Minh Tâm hiện là quản lý dự án tại một công ty công nghệ hàng đầu ở TP HCM. Mỗi sáng, cô chuẩn bị hộp cơm đầy đủ dinh dưỡng. Nhưng rồi, những cuộc họp kéo dài, deadline gấp gáp và hàng chục email chờ phản hồi khiến bữa trưa của cô chỉ còn là vài gói snack, bánh quy hay khoai tây chiên.
"Tôi biết đây không phải giải pháp tốt, nhưng lúc đó chỉ cần cái gì đó để sống sót qua buổi chiều", Tâm thừa nhận. Sau một thời gian, cô bắt đầu nhận ra những dấu hiệu đáng báo động: mệt mỏi triền miên, khó tiêu, cân nặng tăng nhanh và làn da xuất hiện nhiều mụn.
"Giờ tôi mới nhận ra, cứ ăn nhanh, ăn vội như vậy không thể tiếp tục được, tôi nghĩ mình cần thay đổi nếu không muốn sức khỏe tụt dốc thêm", Tâm thừa nhận.
Tương tự, Nam, 33 tuổi, làm nhân viên marketing tại một công ty quảng cáo lớn tại Hà Nội cũng thường xuyên bỏ bữa. Với lịch trình làm việc dày đặc từ sáng sớm đến tối muộn, việc dành thời gian để ăn trưa trở thành "xa xỉ". Nhiều ngày liền, Nam ăn tạm bánh mì sandwich mua vội ở cửa hàng tiện lợi hoặc uống cà phê kéo dài cho đến chiều.
Nam trước đây vốn có sức khỏe tốt, cân nặng ổn định, nhưng chỉ trong chưa đầy một năm, anh sút cân nghiêm trọng, thường xuyên mệt mỏi và mất ngủ. Khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm dạ dày và rối loạn đường huyết, nguyên nhân chủ yếu là chế độ ăn uống bất thường và căng thẳng kéo dài.
"Ngày nào tôi cũng dặn bản thân cần chuẩn bị bữa ăn cẩn thận hơn, nhưng rồi công việc lại cuốn đi, tôi cứ thế lao vào công việc. Chỉ đến khi cơn đau dạ dày xuất hiện liên tục giữa đêm, tôi mới thấy hối hận vì đã coi nhẹ sức khỏe của mình", Nam chia sẻ.

Cho dù làm việc tại nhà hay văn phòng, mọi người có xu hướng ăn vặt nhiều hơn. Ảnh: CNA
Thực tế, xu hướng thay bữa trưa bằng đồ ăn vặt ngày càng phổ biến với người lao động Singapore, Việt Nam và Thái Lan, nguyên nhân chủ yếu vì áp lực công việc.
Tháng 8/2024, công ty phân tích dữ liệu Euromonitor International có trụ sở ở London đã công bố một báo cáo cho thấy 11% người Singapore trưởng thành thường xuyên thay bữa ăn bằng đồ ăn vặt, tăng từ 8% năm 2023. Trong khi đó, 13% nhân viên văn phòng Thái Lan, Anh và 14% Việt Nam, 17% ở Mỹ và 18% ở Ấn Độ ăn vặt vào bữa trưa.
Phó giáo sư Verena Tan, trưởng chương trình dinh dưỡng và ăn kiêng tại Viện Công nghệ Singapore, nhận thấy thói quen này đặc biệt phổ biến ở nhóm dân số trẻ tuổi, những người có xu hướng bận rộn, ăn vặt sẽ thuận tiện để họ nạp năng lượng khi đang di chuyển.
Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cũng là nguyên nhân dẫn đến ngày càng phổ biến của đồ ăn vặt, ông Carl Quash III, người đứng đầu bộ phận thực phẩm đóng gói, đồ ăn vặt và dinh dưỡng của Euromonitor International cho biết, do giá thấp hơn.
Ngoài ra, đồ ăn vặt đơn giản hấp dẫn hơn so với bữa ăn vì giúp giảm bớt áp lực công việc. "Ăn vặt rất thoải mái khi căng thẳng tăng cao", Serene Chew, quản lý cấp cao về truyền thông chiến lược tại một tổ chức tài chính, cho biết.

Những món ăn vặt quen thuộc trong bữa trưa của Minh Tâm. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Dưới góc độ dinh dưỡng, đồ ăn vặt thường là thực phẩm siêu chế biến (ultra-processed foods), chứa nhiều đường tinh luyện, tinh bột xấu, chất béo công nghiệp và phụ gia nhân tạo. Những thành phần này tuy làm tăng hương vị ngon miệng nhưng có giá trị dinh dưỡng gần như bằng 0. Chúng làm tăng nhanh đường huyết, sau đó khiến insulin tiết ra quá mức, dẫn đến cảm giác đói nhanh và tăng cân không kiểm soát.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn thường xuyên có nguy cơ béo phì cao hơn 30% so với người ăn uống lành mạnh. Không những thế, chế độ ăn giàu đường và chất béo bão hòa còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường type 2 và tim mạch.
Mặt khác, thói quen ăn đồ ăn vặt thay bữa đúng cách còn để lại nhiều hệ lụy: dao động đường huyết khiến cơ thể dễ mệt mỏi, khó tập trung và thậm chí rơi vào trạng thái lo âu hoặc trầm cảm nhẹ. Những phản ứng viêm mãn tính từ chất béo xấu và phụ gia còn liên quan đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng như ung thư. Một nghiên cứu từ Đại học Harvard cũng chỉ ra rằng chế độ ăn nghèo chất xơ làm tăng nguy cơ rối loạn tiêu hóa đến 40%, gây táo bón, đầy bụng và khó tiêu.
Bác sĩ Phan Thái Tân, huấn luyện viên sức khỏe tại HomeFit, cho biết thói quen ăn uống qua loa, như bánh quy hay bim bim, không chỉ thể hiện sự xem nhẹ sức khỏe mà còn đặt nền móng cho các thói quen dinh dưỡng xấu khác, chẳng hạn như bỏ bữa hoặc phụ thuộc quá nhiều vào đồ ăn nhanh. "Tất cả dần bào mòn sức khỏe từng ngày", ông nhấn mạnh. Tuy vậy, ăn vặt không phải hoàn toàn xấu nếu được sử dụng điều độ và kết hợp trong một chế độ ăn cân bằng.
Các chuyên gia khuyến nghị, thay vì ăn qua loa, dân văn phòng nên dành thời gian chuẩn bị các bữa ăn đơn giản nhưng giàu dinh dưỡng. PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 gợi ý, những bữa trưa lý tưởng bao gồm thực phẩm giàu protein (như thịt nạc, cá), chất xơ (rau xanh, hoa quả), và carbohydrate phức tạp (cơm gạo lứt, súp rau củ). Đồng thời, nên tạo thói quen ăn chậm, nhai kỹ để hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn và duy trì cảm giác no lâu.
"Một bữa trưa cân bằng không chỉ là nguồn năng lượng cho cơ thể mà còn là khoảng nghỉ cần thiết cho tinh thần. Đừng để áp lực công việc biến bữa ăn thành mối đe dọa sức khỏe", PGS Tuấn kết luận.
Mỹ Ý