"Thật điên rồ", Jean-Pierre Osenat, người chủ trì màn đấu giá chiếc bình sứ Trung Quốc tại lâu đài ở Fontainebleau, gần thủ đô Paris ngày 3/10, nhớ lại. "Không thể tưởng tượng nổi".

Sự việc đã khiến một chuyên gia của nhà đấu giá phải nghỉ việc, sau khi chiếc bình Trung Quốc mà ông định giá là vật phẩm bình thường giá trị tối đa 2.000 euro được bán với giá gần 8 triệu euro (8 triệu USD), gấp 4.000 lần ước tính.

"Chuyên gia đã phạm sai lầm. Một người chống lại 300 người mua Trung Quốc không bao giờ đúng", Onsenat nói. "Ông ấy từng làm việc cho chúng tôi và giờ không làm nữa. Dù sao ông ấy đã phạm sai lầm nghiêm trọng".

-9311-1665202902.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RnbAojOrz5nKefukBQ5qFA

Chiếc bình Trung Quốc giá gần 8 triệu euro trong phiên đấu giá ở Pháp ngày 3/10. Ảnh: Osenat

Câu chuyện bắt đầu từ đầu năm, khi một phụ nữ người Pháp sống ở nước ngoài quyết định bán đồ nội thất và nhiều đồ vật trong nhà của người mẹ quá cố tại Brittany. Sua giao cho Osenat bán chiếc bình vốn thuộc về bà ngoại. Nó được đóng gói và chuyển tới Paris, tham gia phiên đấu giá đồ nội thất và tác phẩm nghệ thuật gồm 200 món, không món nào được định giá trên 8.000 euro.

Ngày 1/10, chiếc bình sứ Trung Quốc kiểu "thiên cầu" (thân tròn và cổ dài), men xanh trắng, họa tiết 9 con rồng bay trên mây, được đặt trong phòng đấu giá của Osenat. Chiếc bình cao 54 cm, rộng 40 cm, được đánh giá trong tình trạng tốt.

Nó được định giá 1.500 - 2.000 euro vì chuyên gia đánh giá đây chỉ là món đồ bình thường có niên đại từ thế kỷ 20. Nếu chiếc bình là cổ vật từ thế kỷ 18, nó sẽ là đồ cực hiếm.

Osenat cho hay bắt đầu cảm thấy có chuyện lạ khi danh mục đấu giá được đưa lên mạng và phiên triển lãm 15 ngày trước khi đấu giá thu hút 300 - 400 người quan tâm.

"Họ mang theo đèn, kính lúp để xem kỹ. Rõ ràng họ đã nhận ra điều gì đó", ông nói. "Có rất nhiều người đăng ký đấu giá trực tuyến nên chúng tôi phải cho dừng. Khi đó, chúng tôi hiểu có điều gì đó đang xảy ra".

Cuối cùng, họ quyết định bỏ đấu giá trực tuyến và giới hạn số lượng người tham gia còn 30, một nửa số người đấu giá qua điện thoại và phải trả 10.000 euro đặt cọc.

Khi chiếc bình xuất hiện, màn đấu giá bùng nổ. Giá tăng từ 2.000 euro khởi điểm lên 100.000, 200.000, 300.000 rồi hai triệu euro. Thời điểm giá lên tới 5 triệu euro, 10 người vẫn cạnh tranh và còn hai người khi giá lên 7 triệu euro.

Khi chiếc búa hạ xuống, những tràng pháo tay vang lên chúc mừng người mua cuối cùng trả giá 7,7 triệu euro. Tính cả các khoản thuế phí, người thắng đấu giá phải trả tổng cộng 9,12 triệu euro (khoảng 9 triệu USD) để sở hữu chiếc bình.

Osenat cho hay người bán cảm thấy khó xử. "Chiếc bình ở trong nhà cô ấy nhiều thế hệ. Họ thường cắm hoa trong đó. Cô ấy sống cạnh chiếc bình 30 năm mà không ngờ được nó đáng giá như thế", ông nói. "Cô ấy cảm thấy bất an. Nếu chiếc bình được bán giá 150.000 euro thì bình thường, nhưng 7,7 triệu euro lại là chuyện khác. Cô ấy rất sợ bị báo chí săn đón".

Người mua trả giá qua điện thoại và đang sống ở Trung Quốc. Một số ý kiến cho rằng chiếc bình có từ thế kỷ 18, mang họa tiết rồng đạp mây, chi tiết mà nhiều nhà sưu tập châu Á săn lùng. Một số người có thể đã phát hiện ấn Càn Long, hoàng đế Trung Quốc thế kỷ 18, trên bình.

Chuyên gia bị sa thải vẫn giữ nguyên quan điểm ban đầu. Cedric Laborde, giám đốc phòng nghệ thuật châu Á của nhà đấu giá, bày tỏ không có bằng chứng thuyết phục cho thấy chuyên gia đã sai.

"Chúng tôi không rõ có phải đó là chiếc bình cổ hay không, hoặc tại sao nó lại có giá như vậy. Có lẽ chúng tôi không bao giờ biết", Laborde nói.

"Chuyên gia đã đưa ra định giá theo đúng những gì ông nhận định. Tại Trung Quốc, việc sao chép các mẫu bình cổ cũng được coi là nghệ thuật. Trong trường hợp này, tôi không có câu trả lời. Vài năm qua, thỉnh thoảng chúng tôi lại thấy chuyện bất ngờ trong các buổi đấu giá vật phẩm nguồn gốc châu Á".

Osenat, người từng lập kỷ lục bán thanh gươm vua Napoleon mang trong trận Marengo năm 1800 với giá 4,8 triệu euro, cho rằng người mua luôn đúng.

"Chuyên gia cho rằng đó là bản copy bình cổ thực hiện vào thế kỷ 20, nên chúng tôi không thay đổi mức định giá nó. Cuối cùng, thị trường quyết định rằng chiếc bình có niên đại từ thế kỷ 18", ông nói. "Tôi luôn tin thị trường. Chuyên gia nói điều mà ông ấy nghĩ, nhưng giá cả do người mua quyết định".

Hồng Hạnh (Theo Guardian)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022