Thúy An (*), 25 tuổi sống tại Hà Nội có quan hệ với 2 người đàn ông cùng một lúc. Khi biết mình mang thai, cô không biết đứa trẻ là con của ai để yêu cầu người đàn ông đó chịu trách nhiệm.

Do vậy, cô đã quyết định xét nghiệm ADN để xác định chính xác cha ruột của đứa trẻ. Vì muốn tiết kiệm chi phí nên Thúy An đã làm xét nghiệm quan hệ huyết thống giữa cái thai với một trong hai người đàn ông.

Ngay trong lần xét nghiệm đầu tiên, thai nhi trong bụng cô được xác định không có mối quan hệ huyết thống với người đàn ông tên Quân (*). Dựa vào kết quả này, Thúy An mặc định đứa trẻ là con của người đàn ông tên Nam (*). Vì trong thời gian đó, cô chỉ phát sinh quan hệ với Quân và Nam.

Khi cô gái trẻ thông báo có thai, Nam đã nhận trách nhiệm và lo mọi thủ tục để kết hôn với cô. Tuy nhiên, khi đứa trẻ lớn hơn, Thúy An nhận ra con không có nét giống Nam mà lại rất giống Quân. Cô tự an ủi bản thân nhưng nỗi lo lắng ngày một lớn khi mọi nét của đứa trẻ đều giống Quân.

vi-sao-phu-nu-khoc-1581316082-17248288954181508914553-1724904730697-17249047312411919218589.jpg

Ảnh minh họa.

Kết quả xét nghiệm ADN gây bất ngờ

Để xóa tan nghi ngờ của mình, Thúy An quyết định thực hiện xét nghiệm quan hệ huyết thống giữa con và chồng. Kết quả xét nghiệm ADN cho thấy đứa trẻ không có quan hệ huyết thống với chồng.

Khi nhận kết quả, Thúy An đã rất hoang mang, lo lắng vì không rõ kết quả nào đúng, kết quả nào sai.

Đại tá Hà Quốc Khanh, nguyên Giám đốc Trung tâm Giám định ADN, Phó Viện trưởng Viện khoa học hình sự, Bộ Công an, hiện là cố vấn cao cấp tại GENTIS cho biết, trường hợp của chị Thúy An không phải là quá hiếm gặp. Để biết kết quả trước có đúng hay không, ông khuyên chị An nên nói chuyện với Quân để Quân trực tiếp đến lấy mẫu làm xét nghiệm.

Theo ông Khanh, trên thực tế trong quá trình làm việc, ông đã gặp rất nhiều trường hợp cố tình đánh tráo mẫu để trốn tránh trách nhiệm chăm sóc. Họ có thể lấy một sợi tóc bất kỳ của ai đó và thay thế cho mẫu tóc của mình.

Xét nghiệm ADN bằng nhiều mẫu khác nhau

Xét nghiệm ADN là xét nghiệm phân tích thông tin ADN ở 23 cặp nhiễm sắc thể của hai hay nhiều người để xác định mối quan hệ di truyền, từ đó xác định được mối quan hệ huyết thống. Đây là phương pháp xác định quan hệ huyết thống chính xác nhất hiện nay.

Mẫu xét nghiệm thường dùng là mẫu máu, mẫu niêm mạc miệng, mẫu tóc có chân, mẫu móng tay/ móng chân, cuống rốn.

Xác định quan hệ huyết thống về một mối quan hệ nào đó là nhu cầu chính đáng, giúp giải tỏa tâm lý, giải quyết vấn đề liên quan đến quan hệ gia đình hoặc pháp lý.

Theo ông Khanh, tại Việt Nam, xét nghiệm ADN đã có từ giữa những năm 90. Các cơ quan công lập và ngoài công lập đều triển khai lĩnh vực xét nghiệm này. Điều này cho thấy nhu cầu xét nghiệm ADN là rất phổ biến. 

Ông Khanh cũng lưu ý khi thực hiện xét nghiệm ADN, mọi người nên lựa chọn các cơ sở xét nghiệm uy tín để đảm báo nhận được kết quả chính xác nhất.

*Tên nhân vật đã được thay đổi.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022