Tôi năm nay 25 tuổi. Người ta vẫn thường bảo, con gái khi cưới chồng là khoảnh khắc đẹp nhất, hạnh phúc nhất. Nhưng tôi thì cứ thấy trong lòng mình dằng dặc một nỗi ngổn ngang.

Tôi có hai người bố. Một là bố đẻ – người đã rời khỏi mẹ con tôi từ khi tôi mới lên 6. Một là dượng – người đến bên mẹ tôi khi tôi 13 tuổi, mang theo dáng vẻ cục mịch, giọng nói ồm ồm mà tôi từng ghét cay ghét đắng. Ngày đầu tiên ông bước vào nhà, tôi hét lên: "Cháu không cần bố mới".

Ấy vậy mà trong suốt 12 năm trời, chính người ấy lại là người đưa tôi đi viện hàng chục lần, chờ tôi hàng đêm ngoài phòng cấp cứu, là người biết rõ từng toa thuốc, từng phản ứng phụ trong phác đồ điều trị của tôi, thậm chí nhớ từng thói quen nhỏ nhặt của tôi: Tôi thích cháo loãng, ghét mùi thuốc tây, và luôn cần một bàn tay nắm lấy khi lên cơn đau.

Tôi mắc bệnh lupus ban đỏ – thứ bệnh khiến tôi không ít lần tưởng mình sẽ chẳng bao giờ lớn nổi để sống một đời bình thường. Nhưng tôi đã lớn, và giờ tôi sắp làm vợ người ta.

Tuần trước, khi tôi vừa chọn xong váy cưới, thì bố đẻ bất ngờ gọi điện: "Bố nghe tin con cưới, bố sẽ về. Lễ cưới con gái, phải là bố đẻ dắt tay con vào lễ đường chứ, đúng không?".

Tôi im lặng không trả lời.

a9-17461595218961302580021.jpeg

Ảnh minh họa

19 năm. Một cuộc gọi sinh nhật cũng không có. Bố đi biệt tăm theo tiếng gọi tự do, chưa từng ngoảnh lại. Tôi nhớ rõ lần mẹ ngồi gục xuống bàn vì không đủ tiền mua thuốc cho tôi. Nhớ rõ cái đêm trời rét như cắt, dượng ngồi co ro bên ngoài chờ tôi từ phòng cấp cứu được đẩy ra. Người ta bảo, ruột thịt là duyên trời định. Còn tình nghĩa là do người ta vun đắp.

Tôi nói với mẹ: "Con muốn dượng đưa con vào lễ đường. Con nợ dượng một lần được gọi là bố thật sự".

Mẹ im lặng. Dượng thì gãi đầu, cười gượng: "Con cứ để bố đẻ con làm, cho phải đạo".

Tôi quay sang ông: "Thế mười mấy năm qua, ai là người lo cho con? Con cần người bố thương con thật lòng chứ không phải người bố trên giấy tờ kia".

Hôm đó, bố đẻ tôi đến nhà. Ông mang theo một chiếc hộp đựng đôi hoa tai bằng vàng tây và vẫn nghĩ rằng máu mủ luôn là điều thiêng liêng hơn tất cả. Ông bảo tôi vô ơn. Tôi không cãi. Tôi chỉ hỏi: "Bố biết con bị bệnh gì không? Biến chứng thường gặp là gì? Con dị ứng thuốc gì? Con thích màu gì? Có bao giờ bố từng thức một đêm trắng chỉ vì nghe con rên lên một tiếng không?".

Ông cúi mặt, không nói.

Còn dượng thì ngồi yên lặng, tay siết chặt vào nhau. Đó là lần đầu tiên tôi thấy dượng khóc.

Tôi không ghét bố đẻ. Tôi hiểu, ai rồi cũng có những lựa chọn. Nhưng tôi sẽ chọn cách không sống vì dư luận. Tôi sẽ sống vì những ai đã yêu thương và ở lại bên tôi trong những lúc khốn cùng nhất.

Và nếu mai, trong bộ váy trắng tinh khôi, tôi được dượng – người bố không ruột rà nhưng đầy tình nghĩa – nắm tay bước từng bước vào lễ đường, tôi biết mình đã làm đúng, đó mới là phải đạo.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022