Hồng Ngọc, 6 tuổi, quê Lạng Sơn, phát hiện ung thư máu cách đây ba tháng sau những cơn sốt kéo dài, chảy máu mũi, đau chân và da tái nhợt. Mái tóc gần như rụng hết sau đợt hóa trị thứ hai, Ngọc nép vào lòng mẹ, khẽ nói: "Con muốn về nhà ăn Tết" khi tham dự chương trình Xuân yêu thương tại viện ngày 18/1.
Chị Nguyễn Thị Em, mẹ của Ngọc, lặng lẽ lau nước mắt. Chị chia sẻ khả năng hai mẹ con sẽ phải đón Tết ở viện vì đợt truyền hóa chất tiếp theo trùng vào đầu năm mới.
"Tôi chỉ mong bác sĩ sắp xếp lịch truyền trước hoặc sau Tết, và hy vọng sức khỏe của con ổn định để có thể về nhà đoàn tụ", chị nói.
Bé Hồng Ngọc mắc ung thư máu, đón Tết sớm tại viện Nhi. Ảnh: Lê Nga
Cũng như Ngọc, bé Gia Huy, 8 tuổi, quê Ba Vì (Hà Nội), đã hai năm chống chọi với ung thư máu. Hiện bé điều trị hóa chất liều cao, sức khỏe rất yếu. Chị Hiền, mẹ của Huy, cho biết từ ngày con mắc bệnh, chị phải nghỉ việc để đưa con đi viện, trong khi chồng làm công nhân với đồng lương ít ỏi. Tiền thuốc men, ăn ở, đi lại khiến gia đình kiệt quệ.
"Tết này, hai mẹ con chắc chắn ở lại viện", chị Hiền thở dài.
Ở một góc khác, anh Lầu, quê Điện Biên, địu con trai một tuổi trên lưng. Đây là cái Tết đầu tiên anh xa nhà. Con anh đã nằm viện suốt bốn tháng qua vì bị dò hậu môn bẩm sinh. Sau phẫu thuật, bé phải đeo hậu môn giả và tiếp tục điều trị. Quê cách Hà Nội 500 km, việc đi lại dịp Tết đông đúc, tốn kém, nên anh quyết định ở lại viện để tiện chăm sóc con.
"Về nhà lỡ có chuyện gì, không kịp xuống viện thì nguy hiểm", anh chia sẻ.
Theo ông Trịnh Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày nơi này tiếp nhận khoảng 4.000-5.000 bệnh nhân đến khám, trong đó gần 2.000 trẻ điều trị nội trú. Nhiều em phải nằm viện liên tục hàng tháng trời, chịu đựng nỗi đau bệnh tật
"Chúng tôi cố gắng tạo điều kiện để các cháu được về nhà ăn Tết, trừ những trường hợp nặng phải ở lại. Mọi điều kiện về thuốc men, kỹ thuật, vật chất đều được đảm bảo", ông Hải cho biết, thêm rằng trung bình khoảng 100 trẻ phải ở lại viện ăn Tết mỗi năm.
Không chỉ tập trung điều trị, bệnh viện còn chú trọng chăm sóc tâm lý cho các bệnh nhi, giúp các em có thêm sức mạnh tinh thần vượt qua bệnh tật. Hàng năm, nơi này kêu gọi sự chung tay từ cộng đồng để mang đến một cái Tết ấm áp cho các em nhỏ. Năm nay, với 43 gian hàng hội chợ và hàng nghìn suất quà Tết, Phòng Công tác xã hội đã kết nối các nhà hảo tâm để hỗ trợ hơn 2.000 gia đình bệnh nhi.
Những em bé ung thư, đầu trọc do rụng tóc, biểu diễn đón Tết tại viện. Ảnh: Bích Ngọc
Liệu pháp tâm lý, bao gồm sự động viên, chia sẻ và đồng cảm từ nhân viên y tế, đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị cho bệnh nhi ung thư hoặc mắc bệnh nan y. Những tác động tích cực của liệu pháp này có thể kể đến như giảm căng thẳng, lo âu và cảm giác cô đơn, giúp trẻ đối mặt tốt hơn với nỗi sợ hãi, đau đớn. Đồng thời, liệu pháp tâm lý còn tăng cường khả năng thích nghi, cải thiện chất lượng cuộc sống và giúp trẻ hợp tác tốt hơn với các phương pháp điều trị, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị y tế.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh vai trò quan trọng của sự đồng cảm của y bác sĩ với bệnh nhi. Nghiên cứu của Rosenberg và cộng sự (2014) cho thấy các chương trình hỗ trợ tâm lý, bao gồm trò chuyện, động viên và các hoạt động nhóm, giúp giảm đáng kể mức độ lo âu và trầm cảm ở bệnh nhi ung thư, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống và khả năng đối phó với bệnh tật. Hildenbrand và cộng sự (2015) cũng chỉ ra rằng sự đồng cảm từ bác sĩ và y tá giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn, giảm cảm giác cô lập và tăng cường niềm tin vào quá trình điều trị.
Lê Nga