Ngày 20/7, tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết bệnh nhân bị uốn ván thể nặng, nhập viện khi gồng cứng toàn thân, không há được miệng, suy hô hấp, sắp ngừng thở.

Ê kíp mở khí quản tối khẩn cấp (thực hiện trong 5 phút) để khai thông đường thở, hỗ trợ thở máy, dùng thuốc kháng sinh, an thần và huyết thanh trung hòa độc tố uốn ván.

Sau hơn 3 tuần điều trị, người bệnh đã qua nguy kịch, hiện cai được máy thở, đang tập đi lại.

1-202-1721442654-5494-17214426-6137-9969-1721448423.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xb3Ii7Znw3XLRYebgHzdWA

Bác sĩ điều trị bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Uốn ván là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Clostridium tetani gây nên, tỷ lệ tử vong có thể đến 90%. Trường hợp sống sót thường để lại di chứng nặng nề, quá trình điều trị khó khăn và tốn kém.

Bác sĩ nhận định mặc dù đã có vaccine phòng uốn ván nhưng người dân tiêm phòng không đầy đủ và không tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm, nên số ca vẫn xảy ra quanh năm, chủ yếu ở nam giới trong độ tuổi lao động, để lại hệ lụy rất lớn về gánh nặng bệnh tật.

Người dân khi làm việc với những vật dụng sắc nhọn cần trang bị đầy đủ trang thiết bị an toàn lao động như giày bảo hộ, găng tay chống cắt, đồ bảo hộ. Nếu chẳng may bị thương, cần rửa dưới vòi nước sạch, sát trùng bằng các dung dịch có cồn, để hở. Nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được tiêm huyết thanh trung hòa độc tố uốn ván và theo dõi sức khỏe.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022