Ngày 17/9, BS.CK1 Ngô Hoàng, Khoa Tai - Thần kinh, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, cho biết bệnh nhân ngụ Đạ Hoai, Lâm Đồng, vào bệnh viện địa phương với cây kim loại nằm sâu trong tai. CT Scan ghi nhận dị vật dài gần 6 cm ở nằm dọc trong ống tai trái. Đầu thanh ráy tai xuyên thủng màng nhĩ, vừa chạm đến ống động mạch cảnh trong.

ra-y-tai-1726547549-1726547558-7999-1726547806.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YB7uAXkPHNV_dSvk-U2z6g

Bệnh nhân đến viện với cây ráy tai nằm sâu bên trong. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Các bác sĩ phẫu thuật nội soi lấy dị vật. Sau mổ, bệnh nhân hồi phục tốt, không chóng mặt, liệt mặt hay chảy máu như lo ngại, thính lực đồ tai trái bình thường.

Theo TS.BS.CK2 Nguyễn Thanh Vinh, Phó giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, trường hợp này nếu đầu thanh ráy tai xuyên vào một chút nữa, có nguy cơ làm vỡ động mạch cảnh trong, dẫn đến chảy máu cực kỳ nhiều. Khi đó, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm tính mạng.

Mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận khoảng một trường hợp chấn thương tai. Có những bệnh nhân chấn thương chuỗi xương con - hệ thống dẫn truyền âm thanh, gây ảnh hưởng thính lực, hoặc vào ốc tai - cơ quan thính giác thực thụ, gây điếc vĩnh viễn. Thậm chí, có trường hợp bị cây ráy tai đâm vào làm tổn thương tiền đình khiến bệnh nhân trở thành người tàn phế, nằm một chỗ bởi chỉ cần đứng dậy đi đứng là chóng mặt, mất hoàn toàn thính lực không phục hồi, phải điều trị kéo dài. Thanh ráy tai cũng có thể đụng vào dây thần kinh, gây liệt mặt, ảnh hưởng thẩm mỹ.

BS.CK2 Dương Thanh Hồng, Trưởng Khoa Tai Thần kinh, cho biết ráy tai có tác dụng bảo vệ da ống tai, ngăn chặn vi khuẩn vi trùng xâm nhập vào tai. Y khoa không khuyến khích lấy ráy tai, trừ trường hợp ráy tai quá nhiều gây nút tai, viêm nhiễm, cần đến bệnh viện lấy ra.

Đặc biệt, không nên dùng các cây ngoáy tai có đầu cứng, sắc, nhọn để lấy ráy tai. Không nên đưa cây cây ngoáy tai (gồm cả bông tăm) sâu vào trong ống tai. Không nên ngồi ngoáy tai ở chỗ có người hoặc vật qua lại dễ dẫn đến va chạm làm cây lấy ráy đâm vào tai. Chỉ nên dùng khăn mềm lau nhẹ nhàng ở vành tai và vùng cửa tai.

20240917-103849-1726547625-6238-1726547806.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=eZE6p6WbtIoBiLz01ruqug

Bệnh nhân hồi phục tốt sau mổ, được TS.BS Nguyễn Công Huyền Tôn Nữ Cẩm Tú, kiểm tra trước khi xuất viện, ngày 17/9. Ảnh: Lê Phương

Khi có chấn thương ở tai, không nên tự xử lý ở nhà, không tự ý rút dị vật mà giữ nguyên hiện trạng, đến cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để được xử trí phù hợp. Trường hợp này, nhờ người bệnh không rút dị vật, các thiết bị hiện đại như nội soi, CT Scan giúp chẩn đoán rõ vị trí, tay nghề của các bác sĩ, đã giúp xử trí thành công, không để lại di chứng.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022