Ngày 5/3, tỉnh Thái Bình công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Một trong số những điểm mới, đột phá của quy hoạch là tỉnh xác định mở ra không gian mới thông qua hoạt động "lấn biển"; phát triển kinh tế hướng biển tạo chuyển biến ở lĩnh vực cảng biển, năng lượng, dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng, sinh thái.

ndt1356-1709623953086112786262-7622-5424-1709647065.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8xyT4kc7bwRX0X7aMfey9g

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang trao Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình cho lãnh đạo tỉnh ngày 5/3. Ảnh: VGP

Địa bàn tỉnh cũng sẽ hình thành 3 tuyến cao tốc là cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08); đường Vành đai 5 - Hà Nội (CT.39) và tuyến CT.16 phục vụ kết nối Khu kinh tế với TP Thái Bình và vùng kinh tế phía tây bắc Thủ đô.

Thái Bình sẽ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ tiên tiến, tạo giá trị gia tăng cao. Tỉnh sẽ tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu, từng bước đưa địa phương thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp, năng lượng của vùng.

Các ngành được khuyến khích đầu tư, phát triển gồm: năng lượng; cơ khí chế biến, chế tạo; công nghiệp công nghệ cao; điện - điện tử; chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Đồng thời, Thái Bình sẽ tập trung nghiên cứu phát triển điện gió, điện khí để tạo nguồn điện sạch và cân bằng lượng phát thải; nghiên cứu đầu tư Nhà máy chế biến Condensate; chuẩn bị mọi điều kiện để xây dựng, vận hành Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình.

Về nông nghiệp, tỉnh vẫn xác định đây là "trụ cột quan trọng" kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu của đồng bằng sông Hồng.

Đối với việc triển khai quy hoạch, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ với địa phương tám chữ: Tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ và thấu hiểu.

Ông nói, giá trị lớn lao nhất của quy hoạch là định hướng, mục tiêu và những giải pháp để hiện thực hóa. Vì thế về nguyên tắc trước hết phải "tuân thủ" quy hoạch.

Tỉnh cũng phải "linh hoạt" trong tổ chức thực hiện. Tức trong trường hợp cá biệt cụ thể, tỉnh có thể điều chỉnh mục tiêu vì "hôm nay nói chuyện ngày mai đã khó chứ chưa nói gì câu chuyện 6 năm sau và tầm nhìn 26 năm sau".

Bên cạnh đó, địa phương phải tổ chức thực hiện "đồng bộ" với các quy hoạch khác như Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Cuối cùng, Phó thủ tướng yêu cầu chính quyền phải "thấu hiểu" quy hoạch này thế nào để tổ chức thực hiện cho đồng bộ, linh hoạt; còn đối với người dân, doanh nghiệp cũng phải có sự thấu hiểu để đồng hành, chia sẻ thì việc triển khai mới trọn vẹn.

Những năm qua, Thái Bình có sự chuyển mình mạnh mẽ, từ địa phương dựa chủ yếu vào nông nghiệp trở thành nơi hấp dẫn đầu tư.

Hiện tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh chỉ còn chiếm 20%. Thái Bình xếp thứ 15, 16 trên 63 địa phương về thu hút đầu tư FDI năm 2021, 2022 và đặc biệt năm 2023 thu hút FDI đạt gần 3 tỷ USD, xếp thứ 5 cả nước.

Khu công nghiệp Liên Hà Thái, khu công nghiệp tiên phong trong Khu kinh tế Thái Bình, sau 3 năm thành lập đến nay đã thu hút đầu tư trên 1,2 tỷ USD.

Đức Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022