Ngày 4/4, Quang Linh Vlog và Hằng Du Mục cùng một số thành viên trong Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt - CER bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) khởi tố, bắt tạm giam về tội Lừa dối khách hàng. Đây là hai tên tuổi nổi tiếng trên mạng xã hội và thường livestream bán hàng đạt doanh thu lớn.
C01 xác định thực phẩm bổ sung Kera Super Greens Gummies (kẹo rau củ Kera) là "hàng giả", do CER công bố, bắt đầu đưa ra thị trường vào cuối năm 2024, đã bán ít nhất hơn 135.300 hộp. Kẹo do Công ty Cổ phần ASIA LIFE tại Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk, sản xuất theo đặt hàng của CER.
Kẹo được Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs khi livestream bán hàng đã quảng cáo "có thể thay cho rau xanh trong bữa ăn". Thực tế chất lượng kiểm định kém xa so với quảng cáo. "Hành vi của các bị can đã gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng", theo thông báo của cơ quan điều tra.
Trong khi đó, kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho thấy các chỉ tiêu về hàm lượng đạm, đường, chất béo, năng lượng tổng cơ bản phù hợp với bản tự công bố của sản phẩm. Các chỉ tiêu an toàn về vi sinh vật, nấm, kim loại nặng..., đều không phát hiện bất thường.
Tuy nhiên, Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã phát hiện sản phẩm có chứa Sorbitol - là một chất tạo ngọt với hàm lượng 33,4 g/100g, nhưng không ghi trên nhãn sản phẩm theo quy định.

Kẹo Kera được quảng cáo trên trang mạng xã hội của công ty.
Sorbitol là một dạng rượu đường (polyol) với công thức hóa học là C6H14O6, được biết đến như một hợp chất hữu cơ thường gặp trong ngành thực phẩm và y học. Dưới dạng lỏng, Sorbitol có màu trắng, không mùi, vị ngọt nhẹ và tan hoàn toàn trong nước hoặc rượu. Đây là phụ gia tạo vị ngọt được phép sử dụng trong thực phẩm, đồng thời còn có khả năng giữ độ ẩm và tạo độ bóng cho sản phẩm.
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), Sorbitol mang vị ngọt bằng khoảng 60% so với đường mía (sucrose) nhưng lại chứa ít calo hơn, chỉ khoảng 2,6 kcal mỗi gam so với 4 kcal của đường thông thường. Sorbitol có trong tự nhiên, xuất hiện trong các loại trái cây như táo, lê, mận, và cũng có thể được sản xuất nhân tạo từ glucose thông qua quá trình hydro hóa.
Ra đời trong ngành thực phẩm từ năm 1929 tại Mỹ, Sorbitol hiện nay được FDA công nhận là "Được công nhận là an toàn" (GRAS). Theo quy định, thực phẩm có thể chứa tối đa 7% Sorbitol. Loại chất tạo ngọt này ngày càng phổ biến trong việc giảm lượng đường trong chế độ ăn, không chỉ giúp nâng cao chất lượng dinh dưỡng mà còn cải thiện kết cấu thực phẩm.
Ngoài vai trò trong thực phẩm, Sorbitol còn được ứng dụng rộng rãi trong ngành mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân. Nhờ khả năng giữ ẩm, giúp da mềm mại, mịn màng, Sorbitol thường có mặt trong các loại kem dưỡng da, gel nền, và rất quen thuộc trong kem đánh răng, nơi nó vừa ổn định kết cấu, vừa tăng cường cảm giác tươi mát.
Trong ngành thực phẩm, Sorbitol còn đóng vai trò quan trọng trong việc giữ ẩm cho bánh quy, trái cây sấy khô, bơ đậu phộng, và các sản phẩm có độ ẩm thấp. Trong bánh nướng, nó không chỉ giữ sản phẩm mềm mại mà còn hoạt động như một chất dẻo, hạn chế quá trình cháy khi nướng.
Trong lĩnh vực y dược, Sorbitol có nhiều ứng dụng quan trọng. Đây là thành phần phổ biến trong thuốc nhuận tràng, thường sử dụng dưới dạng dung dịch uống để giảm táo bón. Đồng thời, Sorbitol cũng được sử dụng làm tá dược trong các loại thuốc viên hoặc các sản phẩm chứa vitamin C, đóng vai trò hỗ trợ trong quá trình sản xuất thuốc.
Bên cạnh lợi ích, Sorbitol có thể gây tác dụng phụ nếu tiêu thụ quá mức. Khi ăn nhiều hơn 10 gram/ngày, một số người có thể gặp tình trạng tiêu chảy, đau bụng, dù tỷ lệ mắc không cao. Khi tiêu thụ quá mức, đặc biệt trên 50 gram mỗi ngày, Sorbitol có thể gây nhuận tràng, rối loạn tiêu hóa, dẫn đến tiêu chảy và mất cân bằng đường ruột.
FDA khuyến cáo người tiêu dùng cần đọc kỹ thành phần trên nhãn sản phẩm, kiểm soát lượng Sorbitol nạp vào và tham khảo ý kiến chuyên gia y tế nếu có dấu hiệu bất thường.
Lê Nga