"Tình huống lúc đó rất nguy cấp, sự sống tính bằng giây", bác sĩ Nguyễn Đức Kiên, Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy, kể, hôm 15/8.

Gia đình cho biết người đàn ông bị choáng ngất ở nhà nên đưa đi khám. Đang siêu âm, ông đột ngột ngừng tim, ngừng thở, toàn thân gồng cứng, chức năng tim hiển thị trên máy giảm nhanh chóng, tiên lượng rất nặng.

Lập tức, kíp cấp cứu gồm ba người, hai bác sĩ, một điều dưỡng lao vào, gồng sức ép tim và đẩy bệnh nhân xuống Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc. "Bệnh trở nặng quá nhanh, người bệnh gần như bước hai chân qua cửa tử", bác sĩ nói.

Tại đây, kíp đặt máy thở, không để bệnh nhân thiếu oxy. Một người khác sốc điện phá rung, dùng thuốc liều cao. Y bác sĩ chia nhau liên tục ép tim để khởi động lại quả tim, đồng thời theo dõi chỉ số sinh tồn, một người khác sẽ giải thích gia đình, phòng trường hợp xấu.

Cuộc chiến giằng co hơn 20 phút, bệnh nhân thoát khỏi cửa tử và được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp, được hạ thân nhiệt chủ động, lọc máu, can thiệp mạch.

Hạ thân nhiệt giúp giảm tỷ lệ tử vong khoảng 14% , giảm tỷ lệ di chứng nặng 11%, mang lại cơ hội sống khỏe mạnh cho nhiều người bị tổn thương não sau ngưng tim, ngưng thở (ngừng tuần hoàn). Hạ thân nhiệt phải thực hiện trước 6 tiếng để đạt hiệu quả cao nhất, nếu bệnh nhân vào cấp cứu sau 6 tiếng thì hiệu quả điều trị giảm.

Hiện, bệnh nhân qua nguy kịch, tiếp tục điều trị nội khoa.

dot-ngot-ngung-tim-khi-dang-sieu-am-1723714054.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xEWDb_o_bsXt0Lih61Xqyw
Đột ngột ngừng tim khi đang siêu âm

Kíp bác sĩ chạy đua cứu bệnh nhân ngừng tim đột ngột. Video: Bệnh viện cung cấp

Ngừng tuần hoàn hô hấp là trạng thái gián đoạn đột ngột hoạt động bơm máu của tim, khiến máu không thể lưu thông tới các bộ phận khác của cơ thể. Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân tử vong nhanh chóng.

Mục đích cao nhất của cấp cứu ngừng tuần hoàn là duy trì nhịp thở, quá trình vận hành của nhịp tim, ngăn nguy cơ não ngừng hoạt động với biến chứng gây tổn thương các bộ phận khác trong cơ thể.

Khi rơi vào trạng thái ngừng tuần hoàn, bệnh nhân đối diện với nguy cơ thiếu máu mang oxy tới cơ quan. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong hoặc biến chứng tổn thương não vĩnh viễn trong thời gian vài phút. Nếu phát hiện sớm và cấp cứu nhanh chóng, đúng cách thì nạn nhân có thể thoát được những mối nguy này.

Theo lý thuyết, người bệnh không có mạch, tim không đập trở lại sau khi ép tim ngoài lồng ngực và hỗ trợ thở oxy (CPR) 30-60 phút, tức là cấp cứu không thành công.

Thùy An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022