Nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Science Alert ngày 20/8 cho thấy các phương tiện truyền thông xã hội khiến nhận thức về ngoại hình của phụ nữ trở nên méo mó. Họ thường có xu hướng so sánh bản thân với người khác và phấn đấu để đạt được tiêu chuẩn vẻ đẹp vô thực, thiếu lành mạnh.

TikTok là nền tảng cho phép người dùng tạo và xem các video ngắn, đã thu hút 1 tỷ lượt sử dụng. Các nội dung độc hại, chẳng hạn video mô tả việc ăn uống không điều độ, khoe hình thể cực gầy thường lan truyền một cách dễ dàng.

Các nhà khoa học chỉ ra rằng chỉ 8 phút xem các nội dung trên TikTok về chế độ ăn kiêng, giảm cân và tập thể dục cực đoan, phụ nữ sẽ có cái nhìn tiêu cực về hình ảnh bản thân.

Để thực hiện nghiên cứu, các chuyên gia đã tuyển dụng 273 tình nguyện viên từ 18 đến 28 tuổi, chia họ thành hai nhóm ngẫu nhiên, loại trừ người bị mắc chứng rối loạn ăn uống từ trước.

Nhóm đầu tiên xem nội dung 7-8 phút trên TikTok "cổ xúy ăn uống thiếu lành mạnh và tình trạng biếng ăn". Trong các video này, phụ nữ trẻ hạn chế lượng thức ăn một ngày, đưa ra lời khuyên tập luyện và mẹo ăn kiêng, chẳng hạn chỉ sử dụng nước trái cây để giảm cân. Nhóm còn lại xem các video với thời lượng tương tự, có nội dung "trung lập" về thiên nhiên, nấu ăn và động vật.

pexels-cottonbro-5081920-17242-2330-7095-1724235766.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pR_kSh3vTbqk6s9oT1OPxQ

Một người đang sử dụng TikTok. Ảnh: Pexel

Tiếp đến, các tình nguyện viên phải điền vào bảng hỏi đo mức độ hài lòng về ngoại hình của họ, thái độ với các tiêu chuẩn sắc đẹp trước và sau khi xem nội dung TikTok. Ở cả hai nhóm, sự hài lòng hình thể đều giảm. Tuy nhiên, tình nguyện viên nhóm một cảm thấy tự ti nhiều hơn.

Họ cũng trải qua tình trạng "nội tâm hóa" sắc đẹp. Nội tâm hóa xảy ra khi một người chấp nhận các tiêu chuẩn vẻ đẹp được người ngoài đặt ra (dù chúng hợp lý hay phi lý). Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng người sử dụng TikTok nhiều hơn hai tiếng mỗi ngày có các hành vi rối loạn ăn uống.

Các hashtag như #GymTok và #FoodTok cho phép người dùng tiêu thụ video về thói quen ăn uống hàng ngày, giảm cân và tập luyện. Theo các nhà khoa học, các dạng video chia sẻ về việc "ăn sạch" (eat clean) và "giải độc" (detox) trên mạng xã hội là "sói đội lốt cừu". Các chế độ ăn uống hà khắc, cực đoan đôi khi được ngụy trang dưới cái tên mới là "tự chữa lành" hay "sống khỏe". Những nhà sáng tạo nội dung thường hướng tệp người xem của mình tới việc tập thể dục quá mức và ăn uống không điều độ.

Thục Linh (Theo Science Alert)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022