Liên quan đến vụ cháy kèm nổ tại cửa hàng sửa xe máy ở Hà Nội, lực lượng chức năng khám nghiệm tầng lửng của cửa hàng sửa xe máy số 176 Hoàng Công Chất (Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và thu thập được nhiều băng giấy màu đỏ và hồng.
Tại tầng 1, công an ghi nhận có nhiều cuộn tròn màu đỏ, có hình dáng giống pháo nổ. Tại khu vực tầng 2 của ngôi nhà, xuất hiện nhiều cuộn giấy màu đỏ và hồng nghi là pháo lậu.
Nghi vấn tàng trữ pháo nổ
Trước đó, tối 27/12 đã xảy ra vụ nổ tại một cửa hàng sửa chữa xe máy trên đường Hoàng Công Chất, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội khiến 3 người bị thương.
Công an TP Hà Nội thông tin ban đầu về nguyên nhân vụ cháy, nổ tại tiệm sửa chữa xe máy trên đường Hoàng Công Chất có thể bình gas mini phát nổ trong lúc các nạn nhân ăn lẩu, sau đó gây cháy, nổ pháo cất giấu trong nhà.
Ngày 28/12, liên quan đến vụ cháy tại tiệm sửa chữa xe máy trên đường Hoàng Công Chất (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) làm 3 người bị thương, Công an TP Hà Nội thông tin về nguyên nhân ban đầu vụ việc.
Theo đó, qua lời khai của nạn nhân trong vụ cháy là N. V. L. (quê Ninh Bình) - nhân viên sửa xe sửa xe cho biết, cuối tháng 11/2022, T. V. T. và N. N. T. rủ nhau lên mạng mua thuốc nổ về tự cuốn pháo để chơi trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023.
Tuy nhiên, trong khi nhân viên tiệm sửa xe sử dụng bếp gas mini để ăn lẩu thì bình gas phát nổ gây cháy nhà, sau đó gây cháy, nổ số pháo đã cuốn.
Có thể xử lý hình sự người mua thuốc nổ về tự cuốn pháo
Khám nghiệm hiện trường, cảnh sát phát hiện giấy cuốn pháo
Pháp luật nghiêm cấm sử dụng pháo nổ
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật, cho hay, đây là sự việc có tính chất rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự an toàn và tính mạng của chính những người trong ngôi nhà trên, không những thế mối lo ngại rình rập đối với tất cả xung quanh.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư cho rằng cơ quan chức năng cần làm rõ lời khai ban đầu của các đối tượng đã có hành vi mua chất nổ về nhà tự cuốn pháo để dùng chơi Tết.
Luật sư Bình dẫn chứng, tại Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo đã có quy định nghiêm cấm các hành vi như sau:
- Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định 137/2020/NĐ-CP;
- Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo
Theo đó, tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm thì hành vi tự ý chế tạo pháo nổ trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Vụ cháy nổ gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự
Về trách nhiệm hình sự, nếu hành vi chế tạo pháo nổ có tính chất nghiêm trọng thì sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ" (Điều 305) hoặc "Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm" (Điều 190) Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
Tuy nhiên, trong rất nhiều các vụ việc thì các đối tượng vi phạm là các em học sinh (dưới 14 tuổi), chưa đủ độ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 và Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
Do đó, không thể áp dụng các chế tài hành chính và hình sự nêu trên mà cần phải có những biện pháp giáo dục và quản lý phù hợp với độ tuổi và mức độ nhận thức của các em.
Căn cứ Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội…, hành vi tự chế pháo cũng xem là hành vi sản xuất pháo và bị xử phạt vi phạm hành chính.
3 người bị thương
Theo Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm như sau:
Phạt tiền 05-10 triệu đồng đối với các hành vi:
- Trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
- Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép;
Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với các hành vi:
- Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép phụ kiện nổ;
- Vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo.
Cùng với các trường hợp tự chế tạo pháo xuất phát từ sự tò mò, cũng có các trường hợp chế tạo pháo xuất phát từ lợi nhuận. Trong khi đó mức xử phạt vi phạm hành chính không quá cao. Bộ Công an, Viện KSND tối cao và TAND tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch 06/2008 hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo.
Theo đó, người nào sản xuất pháo nổ, chế tạo thuốc pháo thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép, hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ quy định tại 305 Bộ luật Hình sự 2015, với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Lực lượng PCCC nhanh chóng có mặt tại hiện trường
Một trong số các nguyên nhân cũng là do ngày càng nhiều clip hướng dẫn chế tạo pháo trên mạng xã hội, khiến các học sinh tò mò, làm theo.
Theo đó, pháp luật cũng quy định:
Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với những trường hợp hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo dưới mọi hình thức.
Đối với những hành vi che giấu, giúp người khác hoặc không tố giác hành vi chế tạo, sản xuất, mang, mua, bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc hủy hoại vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo cũng sẽ bị phạt tiền từ 02-05 triệu đồng.