Mới đây, mạng xã hội đang truyền tay nhau bức ảnh bỏng nặng phần lưng do đi giác hơi của một phụ nữ. Hình ảnh cho thấy, những vết bỏng rộp nước đỏ ửng, ai nhìn thấy cũng không khỏi rùng mình xót xa.
Hiện nay, rất nhiều người tin rằng tác dụng của giác hơi giúp giảm đau, viêm, hỗ trợ lưu thông máu, thư giãn… Không chỉ đến các cơ sở trị liệu, nhiều người còn tự tìm mua bộ giác hơi để thực hiện ở nhà. Người ta tin rằng giác hơi giúp làm tăng lưu thông máu đến khu vực đặt cốc, hỗ trợ làm giảm căng cơ, cải thiện lưu lượng máu tổng thể. Từ đó thúc đầy sự hồi phục của tế bào. Chưa dừng lại ở đó, giác hơi cũng có thể giúp hình thành các mô liên kết mới và tạo ra các mạch máu mới trong mô.


Mạng xã hội đang truyền tay nhau bức ảnh bỏng nặng phần lưng do đi giác hơi của một phụ nữ. (Ảnh: FB)
Cảnh báo giác hơi sai cách gây hậu quả đáng tiếc
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (Nguyên chủ nhiệm khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết, giác hơi là cách dùng hơi nóng tạo thành một áp suất âm trong ống giác, làm ống giác bị hút chặt vào da chỗ giác, từ đó tạo nên những vết giác có cảm giác ấm nóng và hiện tượng xung huyết hoặc tụ huyết để chữa bệnh, giảm mệt mỏi.
Phương pháp lâu đời trong y học cổ truyền này đặc biệt có hiệu quả giải cảm, người đang ốm đau sẽ khỏe mạnh. Mục đích chính của giác hơi là đưa máu độc ra bên ngoài giúp khí huyết lưu thông, thông kinh, hoạt huyết, điều trị trong các trường hợp bị cảm, đau nhức cơ thể.
Tuy nhiên, nếu áp dụng sai cách có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc:

1. Bỏng do giác hơi
Nhiều người tự giác hơi tại nhà hoặc đến các cơ sở không uy tín, sử dụng phương pháp giác hơi lửa (dùng cồn hoặc nến để tạo nhiệt) không đúng kỹ thuật, dẫn đến bỏng da, rộp nước, thậm chí để lại sẹo lâu dài.
Một số trường hợp để ống giác trên da quá lâu (hơn 15 phút) hoặc dùng lực hút quá mạnh khiến da bị tổn thương nghiêm trọng, tụ máu lớn, gây đau kéo dài.
2. Nhiễm trùng da, mưng mủ
Dụng cụ giác hơi không được tiệt trùng kỹ, sử dụng chung với người khác hoặc thực hiện trên vùng da có vết thương hở có thể dẫn tới nhiễm khuẩn, mưng mủ, lở loét. Đây là rủi ro rất đáng lo, đặc biệt ở người có sức đề kháng kém, người lớn tuổi, người mắc bệnh nền như tiểu đường.
3. Nguy hiểm cho người có bệnh nền
Không ít người nghĩ giác hơi có thể chữa bách bệnh, nhưng với người có vấn đề tim mạch, huyết áp thấp, phụ nữ đang mang thai, người mới ốm dậy hoặc đang sốt, việc giác hơi có thể khiến bệnh trở nặng hơn, thậm chí gây tụt huyết áp đột ngột, ngất xỉu.

Những lưu ý quan trọng để giác hơi an toàn, hiệu quả
Để tận dụng lợi ích của giác hơi mà không rước họa vào thân, người dân nên ghi nhớ những điều sau:
1. Không tự ý giác hơi tại nhà nếu chưa có kiến thức
Giác hơi nhìn đơn giản nhưng đòi hỏi kỹ thuật và hiểu biết y học. Nếu không nắm rõ vị trí huyệt đạo, thời gian giác phù hợp và tình trạng sức khỏe của bản thân, tốt nhất nên đến cơ sở uy tín, có nhân viên được đào tạo bài bản.
2. Không giác hơi khi đói hoặc sau khi ăn no
Giác hơi khi bụng đói dễ gây tụt huyết áp, chóng mặt. Ngược lại, giác khi mới ăn no khiến tuần hoàn máu bị ảnh hưởng, gây khó tiêu, tức bụng. Thời điểm lý tưởng là sau ăn 1-2 giờ.
3. Không giác hơi quá lâu hoặc quá nhiều lần
Thời gian giác hơi nên giới hạn trong 5–15 phút, không nên lặp lại hàng ngày nếu không có chỉ định. Việc giác hơi quá thường xuyên có thể làm mỏng da, thâm da, hoặc làm cơ thể mất cân bằng âm dương.

4. Tránh giác hơi khi cơ thể đang yếu hoặc có bệnh mãn tính
Nếu đang cảm sốt, suy nhược, tim mạch yếu, bị rối loạn đông máu, tuyệt đối không nên giác hơi. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng phương pháp này.
5. Dụng cụ phải được khử trùng sạch sẽ
Dù dùng giác hơi thủy tinh, nhựa hay silicone thì vệ sinh kỹ lưỡng trước và sau khi sử dụng là bắt buộc. Tuyệt đối không dùng chung dụng cụ với người khác.
6. Đối tượng cần cẩn trọng khi giác hơi
Phụ nữ có thai nếu sử dụng giác hơi rất dễ bị sảy thai vì hoạt huyết. Đối với những người bị bệnh tiểu đường, tim mạch hoặc mắc các bệnh mãn tính khác muốn sử dụng giác hơi để cảm thấy dễ chịu hơn cũng là điều không nên. Những đối tượng này khi sử dụng giác hơi sẽ không nhận được tác dụng, thậm chí bị chảy máu, mất máu rất nguy hiểm.
Ngoài ra, những bệnh nhân bị bệnh ưa chảy máu, sốt cao, co giật, da bị tổn thương, giãn tĩnh mạch, phù toàn thân, lao phổi, thổ huyết, phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt, người quá suy nhược hoặc cơ thể đang quá đói, quá no, quá khát cũng không được sử dụng giác hơi.
7. Hiểu rõ tình trạng cơn đau
Trước khi tìm đến giác hơi, bạn cần phải hiểu rõ bản chất những cơn đau nhức và sự mệt mỏi trong cơ thể. Đây là một hình thức để xả hơi, những người yếu do bị bệnh nặng thì không được phép sử dụng.
Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ Đông y trước khi tiến hành giác hơi. Tuyệt đối không được tự ý làm tại nhà mỗi khi đau nhức, tránh những hậu quả không đáng có.
(Ảnh: Internet)