Rượu làm ảnh hưởng tới sự kiểm soát các dây thần kinh chi phối cho hô hấp và tuần hoàn, do đó khi uống rượu quá nhiều có thể làm chậm hoặc ngừng chức năng hô hấp và tuần hoàn. Nhiệt độ cơ thể cũng có thể hạ, dẫn đến ngừng tim, lượng đường trong máu có thể giảm thấp, đủ để gây ra cơn động kinh.

Tử vong do ngộ độc rượu quá nặng

Tính từ đầu năm đến nay khoa chống độc bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp nhận hơn 100 trường hợp bị ngộ độc Methanol, trong đó có đến 30 - 40 ca nặng phải lọc máu.

Mới đây nhất bệnh viện vừa tiếp nhận 2 bệnh nhân bị ngộ độc Methanol (một loại cồn công nghiệp).

Bệnh nhân Đ.T.T. (41 tuổi, trú tại thành phố Vinh) vào Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An trong tình trạng hôn mê, ngừng tuần hoàn ngoại viện. Tại đây các bác sĩ đã xử trí cấp cứu và giúp bệnh nhân có lại mạch, rồi chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An để tiếp tục chữa trị.

Bệnh nhân được nhanh chóng tiến hành cấp cứu thở máy, lọc máu. Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng nên đã tử vong.

Một trường hợp khác là bệnh nhân L.X.Đ. (48 tuổi, trú tại thành phố Vinh, cùng uống rượu với bệnh nhân Đ.T.T.) nhập viện với triệu chứng đau đầu , nhìn mờ, mệt mỏi.

Qua xét nghiệm Methanol trong máu cho kết quả 63,85 mg/100ml. Các bác sĩ khoa chống độc đã tiến hành lọc máu một lần, đến ngày 1/12/2024 thì bệnh nhân tỉnh, nhìn mờ và xin ra viện.

Ngộ độc rượu Ethanol và Methanol

Methanol là loại rượu đơn giản nhất, nhẹ, dễ bay hơi, không màu, dễ cháy, dễ tan trong nước, một chất lỏng với một mùi đặc trưng, nhưng hơi ngọt hơn Ethanol (rượu uống).

Rượu có chứa hàm lượng Methanol cao do có thể rượu được pha từ cồn công nghiệp hoặc dùng nguyên liệu có lẫn bã (gỗ). Thường rượu được chưng cất từ gạo (tẻ, nếp) hoặc từ đường mía (dạng mật mía). Trong quá trình lên men chưng cất, bã sẽ phân hủy cho ra Methanol. Một lượng lớn rượu bán trên thị trường chế theo cách này.

Methanol có nhiệt độ bốc hơi thấp hơn rượu. Người làm rượu thường cho loại cồn khô này vào khi chưng cất, khi pha rượu (từ cồn) hay chế rượu thuốc để làm cho rượu ra nhanh hơn, dậy mùi hơn, mà không biết làm như thế là đưa chất độc Methanol vào rượu. Methanol không phải là thực phẩm, vì vậy việc sử dụng các loại rượu có nồng độ Methanol vượt mức quy định (ngưỡng cho phép là <0,1%, nghĩa là trong 1.000ml rượu chỉ có dưới 1ml Methanol) có thể gây ngộ độc Methanol.

ruoumanh1-1-800x500-17335004139161560828714-1733652694315-17336526945561144109786.jpg

Ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu hoặc sử dụng rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Biểu hiện khi bị ngộ độc rượu

Ngộ độc Ethanol

Ethanol ức chế làm suy yếu hệ thần kinh trung ương, gây giảm hoạt tính các nơron thần kinh. Vì thế, nếu uống nhiều rượu sẽ dẫn đến say, nghiện và gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe.

Ngộ độc Ethanol có thể cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu người đó thường xuyên uống.

Ngộ độc cấp tính: Giai đoạn đầu có dấu hiệu kích thích (người thấy sảng khoái, nói nhiều, các vận động phối hợp đã bị rối loạn). Giai đoạn ức chế biểu hiện: Phản xạ gân xương giảm, tri giác giảm, mất khả năng tập trung tư tưởng. Giãn mạch ngoại vi, hạ huyết áp , tử vong.

Ngộ độc mạn tính: Uống rượu kéo dài dẫn đến sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột, da tái xanh do thiếu máu, thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan , mất trí nhớ, run, rối loạn tâm thần.

Ngộ độc Methanol

Lúc đầu biểu hiện giống ngộ độc Ethanol, sau đó là giai đoạn ngộ độc thực sự (thường khoảng 8 giờ sau uống nếu là Methanol đơn thuần, nhưng thường trong rượu uống có cả Ethanol nên biểu hiện có thể chậm 18 - 24 giờ sau hoặc lâu hơn) thở nhanh, sâu, rối loạn về nhìn (nhìn mờ, nhìn đôi, nhìn thấy các đốm, thu hẹp thị trường, mù), đồng tử giãn, mạch nhanh, tụt huyết áp, co giật, tiểu ít, vô niệu, tử vong.

Lời khuyên thầy thuốc

  • Để tránh ngộ độc rượu chỉ nên uống các loại rượu có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng, có tem chứng nhận của các cơ quan chức năng.
  • Không uống rượu tự pha chế, rượu tự ngâm với lá, rễ cây, động vật… mà không rõ thành phần, xuất xứ, công dụng.
  • Không uống rượu có hàm lượng Methanol >0,1%. Không nên uống quá nhiều rượu. Tốt nhất mỗi người chỉ nên uống 1 đơn vị rượu/ngày. Cụ thể chỉ nên uống 300 - 350ml bia (nồng độ 4%), 150 - 200ml rượu sâm banh (nồng độ 11%), 50ml rượu có màu (nồng độ 17 - 20%) và chỉ nên uống 25ml rượu trắng (nồng độ 35 - 40%).
  • Không uống rượu khi đang đói.
  • Không uống rượu kèm với các loại nước có gas.
  • Tuyệt đối không uống rượu khi đang sử dụng các loại thuốc như: Thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương, thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương, thuốc có tác dụng phụ ức chế hệ thần kinh trung ương, thuốc hạ huyết áp, thuốc hạ đường huyết, các nhóm kháng sinh Cephalosporin, nhóm Phenicol (Chloramphenicol), nhóm Azol (Metronidazol, Ketocanzol), thuốc kháng viêm không steroid thế hệ cũ (Diclofenac, Ibuprofen...).

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022