Theo trang Sohu, cô gái tên Xiaoling đã giảm cân trong gần 50 ngày bằng cách nhịn ăn và chỉ uống nước. Khi được đưa đến bệnh viện, em còn 24,5 kg, cao 165 cm, bị suy dinh dưỡng nặng, suy hô hấp và bất tỉnh. Bác sĩ chẩn đoán Xiaoling mắc chứng chán ăn tâm thần. Sau hơn 20 ngày điều trị trong phòng hồi sức tích cực (ICU) với khuôn mặt hóp, nhiều cơ quan suy kiệt, cô bé qua đời.

Theo nguồn tin thân cận, Xiaoling giảm cân sau khi chàng trai cô bé thích đã yêu một người khác với hình thể mảnh mai. Gia đình nhận thấy nữ sinh bắt đầu sụt cân từ tháng 8/2021. Gần 5 ngày sau mùng 3 Tết Âm lịch năm nay, cô bé chỉ uống nước, từ chối ăn cơm và thức ăn.

Mẹ Xiaoling cho biết đã có thời điểm cô bé đạt mức cân nặng bình thường là 52 kg. Sau khi vào cấp 2, cô thực hiện chế độ ăn không dầu mỡ, hạn chế ăn cơm và các nhóm thực phẩm thiết yếu. Sau thời gian ăn uống cực đoan, Xiaoling giảm còn 25-30 kg. Cô bé từng nói với mẹ: "Con muốn sống, nhưng không muốn ăn uống".

Xiaoling phải nhập viện để kiểm tra và chụp CT vì tình trạng suy kiệt. Bác sĩ đã phải bế cô bé lên giường bệnh và thốt lên: "Cháu nhẹ quá, như một chiếc chăn bông vậy". Khi ấy, Xiaoling chỉ nặng 24,5 kg, mắc 14 căn bệnh liên quan.

U1085P972DT20230526095212-2660-1685347099.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bL5PpsatkfUbyJeNQ4B_yA

Bụng của cô bé Xiaoling sau thời gian giảm cân cực đoan và phải nhập viện. Ảnh: Newsweek

Giảm cân dẫn đến chán ăn tâm thần

Theo khảo sát năm 2022 về cân nặng người Trung Quốc, 59,3% người đang giảm béo thực hiện các chế độ ăn kiêng. Đây cũng là lựa chọn giảm cân hàng đầu của công chúng, thay vì tập luyện.

Chen Jue, Giám đốc khoa Tâm lý Lâm sàng của Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Thượng Hải, cho biết nhiều bệnh nhân trở nên biếng ăn sau một thời gian giảm cân. Hơn 90% người bị chán ăn lâm sàng từng thực hiện các chế độ ăn kiêng để giảm béo. Các hành vi ăn uống và giảm cân quá mức có thể phát triển thành chứng chán ăn.

Theo Chen Jue, nhóm dễ phát triển chứng chán ăn thường có ba đặc điểm sau. Người theo đuổi sự hoàn hảo quá mức, luôn không hài lòng với bản thân. Người thường xuyên tự ti, cố gắng trở nên gầy ốm để trông ưa nhìn. Người có ý chí "siêu phàm", một khi đã đặt mục tiêu giảm cân, họ sẽ bỏ qua cảm giác về thể chất, dù rất đói và mệt.

Một bệnh nhân của Chen Jue từng chia sẻ, khi mới bắt đầu ăn kiêng, mục đích của cô là để có ngoại hình đẹp. Sau một thời gian ăn uống và tập luyện, cô cảm thấy tự hào về bản thân khi cơ thể thon thả hơn. Tuy nhiên, cảm giác này dường như là chưa đủ.

"Ban đầu, tôi muốn giảm từ 50 kg xuống 45 kg, nhưng khi giảm tới 45 kg, tôi không thể dừng được. Nếu tiếp tục giảm cân, tôi mới thấy hạnh phúc. Không giảm được nữa, tôi bắt đầu lo lắng. Nếu tôi tăng cân, cảm giác còn tệ hơn", người này chia sẻ.

Giáo sư Chen Jue cho biết người bị chán ăn tâm thần bỏ qua các yếu tố sức khỏe kèm theo và bị thúc đẩy bởi cảm giác đạt được thành tựu, giá trị, chỉ muốn gầy đi càng nhiều càng tốt.

Ngoài ra, ăn kiêng cực đoan còn có thể gây hội chứng cuồng ăn và rối loạn ăn uống vô độ. Hành vi ăn uống vô độ được định nghĩa là tiêu thụ một lượng lớn thức ăn trong khoảng thời gian giới hạn, chẳng hạn gấp hai đến ba lần thông thường kèm theo cảm giác mất kiểm soát. Do tình trạng đói về thể chất do ăn kiêng, họ có thể phát triển chứng nghiện đường hoặc carbohydrate.

Nguyên nhân của tình trạng này cũng do một số phản ứng sinh hóa trong cơ thể. Theo giáo sư Chen Jue, sau thời gian ăn kiêng cực đoan, hormone trong cơ thể truyền tín hiệu đến trung tâm điều chỉnh cân nặng của não, dẫn đến cảm giác thèm ăn và ham muốn ăn uống. Điều này khiến nhiều người tiêu thụ calo nhiều hơn, cuối cùng trở thành ăn uống vô độ. Đây là bản năng sinh tồn tự nhiên của cơ thể con người.

Người trẻ và những nỗi lo về hình thể

Theo Chen Jue, nhóm mắc rối loạn ăn uống chủ yếu là thanh thiếu niên và phụ nữ trẻ. Nhóm biếng ăn hầu hết ở độ tuổi 13-30 và những người cuồng ăn là từ 12 đến 35 tuổi. Số bệnh nhân dưới 13 tuổi nhập viện tại nơi Chen Jue làm việc tăng đáng kể trong hai năm qua.

Khảo sát China News Weekly cho thấy xu hướng ăn kiêng cực đoan giảm cân đang len lỏi vào cả nhóm học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Xiaoyue, 12 tuổi, bị các bạn cùng lớp chế giễu vì hình thể hơi mũm mĩm. Cô bé đã thực hiện chế độ ăn kiêng giảm cân và rơi vào tình trạng nôn mửa, được chẩn đoán rối loạn ăn uống và phải nghỉ học. Do thói quen ăn quá nhiều ở một số thời điểm, cô bé nôn 5 lần một ngày dẫn đến tổn thương thực quản, rụng tóc và rối loạn kinh nguyệt.

b083fe955fbe185c785928-jpeg-16-1534-3933-1685347099.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0O1dzKySi9FBKV9QGFdVWQ

Thử thách tay chạm rốn của giới trẻ Trung Quốc. Ảnh: China Daily

Xiaoyue cho biết xu hướng ăn kiêng giảm cân hiện rất phổ biến ở các trường tiểu học và trung học. Nhiều nữ sinh chọn cách không ăn tối, cân nhiều lần trong ngày và cố gắng thực hiện các thử thách hình thể như đặt đồng xu lên xương quai xanh hay vòng tay qua lưng chạm vào rốn. Trên mạng xã hội, các chủ đề liên quan đến giảm cân như "eo A4" (eo nhỏ bằng tờ giấy a4), "vai góc vuông" (bờ vai thon, ngang và lộ xương quai xanh) liên tục được chia sẻ, khiến giới trẻ cảm thấy ghen tị, háo hức tập luyện và buồn bã khi kết quả không như mong muốn.

Ngày 24/5, Weibo chính thức của China News Weekly đã đưa ra một cuộc thăm dò với câu hỏi "Điều gì làm trầm trọng thêm sự lo lắng về cơ thể?". Trong số 56.000 người tham gia, 50% cho rằng tiêu chuẩn mảnh mai và trắng trẻo làm nhiều người trở nên áp lực hơn. 22% nhận định quan niệm "thế giới thân thiện hơn với người gầy" tạo ra tâm lý lo âu. Nhiều người chỉ ra rằng kích cỡ quần áo trong các hãng thời trang ngày càng nhỏ, nền tảng mạng xã hội ngập tràn phương pháp giảm cân khác nhau, những người xung quanh họ không ngừng thảo luận về chủ đề này.

Thục Linh (Theo Inewsweek, Sohu)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022