Bà được đưa vào trung tâm y tế huyện cấp cứu, phải đặt ống thở, bóp bóng, duy trì thuốc vận mạch. Các bác sĩ rửa dạ dày, bơm than hoạt tính, sau đó chuyển người bệnh lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 2/2, bác sĩ Dương Ngọc Lâm, khoa Hồi sức tích cực - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho biết bệnh nhân ngộ độc lá ngón, được phối hợp nhiều biện pháp hồi sức tích cực như thở máy, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, kiểm soát cân bằng dịch và điện giải kết hợp dùng thuốc hạn chế hấp thu độc tố.

Sau ba ngày, bệnh nhân tỉnh táo, huyết áp ổn định, vận động chân tay bình thường, cai máy thở và rút ống nội khí quản, tiếp tục theo dõi điều trị.

0M7A4540-jpeg-6679-1706861637.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=51aBE8iDy-iC9feUZVOXlw

Bệnh nhân điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo bác sĩ, người dân ở vùng núi có thói quen sử dụng các loại rễ, lá cây rừng như một loại thuốc tăng cường sức khỏe, giải nhiệt, do đó dễ hái nhầm lá có chất độc. Tỷ lệ cứu sống người bị ngộ độc rất thấp do phát hiện muộn, chất độc đã gây tổn thương trầm trọng các cơ quan.

Chất độc có trong lá ngón được cơ thể hấp thu rất nhanh qua đường tiêu hóa. Các triệu chứng ngộ độc xuất hiện chỉ 5-30 phút sau khi ăn. Biểu hiện là đau bụng, buồn nôn, chóng mặt, sụp mi, giãn đồng tử, khô miệng, khó nói, khó nuốt, khít hàm, yếu liệt, khó thở, liệt cơ hô hấp dẫn đến suy hô hấp, ngừng thở. Bệnh nhân rối loạn nhịp tim ảnh hưởng chức năng tuần hoàn, nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu, xử trí kịp thời.

Hiện tại không có thuốc điều trị đặc hiệu cho loại ngộ độc này.

Khi phát hiện nạn nhân bị ngộ độc lá ngón, mọi người cần nhanh chóng loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể họ bằng cách gây nôn. Chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để rửa dạ dày, uống than hoạt tính, truyền dịch, điều trị giải độc.

Bác sĩ cũng khuyến cáo người dân cần cẩn trọng khi hái các loại cây rừng làm thuốc hoặc dùng làm thực phẩm, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Thùy An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022