Mắc 3 căn bệnh ung thư liên tiếp nhau

Thông thường chỉ cần mắc 1 căn bệnh ung thư là đã đủ khiến người ta suy sụp, nhưng với bà Phan Thị Thanh Thuận (68 tuổi, ở Hà Nội) lại phải trải qua tới 3 căn bệnh ung thư. Đây là cú "sốc" tâm lý quá lớn đối với một giáo viên cấp 2 đã nghỉ hưu như bà Thuận.

Bà Thuận cũng từng suy nghĩ: "Không biết tại sao bệnh tật lại cứ bủa vây lấy mình".

Vào năm 2016, trong một lần tình cờ đưa đồng nghiệp đi khám bệnh, do thời gian chờ đợi lâu nên bà Thuận cũng đăng ký khám sức khỏe luôn. Không ngờ lần khám tình cờ này đã "cứu cánh" cho bà.

Bà Thuận chia sẻ với bác sĩ sức khỏe của bản thân bình thường. Tuy nhiên, trước khi đi khám khoảng vài tuần, bà thường bị đau bụng và sau khi đi ngoài lại hết. Bác sĩ đã tư vấn bà Thuận làm nội soi đại tràng. Kết quả cho thấy bà có một khối u lớn trong đại tràng.

"Lúc này tôi vẫn chưa biết là mình mắc ung thư vì bác sĩ nói cần phải nhập viện do có tổn thương đại tràng và chỉ thông báo kết quả hội chẩn với người nhà", bà Thuận nói.

Vài ngày sau khi nhập viện, bà Thuận được phẫu thuật cắt đoạn đại tràng có khối u tại Bệnh viện Bưu điện. Khối u sau đó được sinh thiết, cho kết quả là ác tính.

base64-17226113235142135774143-1722695875052-1722695875403400020786.jpeg

Bà Thuận đi tái khám tại Bệnh viện Bưu điện. (Ảnh Ngọc Minh)

"Trước đó, tôi cứ nghĩ ung thư là một "án tử" nên khi biết bản thân mắc bệnh, tôi đã liên tục dằn vặt, vật lộn trong mớ suy nghĩ tiêu cực. Lúc đó, tôi không thể nào ăn ngon và ngủ yên được", bà Thuận nhớ lại.

Rồi bà Thuận cũng chấp nhận bản thân mắc ung thư. Bà lấy lại tinh thần, đối diện với ung thư một cách lạc quan.

Sau 2 năm điều trị ung thư đại tràng ổn định, tới tháng 6/2018 bà Thuận thấy trên ngực có khối bất thường. Thấy dấu hiệu nên bà Thuận đi khám, kết quả xét nghiệm cho thấy bà mắc ung thư vú giai đoạn 3.

"Mỗi loại ung thư lại gây ra các phản ứng khác nhau. Sau khi phẫu thuật, tôi được điều trị hóa trị, xạ trị. Quá trình điều trị khiến tôi rất mệt mỏi, rụng hết tóc", bà Thuận tâm sự.

Do thể ung thư vú bà Thuận mắc có liên quan tới gen nên bác sĩ đã tư vấn điều trị đích. Việc điều thuốc đích rất tốn kém nhưng bà Thuận vẫn quyết tâm thực hiện.

Điều trị ung thư vú được 1 năm, vào cuối năm 2019, bà Thuận lại phát hiện mắc thêm ung thư phổi. Bà cho biết, dù bản thân từng rất mạnh mẽ chiến đấu với ung thư, nhưng 3 lần liên tiếp phải nghe bác sĩ nói bản thân mắc ung thư ở giai đoạn muộn khiến bà như rơi xuống vực thẳm.

Sau ca phẫu thuật cắt bỏ khối u ở phổi, bà Thuận tiếp tục phải điều trị bằng phương pháp hóa trị, xạ trị.

Tác dụng phụ của quá trình điều trị khiến bà nôn ói, cơ thể rệu rã, không thể ăn, ngủ được và phải di chuyển bằng xe lăn. Có những lúc, bà tưởng như mình không vượt qua nổi, muốn từ bỏ việc điều trị nhưng chồng và các con luôn ở bên cạnh động viên "còn người là còn tất cả, chỉ cần em/mẹ ở lại với gia đình".

Lạc quan, vui vẻ là vũ khí đối diện với ung thư

Theo bà Thuận, cách chiến đấu với ung thư của bà là luôn giữ tinh thần lạc quan, ý chí kiên cường. Bởi khi lạc quan, suy nghĩ tích cực, thần kinh trung ương sẽ "chỉ đạo" sản sinh ra morphine giúp giảm đau, đồng thời kích hoạt hệ miễn dịch hữu hiệu đối với nhiều loại ung thư.

Bên cạnh đó, bà Thuận luôn cố gắng ăn uống đủ chất, dành thời gian tập hát, đi du lịch cùng gia đình, bạn bè.

bn-ut-1722611382432470212800-1722695877514-1722695877799124290082.jpg

Bà Thuận luôn vui tươi, trẻ trung. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Bà Thuận suy nghĩ: "Đau đâu chữa đó, ung thư không phải là hết. Hãy sống như chúng ta chỉ còn có thể sống một ngày và hãy làm những gì mình yêu thích, mình muốn làm. Ngoài những ngày vào bệnh viện truyền hoá chất, tôi thường cùng người thân, bạn bè đi du lịch".

Theo bà Thuận, chính sự vui tươi, lạc quan của bản thân đã giúp bà sống vui, sống khỏe với bệnh ung thư trong 8 năm qua. Trong lần tái khám ung thư vào tháng 5 vừa qua, kết quả chụp chiếu của cả 3 bệnh ung thư bà mắc đều cho kết quả bình thường, không phát hiện các tổn thương khác.

Ân hận vì từng làm 2 điều khiến sức khoẻ suy yếu

Bà Thuận cũng chia sẻ thêm, do trước đây kinh tế gia đình khó khăn nên bà Thuận vừa đi dạy, vừa buôn bán thêm khiến giờ giấc sinh hoạt, ăn uống đảo lộn.

"Lúc đó, tôi chẳng để ý tới sức khỏe, có gì ăn đấy. Ăn thì vội vàng cho xong và hay ăn đồ ăn sẵn. Ăn uống thiếu khoa học cộng thêm giờ giấc sinh hoạt đảo lộn thất thường, thức khuya, dậy sớm có lẽ là những yếu tố khiến sức khoẻ tôi suy yếu, tăng nguy cơ mắc ung thư. Giờ nghĩ lại tôi thấy ân hận vô cùng", bà Thuận nói.

Qua câu chuyện của mình, bà Thuận cũng muốn nhắn nhủ với mọi người dù còn khỏe mạnh cũng cần quan tâm tới sức khỏe. Khi có dấu hiệu bất thường mọi người cần đi khám chuyên sâu để tìm nguyên nhân. Trong trường hợp phát hiện mắc ung thư, mọi người nên lạc quan, tin tưởng và phối hợp điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022