
Kanyeyachukwu Tagbo Okeke trong một cuộc phỏng vấn tại Abuja, Nigeria, ngày 18/4/2025. Ảnh: AP
Cậu bé Kanyeyachukwu Tagbo-Okeke, một người mắc chứng tự kỷ, đã tạo ra tác phẩm nghệ thuật từ một dải ruy băng nhiều màu - biểu tượng của chứng tự kỷ - và được bao quanh bởi các "biểu tượng cảm xúc" trên tấm vải có diện tích 12.304 m2, lớn hơn nhiều so với kích thước sân bóng đá thông thường (7.140 m2).
Tác phẩm nghệ thuật này được tạo ra vào tháng 11/2024, được công bố và chính thức được Ban tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới công nhận tại thủ đô Abuja của Nigeria trong Ngày thế giới nhận thức về tự kỷ vào tháng 4 vừa qua.
Cậu bé Tagbo-Okeke sinh ra ở Canada trước khi chuyển đến Nigeria và đã trải qua một quá trình trưởng thành đầy khó khăn. Nhiều người mắc chứng tự kỷ phải đối mặt với sự kỳ thị và nguồn lực hạn chế ở Nigeria, nhưng gia đình quyết tâm hỗ trợ Tagbo-Okeke tốt nhất có thể. Nỗ lực phá kỷ lục của nghệ sĩ trẻ cùng với chiến dịch mang tên "Điều không thể chỉ là một huyền thoại" đã được người dân Nigeria ca ngợi.
Bộ trưởng Nghệ thuật và Văn hóa Nigeria, bà Hannatu Musawa, cho biết tác phẩm nghệ thuật của Tagbo-Okeke là "ngọn hải đăng của hy vọng và nguồn cảm hứng" cho những người mắc chứng tự kỷ. Trong khi đó, Tổng thống Nigeria Bola Ahmed Tinubu cũng lên tiếng chúc mừng: "Cậu thật dũng cảm, táo bạo và kiên trì. Xin chúc mừng. Câu chuyện của cậu đã làm nên lịch sử và Nigeria tự hào về cậu, Kanyeyachukwu Tagbo-Okeke”.
Sáng kiến của Tagbo-Okeke cũng nhằm gây quỹ cho Zeebah, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ những người mắc chứng tự kỷ và gia đình của họ.
Ở Nigeria cũng như nhiều quốc gia khác, chứng tự kỷ thường được chẩn đoán muộn hơn và không có nhiều dữ liệu chính thức. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 100 trẻ em trên toàn thế giới thì có một trẻ mắc chứng tự kỷ.