474.000 - đó là con số người theo dõi Marissa Meizz trên một nền tảng video trực tuyến. Tự nhận mình là nhà sáng tạo nội dung (content creator) toàn thời gian, cô có thể tự chu cấp cho bản thân nhờ thu nhập từ các kênh trực tuyến như vậy - nhưng không phải theo một cách dễ dàng.
Meizz sống ở New York và bắt đầu nổi tiếng đột ngột vào năm 2021 khi một video cô phản hồi 2 người bạn nói xấu mình đạt sức lan tỏa (viral) mạnh.
"Trong vòng vài giờ sau khi đăng, tôi đã có 100.000 người theo dõi. Rồi nó cứ tăng lên". Với sức ảnh hưởng tăng lên nhanh chóng của mình, Meizz thành lập được No More Lonely Friends - một tổ chức hỗ trợ mọi người tìm kiếm bạn bè khắp nước Mỹ và bắt đầu dấn thân vào công việc làm influencer.
Nhờ một sự tình cờ, Meizz đã trở thành người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (influencer).
Meizz nhận định rằng mặc dù nhiều người cho rằng influencer đa phần là những người tồi tệ thì thực ra cũng có rất nhiều người muốn biến thế giới trở thành nơi tốt đẹp hơn thông qua các nền tảng trực tuyến.
Cô là một trong số rất nhiều người có ảnh hưởng, vlogger, blogger, người nổi tiếng online, hình tượng công chúng... (hoặc như cách gọi của Meizz thì là "người sáng tạo nội dung"). Công việc của họ, nói theo cách đơn giản nhất là bán hình tượng bản thân để kiếm sống.
Đối với nhiều người, đây là một công việc trong mơ
Một cuộc thăm dò năm 2019 của Morning Consult cho thấy 54% người Mỹ trong độ tuổi từ 13 đến 38 sẽ chọn trở thành người có ảnh hưởng nếu họ có cơ hội. Điều này không có gì ngạc nhiên vì ngành công nghiệp người có ảnh hưởng được dự đoán trị giá 15 tỷ đô la trong năm nay, và những người giỏi nhất kiếm hàng triệu đô.
Với giới trẻ, diễn viên, ngôi sao nhạc rock không còn là những nghề đáng mơ ước. Trở thành người có ảnh hưởng là một mục tiêu mới lấp lánh, một mục tiêu có vẻ dễ đạt được hơn con đường trở thành người nổi tiếng truyền thống. Theo góc nhìn của những người mơ mộng, họ có thể trở thành tâm điểm chú ý chỉ bằng cách là chính mình (hoặc ít nhất là giả vờ đang làm chính mình).
Những năm vừa qua đã chứng kiến những xu hướng thay đổi lớn lao trong thị trường việc làm khắp thế giới. Covid-19 thúc đẩy hàng loạt xu hướng mất niềm tin vào sự ổn định của các nghề công sở, thổi bùng các trào lưu "đại nghỉ việc", "nghỉ việc trong im lặng"... Từ việc muốn chạy trốn khỏi môi trường làm việc truyền thống, nhiều người trẻ nhận ra trở thành người có ảnh hưởng là một công việc vô cùng hấp dẫn.
Đó là chưa kể việc bùng nổ của các mạng xã hội mới trong thời kỳ đại dịch, cộng với việc thuật toán của chúng cho phép "phóng" ai đó từ con số 0 lên thành hình tượng mạng xã hội chỉ trong 1 đêm, nhiều người càng cho rằng đây là công việc dễ dàng. Với người trẻ, công việc tự do, tự quản này như một lối thoát khỏi vòng xoáy giờ hành chính, phân cấp, giao nhiệm vụ thông thường.
Hy sinh về mặt tinh thần
Đằng sau cuộc sống tự do và thu nhập "khủng" cùng danh tiếng, là những vấn đề không phải ai cũng nhắc đến: Danh tiếng chóng đến chóng đi, cuộc đua không ngừng với xu hướng, khả năng kiệt sức mau chóng khi đáp ứng nội dung, ranh giới mờ nhạt giữa công việc và cuộc sống thực, sự công nhận ảo của mạng xã hội, hay vô số các vấn đề về sức khỏe tinh thần.
Nếu cuộc sống của bạn, vẻ ngoài của bạn và tính cách của bạn đều là những sản phẩm có thể mua bán và tiêu thụ được, thì đó có thực sự là một cuộc sống đáng sống không?
Một nhiệm vụ của các influencer là giải trí cho khán giả. Nhưng khi tệp khán giả của bạn là hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người lạ xem và đánh giá từng cử chỉ của bạn thì đó là một áp lực mà không phải ai cũng chịu được.
Kennedy Eurich, một nhà sáng tạo 22 tuổi ở Austin, Texas, chuyên đăng tải nhiều video về phong cách sống. Nhiều video mở ra cái nhìn về cuộc sống riêng tư của cô. Mặc dù hiện có 1,4 triệu người theo dõi trên một nền tảng và có sự nghiệp bắt đầu thăng hoa, Gen Z này không khỏi cảm thấy lo lắng và kiệt sức.
Kennedy Eurich.
"Mọi thứ về cuộc sống của tôi bị phân tích quá mức và những người không biết gì về tôi nghĩ rằng họ có quyền soi mói tất cả những sai lầm và nỗi đau ngày càng tăng của tôi" - cô nói. Eurich thừa nhận cô rất dễ bị tổn thương bởi khán giả, nhất là khi cô muốn chia sẻ câu chuyện của mình để giúp người khác bớt cô đơn.
Vấn đề là, cô cũng phải trải qua hàng loạt trở ngại như những người cùng lứa tuổi, nhưng trở ngại cá nhân của cô bị đem ra bàn tán và phán xét công khai.
Một vấn đề khó chịu khác, theo Christiana Moore - một nhà sáng tạo nội dung về thời trang có gần 1 triệu người theo dõi chia sẻ, là không chỉ bản thân mà các mối quan hệ của bạn cũng bị mổ xẻ.
Dù đó là gia đình, bạn bè, con cái hay người yêu bạn, cảm giác sẽ không dễ dàng gì khi để lộ họ ra trước khán giả và nhận về những bình luận tiêu cực. Nhưng dù có khó chịu thế nào, khán giả chính là nguồn sống của một influencer và việc để mất "fan" là không thể chấp nhận được, có thể ảnh hưởng tới quan hệ của họ với đối tác, nhãn hàng.
Theo lời Moore, việc liên tục trải qua cảm giác được công nhận hoặc không được công nhận mỗi khi đăng tải nội dung mới, khiến tâm trạng cô lên xuống thất thường và gây kiệt sức.
Thật không may, điều này dường như là một tác dụng phụ của việc trở thành người nổi tiếng online. Jaimee Arnoff, Tiến sĩ, đồng sáng lập của tổ chức tư vấn BFF Therapy cho biết: "Tôi nghĩ rằng việc bất kỳ người nào nghi ngờ bản thân và trải qua hội chứng kẻ mạo danh trong bất kỳ sự nghiệp nào vào bất kỳ thời điểm nào là điều tự nhiên và tôi nghĩ rằng việc trở thành người có ảnh hưởng nằm trong danh sách đó".
Meizz chia sẻ, kể cả khi cuộc sống của cô hỗn loạn và cô có 1 tuần không vui, cô cũng không thể "bỏ trốn" như một nghệ sĩ thông thường mà vẫn tiếp tục phải đăng tải liên tục các nội dung có sức hút.
Từ việc bị đánh giá gắt gao bởi khán giả, tới việc sử dụng chính hình ảnh bản thân làm công cụ nội dung, Moore thừa nhận giá trị bản thân mà họ tự nhìn nhận về mình cũng hoàn toàn phụ thuộc vào cách họ được tiếp nhận trên nền tảng. Khán giả có thích mình hay không, mình có xứng đáng hay không, mình có đủ tốt hay không... đều là các câu hỏi thường xuyên.
Chưa kể đến tính mùa vụ, "đoản thọ" của các xu hướng mạng xã hội khiến họ chịu áp lực không ngừng thay đổi hoặc bị bỏ lại.
Đồng tiền dễ kiếm, có thật không?
Người có ảnh hưởng kiếm tiền bằng cách khiến khán giả tin họ, rồi dùng uy tín để bán các sản phẩm hoặc quảng cáo - đây có thể coi là một vấn đề đạo đức của công việc. Nhưng xét cho cùng, theo Tiến sĩ và Blogger Emily Hund, có lẽ chúng ta không nên đổ lỗi cho họ vì họ cũng chỉ là những người đang cố gắng sinh tồn trong công việc của mình.
Thạc sĩ trường danh giá vẫn đi bán hàng rong kiếm thêm thu nhập: Nhân tài dù làm nghề nào cũng có thể trở nên xuất sắc
Bằng việc tham gia ngành sáng tạo nội dung, Hund nhận định rằng đa số các influencer sẽ bị trói buộc bởi các nguyên tắc, giới hạn được đặt ra bởi người khác - dù đó có là khán giả hay nhãn hàng đi chăng nữa. Chẳng hạn, họ phải hy sinh sự chân thật của bản thân bằng cách nhắc đến các sản phẩm, thương hiệu trả tiền cho mình. Dù có cố làm việc đó tự nhiên đến đâu, rốt cuộc họ cũng sẽ bị giằng xé.
Thiên kiến kẻ sống sót khiến nhiều người cho rằng chỉ cần nhìn vào những người thành công trong ngành và làm theo họ thì sẽ đạt được thành công tương ứng. Tiếc là do tính chất quá mới của công việc, thật hiếm có ai hay chương trình đào tạo nào đủ kinh nghiệm hướng dẫn họ một quy trình bài bản.
Chưa kể còn một điều khó chịu nữa khi vận hành một "doanh nghiệp tự thân": không phải nhãn hàng nào cũng trả tiền đúng hẹn. Meizz kể, cô từng làm với một thương hiệu vào tháng 12 năm 2021 nhưng tới tháng 10 năm 2022 vẫn chưa nhận được tiền.
Tương lai không chắc chắn cũng là một lý do khiến nhiều người rời đi
Tháng 9 vừa qua, Brittany Bathgate, một nhà sáng tạo nội dung tại Anh đã quyết định giảm bớt tập trung cho công việc làm người có ảnh hưởng mà cô làm 6 năm qua để theo đuổi một công việc bình thường,
Brittany Bathgate.
"Tôi cảm thấy khi chứng kiến sự phát triển của Internet, đặc biệt là mạng xã hội như bây giờ, tôi đang ở ngã ba đường. Tôi thấy những gì người khác đang làm, tôi thấy họ ra sách, podcast, lập thương hiệu... và không có thứ nào trong số đó tôi đặc biệt muốn. Tôi đã nghĩ về những thứ đó như những bước tiếp theo với tư cách là người sáng tạo nội dung, nhưng tôi không thể nói đó là những điều tôi muốn. Tôi đã nghĩ về một thương hiệu, nhưng liệu thế giới có cần một thương hiệu từ người có ảnh hưởng khác không? Không".
Cô cũng phàn nàn về việc mệt mỏi khi phải đuổi theo thuật toán hay làm vừa lòng mọi người bằng cách đăng tải nội dung liên tục không ngừng nghỉ.
Đồng sáng lập trang web tin tức Embedded, Kate Lindsay nói: "Làm infuencer sẽ không bao giờ là công việc toàn thời gian của bạn cho tới khi nhắm mắt. Nó có 'hạn sử dụng', dù là người khác hay bạn tự đặt ra".
Tuy vậy, Kati Morton, một nhà trị liệu có bằng cấp về hôn nhân và gia đình, đồng thời là YouTuber cho biết nếu đủ đam mê, ai cũng nên thử làm influencer. Tuy nhiên, đó không phải đam mê với những lợi ích của nghề này, mà là đam mê đau đáu với một lĩnh vực nào đó mà bạn có thể chia sẻ.