Khi cả nhà chìm trong giấc ngủ, Mago mở laptop, bắt đầu thảo luận về lịch trình làm việc trong ngày với ông chủ ở Mỹ. Cô là một trong số ngày càng nhiều người Philippines gia nhập đội ngũ "trợ lý trực tuyến" đang bùng nổ, trong bối cảnh thị trường việc làm trong nước eo hẹp, lương thấp, đi lại bất tiện.

"Công việc này đã cứu tôi", Mago nói. "Nó giúp tôi nuôi sống được bản thân và gia đình".

AFP-20250326-36UD3G3-v1-HighRe-1202-5146-1742982512.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6QsBc4l5_4Ds8VoN8ZXhIw

Lyann Lubrico làm việc tại nhà riêng ở Quezon City, Philippines, ngày 26/9/2024. Ảnh: AFP

Trợ lý trực tuyến là thuật ngữ chỉ những người làm trợ lý cá nhân từ xa, đảm nhận mọi công việc từ viết quảng cáo tiếp thị đến sắp xếp lịch trình cho sếp. Từng làm nhân viên văn phòng, người phụ nữ 32 tuổi cho hay thu nhập bây giờ gấp 5 lần thời còn làm nghề viết quảng cáo, quản lý mạng xã hội cho các nhà tuyển dụng Philippines.

Tuy nhiên, trợ lý trực tuyến không nằm trong danh mục việc làm được công nhận tại Philippines và do đó, không được bảo vệ pháp lý và cũng không có số liệu thống kê cụ thể.

Derek Gallimore, chuyên gia công ty tư vấn Outsource Accelerator, ước tính khoảng một triệu người Philippines đang làm công việc trợ lý cá nhân từ xa và con số này sẽ còn tăng.

"Những người làm nghề này được cho là có quyền tự quyết, tự do hơn và thu nhập cao hơn", Gallimore nói về sức hấp dẫn của công việc, nhưng lưu ý thực tế có thể không phải lúc nào cũng như kỳ vọng.

Theo bảng xếp hạng của nền tảng tìm kiếm việc làm Upwork, Philippines là một trong 5 quốc gia hàng đầu có số lượng trợ lý trực tuyến nhiều nhất, cùng với Ấn Độ, Nigeria, Pakistan và Mỹ.

"Chúng tôi dự đoán công việc trợ lý cá nhân từ xa tại Philippines sẽ tiếp tục phát triển", Teng Liu, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Upwork, nói.

Ông lưu ý trình độ tiếng Anh của người Philippines khiến họ trở nên phù hợp với yêu cầu của khách hàng toàn cầu, trong đó Australia, Anh và Mỹ là những thị trường lớn nhất.

Một video TikTok gần đây được hàng chục nghìn lượt thích khi một người làm trợ lý cá nhân từ xa chia sẻ ảnh chụp màn hình tiền công 5 ngày là 512 USD, gấp đôi mức lương tối thiểu một tháng ở Manila.

Một số nhóm Facebook của các trợ lý cá nhân từ xa có hàng trăm nghìn người theo dõi với nhận định chung công việc này là con đường dẫn đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, công việc này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

"Tôi biết rất nhiều người bị lừa, có người bị lừa mất 50.000 peso (866 USD)", Mago nói, cho hay họ bị dụ dỗ đặt cọc tiền để được nhận việc, hoặc có người làm xong việc cho khách hàng nhưng bị "bùng tiền".

Arnold de Vera, giảng viên luật tại Đại học Philippines, cho biết những người làm công việc này đều gọi mình là "làm nghề tự do", không được luật pháp bảo hộ bởi không có luật quy định người nước ngoài phải tuân thủ thỏa thuận đã ký với người lao động ở Philippines.

"Công việc tiềm ẩn nhiều rủi ro vì không được pháp luật bảo vệ, nhưng ai cũng sẵn sàng chấp nhận vì phần thưởng lớn", ông nói.

Lyann Lubrico là một trong những người cho rằng lợi ích của nghề này xứng đáng để chấp nhận rủi ro. Người phụ nữ 33 tuổi trở thành trợ lý trực tuyến sau khi mất công việc quản lý văn phòng tại Các Tiểu vương quốc A Rập Thống nhất (UAE). Cô nhận định làm việc từ xa là con đường về nhà cho những người lao động Philippines ở nước ngoài (OFW), lực lượng đem về nguồn kiều hối chiếm gần 10% GDP quốc gia.

Lubrico mở hai công ty riêng, gọi "sứ mệnh" của mình là cung cấp cho người Philippines ở nước ngoài một phương cách để kiếm tiền và quay về quê nhà.

"Tôi biết một số người Philippines làm giúp việc ở nước ngoài mãi tới lúc già. Tôi tự nhủ họ không nên chấp nhận tình trạng này suốt đời", bà nói, nhắc đến nạn ngược đãi và phân biệt đối xử mà nhiều người giúp việc Philippines đối mặt.

Thông qua nhóm Facebook có tên "Balikbayan (Trở về nhà) mãi mãi", Lubrico đã cung cấp chương trình đào tạo không chính thức về công việc trợ lý cá nhân từ xa cho khoảng 200 người lao động Philippines ở nước ngoài.

Tuy nhiên, cô cho rằng chính phủ Philippines nên ban hành luật bảo vệ nghề này.

Renato Paraiso, phát ngôn viên Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông Philippines, cho hay thách thức lớn nhất là công việc này "không biên giới".

"Đó là điều chúng ta nên giải quyết", ông nói, lưu ý xây dựng quan hệ đối tác lao động với các quốc gia có thể là một con đường bảo vệ quyền lợi của người Philippines.

"Nếu chúng ta có nhiều biện pháp bảo vệ hơn, tôi nghĩ sẽ có nhiều người được khuyến khích vào nghề hơn", Mago nói. "Tôi tin chắc nếu mỗi hộ gia đình ở Philippines có một người làm trợ lý trực tuyến thì sẽ không có người nào bị đói".

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022