đám cháy.

Nếu đã xịt hết bình (khoảng hai phút) mà không dập được, đám cháy lan rộng hơn, không có các phương tiện dập lửa khác ở gần, phòng đóng kín, chứa nhiều vật liệu bắt cháy... thì người gặp nạn phải lập tức tìm cách thoát ra ngoài. Nguyên nhân là trong môi trường phòng kín, chỉ sau hai phút các khí độc như CO, CO2 trong khói sẽ thoát ra ngoài và nhanh chóng lan tỏa trong không khí, theo hướng bay lên cao.

"Hít vài hơi khí độc này cơ thể, người bị nạn có nguy cơ bất tỉnh ngay", bà Trang cho hay và khuyên lúc này cần phải gọi điện báo cứu hỏa 114 hoặc bất kỳ số điện thoại khẩn cấp nào như cảnh sát 113, cứu thương 115.

Tìm cách thoát ra ngoài nhanh nhất

Khi tìm cách thoát ra ngoài, người bị nạn nên đánh giá nhanh đâu là lối thoát hiểm an toàn. Nên ưu tiên chạy xuống thấp - nếu lửa chưa ngăn cản hoặc bít lối. Hoặc ngọn lửa nhỏ, có thể phải băng qua đám cháy nhưng nếu có cơ hội thoát ra ngoài và khả năng sống sót cao hơn thì nên lựa chọn.

Nếu không thể xuống mặt đất, hãy chạy tới lối thoát như ban công, cửa sổ, sân thượng để có thể nhảy xuống đất hoặc leo sang nhà bên cạnh. Trường hợp các vị trí này quá cao, không thể tiếp đất hoặc vị trí an toàn thì không nên nhảy xuống vì có thể dẫn đến chấn thương nặng, thậm chí tử vong.

Khi di chuyển nên dùng khăn ướt che mũi miệng để tránh hít phải khói và hạn chế khí độc. Nếu phòng tối nghịt khói, nên bò sát mặt đất, bò ôm sát bờ tường để tìm thấy cửa thoát ra ngoài.

Nếu không thể thoát ra ngoài

Người bị nạn cần vào phòng lớn nhất, xa nhất vùng cháy và có khả năng mở tung cửa ra bên ngoài để tránh lửa, thoáng khí. Đồng thời, dùng khăn vải ướt chèn kín khe cửa phòng để chặn đường loang của khói và khí độc. Treo khăn có màu trắng hoặc màu sáng để báo hiệu ngoài cửa sổ cho đội cứu hộ biết vị trí mình đang tránh khói lửa.

Trùm vải, chăn hoặc khăn ướt lên mặt mũi, cánh tay, thân thể để phòng hơi nóng của lửa, tránh bỏng.

Các chuyên gia khuyến cáo tuyệt đối không vào nhà vệ sinh, phòng tắm vì không gian ở đây thường chật hẹp, kín, thiếu thoáng khí. Trường hợp nhà tắm ở xa nhất so với đám cháy, thoáng, dễ dàng để đội cứu hộ tiếp cận thì có thể cân nhắc.

Thư Anh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022