Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ, bạch hầu thể hô hấp có thể xảy ra trong bất kỳ thời gian nào của thai kỳ, khi đủ tháng hoặc trong thời kỳ hậu sản. Tỷ lệ tử vong do bạch hầu hô hấp sản khoa cao (ước tính 50%) nếu bệnh nhân không được truyền huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, kể cả khi mở khí quản hoặc đặt nội khí quản. 35% trường hợp bị thai chết lưu hoặc sinh non.

Ngoài ra, sau sinh, người mẹ mắc bạch hầu hô hấp có thể lây sang em bé trong quá trình chăm sóc.

Để giảm nguy cơ bệnh cho thai phụ, người thân trong gia đình cũng cần chủng ngừa. Trẻ em tiêm từ hai tháng tuổi, bằng vaccine 5 trong 1 hoặc 6 trong 1. Phác đồ tiêm gồm bốn mũi vào lúc 2, 3, 4 và 16-18 tháng tuổi, tiêm nhắc lại khi trẻ 4-6 tuổi. Người lớn tiêm nhắc một mũi mỗi 10 năm kể từ mũi tiêm lúc 9-15 tuổi.

Ngoài tiêm vaccine, kết hợp nhiều biện pháp khác nhằm tăng hiệu quả phòng bệnh, như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Thai phụ chú ý giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng. Nhà ở cần thông thoáng, sạch sẽ và đủ ánh sáng. Trường hợp nghi mắc bệnh, cần đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời.

pexels-freestocks-57529-172343-4070-7628-1723431813.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bFR-6JbpDkWdazo1tAKkdQ

Thai phụ mắc bạch hầu có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Ảnh minh hoạ: Pexels

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng người lớn và thai phụ cũng có thể mắc nếu không có miễn dịch. Vi khuẩn bạch hầu sản sinh độc tố gây tổn thương đường hô hấp trên và có thể lan toàn cơ thể, biến chứng nghiêm trọng.

Có hai loại bạch hầu chính, gồm bạch hầu đường hô hấp và bạch hầu da. Bạch hầu hô hấp cổ điển là loại bệnh phổ biến nhất, ảnh hưởng đến mũi, họng, amidan hoặc thanh quản. Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào vị trí màng bị ảnh hưởng trong cơ thể. Một số người gọi tình trạng này là bạch hầu họng.

Bạch hầu hô hấp được đặc trưng bởi một màng dính màu xám trên niêm mạc hầu, vòm miệng hoặc mũi, có thể làm tắc nghẽn đường thở dẫn đến tử vong. Bệnh có thể phức tạp do rối loạn chức năng tim, thần kinh hoặc thận do độc tố gây ra. Tỷ lệ tử vong trên 10%.

Còn bạch hầu da là loại hiếm gặp, đặc trưng bởi tình trạng phát ban ngoài da, lở loét hoặc mịn nước, xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.

Mỹ Ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022