Lúc nhỏ, Diệp Ngọc Khánh Linh đã cảm nhận bản thân là một cô gái trong hình hài con trai. Nhìn các bạn nữ mặc áo dài, trang điểm khiến Linh chạnh lòng. Cô tự nhủ phải có công việc để nuôi sống bản thân, sau đó tích góp tài chính để phẫu thuật chuyển giới. Dự kiến các cuộc mổ lên tới hàng trăm triệu đồng, thực hiện tại nước ngoài.

Tuy nhiên, khao khát này bị gia đình cấm cản, thậm chí bố mẹ mời thầy cúng để "chữa bệnh". Hằng ngày, cô mặc đồ nam ra đường, sau đó thay đồ nữ để đi học, đi làm. Trước khi về nhà, Linh mặc lại quần áo nam để không bị gia đình phát hiện.

Trước khi chuyển giới, Linh giấu ba mẹ tiêm hormone để cơ thể làm quen với nội tiết tố nữ. "Dù cách này giúp bản thân trông nữ tính hơn, tôi nhanh chóng nhận ra như vậy vẫn chưa đủ", cô kể lại. Những giằng xé giữa vẻ bề ngoài và khát khao sâu thẳm bên trong đã khiến Linh sống trong lo lắng và trầm cảm trong thời gian dài.

Sau 8 tháng tiêm hormone, Linh quyết định sang Thái Lan chuyển giới. Thông thường, người chuyển giới từ nam sang nữ sẽ trải qua ít nhất hai ca đại phẫu, bao gồm nâng ngực và cắt bỏ cơ quan sinh dục nam, tạo hình cơ quan sinh dục nữ thay thế. Còn Linh kết hợp cả hai thủ thuật trong một lần can thiệp.

"Đây là quyết định mạo hiểm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng", cô kể. Tuy nhiên, Linh muốn rút ngắn thời gian vì không thể đồng điệu với cơ thể hiện tại, "thêm một ngày là càng thêm đau đớn, khó chịu".

Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Đơn vị Tâm lý Lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, giải thích phẫu thuật chuyển giới là phẫu thuật xâm lấn lớn, nhiều nguy cơ, ảnh hưởng lớn đến cuộc đời còn lại của một con người. Các nguy cơ có thể là nhiễm trùng, mất máu, dị ứng với thuốc gây tê, sưng đau, xuất hiện vết sẹo dài sau phẫu thuật. Một số nghiên cứu cho thấy người chuyển giới có thể mất 15 năm tuổi thọ sau cuộc đại phẫu. Do đó, trước khi thực hiện, ngoài khám nội tiết, khám tổng quát, người có nhu cầu cần được bác sĩ tâm lý tư vấn kỹ càng.

chuyen-gioi-1722246338.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=M-dfwwEY2NISdM1pvI2P3g
Chuyển giới

Hành trình thay đổi của Khánh Linh. Video: Nhân vật cung cấp

Tháng 8/2023, khi nằm trên bàn mổ tại một bệnh viện ở Bangkok, toàn thân Linh run lên vì lạnh, tim đập nhanh, khó thở. Ánh đèn chiếu thẳng vào mắt, sáng chói. Xung quanh chỉ còn tiếng dao kéo va vào nhau sột soạt. Cô gái nhắm mắt, hít thở sâu, miệng lẩm nhẩm cầu nguyện bản thân vượt qua cuộc đại phẫu.

Bác sĩ rạch một đường ở nách, sau đó dùng dụng cụ y tế bóc tách cơ và thành ngực tạo nên một khoảng trống để đưa túi độn vào. Sau đó, họ dùng băng ép chặt để giữ phom ngực, không xô lệch hai túi độn, chặt đến mức không thể cử động tay. O ép ngực cả ngày khiến Linh không thể ngủ, nằm thở như cá mắc cạn. Thỉnh thoảng, các vết khâu âm ỉ chảy nước dịch màu vàng, xộc lên mùi tanh nồng nặc.

Đối với cơ quan sinh dục, bác sĩ sẽ thực hiện loạt thủ thuật phức tạp, tỉ mỉ như phẫu thuật, rạch vùng bìu, cắt bỏ tinh hoàn... rồi dùng dây kẽm khâu lại để tạo hình âm hộ. Mục đích tạo hình để đảm bảo sinh hoạt sau này và giúp người chuyển giới có cảm giác làm phụ nữ trọn vẹn. Trong đó, thao tác cắt kẽm cố định vùng âm đạo khiến Linh đau như "chết đi sống lại, cắt đến đâu, óc buốt thấu đến đó".

Linh tuân thủ yêu cầu bác sĩ, nằm bất động trên giường, không dám cử động, vùng da non ngứa ngáy cũng không dám gãi. Khi vết thương lành, cô phải nong âm đạo nhân tạo giúp bộ phận này giãn và sâu hơn. Dụng cụ nong là ba khúc gỗ kích thước từ nhỏ đến lớn, phải thực hiện liên tục trong thời gian dài.

"Rất đau và rát", Linh nhớ lại. Trong suốt thời gian này, cô phải truyền kháng sinh liều cao, cơ thể luôn ở trạng thái nóng và mệt mỏi nhưng phải "cắn răng" chịu đựng.

Sau một tháng, Linh trở về Việt Nam nhưng chưa thể bắt đầu lại công việc. Cô thấy sức khỏe giảm sút, trí nhớ kém, không thể bê vác đồ nặng. Mỗi ngày Linh tập luyện, đi lại nhẹ nhàng, tránh hoạt động nặng, đeo nịt ngực để cố định dáng. Cô chú ý hơn đến chế độ ăn uống, ăn nhiều rau củ quả, uống đủ nước, hạn chế tinh bột, đường béo và rượu bia, ngủ đủ giấc để cơ thể nhanh hồi phục.

z5674269817533-848b1ed063020e4-9605-5023-1722309014.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pJ5xJPbUkMEs3Hfmdm0FYg

Linh chụp ảnh cùng với bố mẹ sau khi hoàn thành chương trình học tháng 4/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trở về nước, Linh cảm nhận niềm hạnh phúc chưa từng trải qua trong đời, được mọi người chiều chuộng và đối xử nhẹ nhàng hơn. Ba mẹ dần mở lòng, chấp nhận hình ảnh hiện tại của con gái.

"Dường như từ sau cuộc mổ, cuộc sống của mình mới bắt đầu", Linh nói.

Hiện, nỗi trăn trở lớn nhất của Linh là người chuyển giới vẫn bị kỳ thị và chưa được pháp luật công nhận, từ đó một số quyền con người cơ bản không được đảm bảo. Cô khuyên mọi người nên lắng nghe bản thân và không nên vội vàng công khai khi chưa sẵn sàng, vừa để bảo vệ chính mình trong bối cảnh Luật chuyển giới chưa được ban hành.

Bác sĩ Hoàng Mạnh Ninh, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Bưu Điện cho rằng người chuyển giới nói riêng và LGBT vẫn còn nhiều thiệt thòi về mặt chăm sóc sức khỏe. Đây là một chuyên ngành lớn, bao gồm nhiều chuyên khoa nhỏ như phẫu thuật, gây mê, nội tiết, nhiễm sắc thể, da liễu... Tuy nhiên, Việt Nam chưa có quy định pháp luật về hoạt động cung cấp và sử dụng dịch vụ nội tiết tố, phẫu thuật chuyển đổi giới tính.

z5674269782231-6e5ae3ef56cce0a-7321-9817-1722309014.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2WHOj_KwtKDTxN87y32IDA

Linh luôn tự hào vì đã chuyển giới, được sống đúng với con người thật của mình sau nhiều năm mong muốn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thùy An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022