Mới đây, 5 người đàn ông khó thở, co giật, tím tái sau khi ngửi thấy mùi hăng lúc khuân vác hóa chất, được đưa vào viện cấp cứu, trong đó 3 người hôn mê, phải thở máy. Bác sĩ xác định cả 5 bị Methemoglobin (MetHb), song chưa rõ tác nhân gây ngộ độc.

TS.BS Vũ Đình Thắng, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhân dân 115, nơi điều trị 2 trong số 5 bệnh nhân, cho biết MetHb có thể được gây ra bởi một số loại hóa chất và khí độc, dẫn đến sắt trong hemoglobin bị oxy hóa, mất khả năng vận chuyển oxy. Điều này làm thiếu oxy ở các mô và da niêm bệnh nhân trở nên tím tái, đòi hỏi cấp cứu khẩn.

Triệu chứng của MetHb phụ thuộc vào mức độ tăng chất này trong máu. Bệnh nhân có thể xanh tím da niêm, mệt mỏi, khó thở, đau đầu, chóng mặt, yếu cơ, tim đập nhanh, rối loạn tri giác như lơ mơ, lú lẫn. Tình trạng thiếu oxy trầm trọng, bệnh nhân hôn mê, nhịp tim chậm, loạn nhịp, hạ huyết áp, ngưng tim, tử vong nếu không xử trí kịp thời.

Bệnh nhân ngộ độc MetHb thường được hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn, qua thở oxy, đặt nội khí quản thở máy. Methylene Blue là thuốc giải độc được lựa chọn hàng đầu. Vitamin C cũng được sử dụng như một biện pháp hỗ trợ để giảm nồng độ MetHb trong một số trường hợp, đặc biệt khi có chống chỉ định với Methylene Blue. Bệnh nhân không đáp ứng với điều trị thông thường, hoặc ngộ độc nặng, bác sĩ xem xét lọc máu hấp phụ hoặc thay huyết tương.

Theo bác sĩ Thắng, một số loại khí độc có thể gây MetHb là nitơ dioxide (thường xuất hiện trong khói thải công nghiệp, khí thải xe cộ, quá trình đốt cháy nhiên liệu), nitrites và nitrates (trong một số thực phẩm chế biến sẵn, nước uống bị ô nhiễm, các chất bảo quản thực phẩm), aniline (trong sản xuất thuốc nhuộm, cao su, hóa chất), phenol (dùng trong sản xuất nhựa, thuốc nhuộm, một số chất khử trùng).

Khí oxit nitric (NO) sử dụng trong y học để điều trị một số bệnh lý phổi, khi hít phải ở nồng độ cao hoặc trong điều kiện không được kiểm soát, cũng có thể gây MetHb. Sử dụng benzocaine - chất gây tê tại chỗ trong các sản phẩm y tế như gel giảm đau răng, thuốc xịt họng, thuốc gây tê trong tiểu phẫu, có thể dẫn đến MetHb, đặc biệt là ở trẻ em và những người nhạy cảm. Thuốc kháng sinh dapsone để điều trị bệnh phong và một số bệnh lý da khác, cũng có thể gây tình trạng này.

Paraquat - loại thuốc diệt cỏ mạnh, có thể gây MetHb khi nuốt hoặc tiếp xúc liều lượng cao. Chlorate, có trong một số loại thuốc trừ sâu và chất tẩy trắng, cũng gây tình trạng này nếu tiếp xúc hoặc hít phải.

ca-p-cu-u-ngo-do-c-copy-8001-1723519830.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yXiIyq5NRpxgw3QTLAZEYw

Bệnh nhân hôn mê, suy hô hấp nặng do ngộ độc gây MetHb, được đặt nội khí quản thở máy khi vào cấp cứu, ngày 9/8. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Một số thực phẩm chứa các hợp chất có thể bị chuyển hóa thành nitrite hoặc các chất oxy hóa khác trong cơ thể, từ đó gây MetHb. Chẳng hạn, rau cải bó xôi, cải xoong và một số loại cải khác có hàm lượng nitrat cao, khi nấu hoặc bảo quản không đúng cách, sẽ chuyển thành nitrite.

Củ dền cũng là loại rau chứa nhiều nitrat, đặc biệt khi ăn sống hoặc uống nước ép củ dền. Thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt nguội, lạp xưởng; thực phẩm đóng hộp, thường sử dụng nitrat hoặc nitrite làm chất bảo quản, có thể gây MetHb khi tiêu thụ quá mức. Thực phẩm lên men không đúng cách hoặc ôi thiu có thể tạo ra nitrite.

Ở một số vùng nông thôn, nước giếng có thể chứa hàm lượng nitrat cao do phân bón nông nghiệp. Sử dụng nước này để nấu ăn hoặc uống có thể dẫn đến MetHb, đặc biệt ở trẻ sơ sinh.

"Việc nhận biết và tránh tiếp xúc với các tác nhân này, cũng như xử lý kịp thời khi có dấu hiệu nhiễm độc, là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe", bác sĩ Thắng khuyến cáo. Trường hợp nghi ngờ methemoglobinemia, cần liên hệ bác sĩ hoặc chuyên gia y tế ngay lập tức để được điều trị kịp thời.

Để phòng ngừa MetHb, bác sĩ khuyến cáo tránh tiếp xúc với các hóa chất, khí độc nêu trên. Hạn chế hoặc tránh sử dụng các thuốc có nguy cơ gây MetHb cao, đặc biệt ở trẻ nhỏ và những người có thiếu hụt men G6PD. Không cho trẻ ăn quá nhiều củ dền. Những người làm việc trong môi trường tiếp xúc với hóa chất như công nghiệp hóa chất, thuốc trừ sâu cần được trang bị bảo hộ lao động phù hợp và kiểm tra định kỳ.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022