Ngày 18/2, bác sĩ Nguyễn Biên Thùy – Phó trưởng khoa Sản bệnh A4, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, thở rít khó khăn, phù nề. Bác sĩ chẩn đoán sốc phản vệ độ ba – mức độ nặng nhất theo phân loại của Bộ Y tế.
Ngay lập tức, kíp cấp cứu kích hoạt báo động đỏ ngoại viện, hồi sức khẩn cấp bằng Adrenalin liều cao nhưng tình trạng không cải thiện. Lúc này, sinh mạng của thai nhi cũng bị đe dọa do mẹ tụt huyết áp khiến máu không cung cấp đủ oxy. Nhịp tim thai chỉ còn 50-60 nhịp/phút (bình thường 140 nhịp/phút), suy nặng do thiếu oxy.
"Thai nhi chỉ có khoảng 10 phút để tránh tổn thương não hoặc tử vong", bác sĩ nói.
Sau hội chẩn, bác sĩ chỉ định mổ khẩn cấp, vừa hồi sức cho mẹ, vừa cứu lấy thai nhi. Toàn bộ quá trình diễn ra không quá 5 phút.
Bé trai nặng 1800 g, bị ngạt do thiếu oxy, được hồi sức kịp thời. Riêng sản phụ vẫn trong tình trạng nguy hiểm, phải thở máy và sử dụng vận mạch liều cao.

Bác sĩ mổ cứu hai mẹ con sốc phản vệ nguy kịch. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Trong 10 giờ tiếp theo, các bác sĩ tiếp tục theo dõi, người phụ nữ dần thoát khỏi tình trạng sốc phản vệ, rút được nội khí quản và hồi phục.
Sau 5 ngày điều trị, sản phụ xuất viện an toàn. Hiện, bé trai khỏe mạnh, được trở về bên gia đình.
Các bác sĩ khuyến cáo thai phụ nên tránh ăn thức ăn lạ, nghi ngờ có thể gây dị ứng, ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng cả mẹ lẫn con. Nên tìm hiểu kỹ tiền sử dị ứng của bản thân và người thân trong nhà để chủ động phòng tránh các nguy cơ khi sử dụng thực phẩm, thuốc. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, theo dõi và điều trị kịp thời.
Thùy An