Cách nào để gỡ khó cho thị trường bất động sản là chủ đề nhận được nhiều quan tâm tại họp báo thường kỳ Bộ Xây dựng sáng 30/12. Khó khăn bủa vây nhiều hướng đã khiến nhiều doanh nghiệp, kể cả quy mô lớn như Novaland, phải giảm hoặc dừng triển khai các dự án, cắt giảm lượng lớn nhân sự...

z3999794142428-4aa4d48700b3b65-1409-3783-1672387242.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VPTpRgO0YSK0off7j_s6WA

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh tại buổi họp báo sáng 30/12. Ảnh: Bộ Xây dựng

Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án bất động sản, theo Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Tổ đã kiểm tra, làm việc với 5 địa phương trực thuộc trung ương, 29 doanh nghiệp bất động sản. Từ đó, Tổ ghi nhận được vướng mắc từ 89 dự án liên quan.

"Chủ yếu vấn đề nằm ở thủ tục giao đất, điều chỉnh, tính giá đất, quy hoạch đất đai, thủ tục đầu tư quy hoạch, pháp lý... hay mới đây là dòng vốn khi tín dụng, trái phiếu đều gặp khó khăn", ông Sinh nói.

Tuy nhiên, ngoài những yếu tố này, qua làm việc với các doanh nghiệp, trong đó có Novaland, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng còn nổi lên "trách nhiệm của các doanh nghiệp" trong đầu tư, kinh doanh bất động sản.

"Ở những giai đoạn thị trường tốt, doanh nghiệp tích cực thực hiện cùng lúc nhiều dự án mà không cân đối nguồn lực, gây khó khăn tài chính ở một thời điểm nhất định", ông Sinh nói và cho rằng đây là vấn đề do chính doanh nghiệp tạo ra.

Do đó, bên cạnh việc đôn đốc địa phương, bộ ngành giải quyết khó khăn về pháp lý (dự kiến trong tháng 1/2023 sẽ có phản hồi từ các đơn vị này), ông Sinh cho biết, Tổ nhiều lần đề nghị doanh nghiệp rà soát, cơ cấu lại sản phẩm bất động sản.

"Doanh nghiệp nên bán bớt các dự án chưa triển khai, tập trung hoàn thành sớm những dự án đang làm. Thông qua đó tạo ra dòng tiền thực hiện những dự tiếp theo", ông nói.

Theo Thứ trưởng, về lâu dài khi triển khai thực hiện dự án, các doanh nghiệp phải dùng vốn vay dự án nào thực hiện dự án đó, tránh mất cân bằng tài chính.

Đức Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022