Sáng 5/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Australia tại thành phố Melbourne, nhân chuyến công du Australia.
Theo Thủ tướng, Việt Nam - Australia đạt được nhiều thành tựu hợp tác kinh tế, đầu tư sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Ông cho hay hiện Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực, như kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo, ôtô điện, chế biến sâu khoáng sản, đặc biệt là công nghệ bán dẫn, năng lượng tái tạo. Đây cũng là những ngành doanh nghiệp Australia có nhiều thế mạnh.
Ở điểm này, ông Andy Hồ, Giám đốc Đầu tư của VinaCapital Group, cho rằng ngành phát triển rất nhanh ở Việt Nam là công nghệ. "Việt Nam có môi trường hòa bình, ổn định để các nhà đầu tư yên tâm rót vốn ở nhiều lĩnh vực như công nghệ, cơ sở hạ tầng tầng, năng lượng sạch", ông nói.
Hiện, một số tập đoàn lớn thế giới đầu tư sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys... Các doanh nghiệp trong nước gồm FPT, Viettel cũng bước đầu tham gia nghiên cứu, sản xuất chip.
Theo công ty nghiên cứu Technavio, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến tăng 1,65 tỷ USD đến năm 2025, với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5% mỗi năm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Australia ở thành phố Melbourne, Australia, sáng 5/3. Ảnh: Nhật Bắc
Chủ tịch Blackstone Minerals - công ty khai khoáng đang sản xuất tiền chất pin tại nhà máy đặt tại tỉnh Sơn La, cũng đánh giá Việt Nam có vị trí chiến lược thuận lợi và tiềm năng phát triển khai thác khoáng sản. Theo ông, tới đây sẽ có thêm nhiều công ty đầu tư khoáng sản quốc tế và Australia tìm cơ hội đầu tư lĩnh vực này ở Việt Nam.
"Lao động trẻ tài năng tại đây đã góp phần vào thành công của công ty. Tôi có niềm tin lớn vào tương lai phát triển ngành khai khoáng Việt Nam với đội ngũ nhân viên trẻ này", ông Hamish Halliday nói.
Năm ngoái, quy mô GDP Việt Nam là hơn 430 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.300 USD. Tăng trưởng kinh tế năm ngoái đạt 5,05%, lạm phát 3,25%.
Thủ tướng nói thêm Việt Nam đang thực hiện ba đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. "Chúng tôi không hy sinh công bằng xã hội, bảo vệ môi trường lấy tăng trưởng và con người được xem là trung tâm của sự phát triển", ông nêu.
Vì thế, việc tăng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam - Australia sẽ giúp mỗi nước phát huy thế mạnh, tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới hai bên cùng là thành viên như CPTPP, RCEP, Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị phía Australia tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt kết nối đầu tư kinh doanh, và loại bỏ rào cản phi thuế quan với hàng Việt.
Tại diễn đàn, Vietjet công bố đường bay mới Melbourne - Hà Nội. Đường bay sẽ khai trương từ ngày 3/6 với hai chuyến khứ hồi mỗi tuần, thời gian bay khoảng 10 giờ.
Đại diện hàng trăm doanh nghiệp ngồi kín khán phòng ở Đại học RMIT, nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Australia. Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân đến Melbourne tối 4/3, bắt đầu chuyến công du Australia kéo dài tới ngày 9/3. Đây là chuyến thăm chính thức Australia đầu tiên của ông trên cương vị lãnh đạo Chính phủ Việt Nam.
Việt Nam - Australia thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 2/1973, sau đó nâng cấp thành quan hệ Đối tác Chiến lược vào tháng 3/2018. Dự kiến trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng, hai bên sẽ tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt gần 14 tỷ USD. Australia là đối tác thương mại lớn thứ 7, đầu tư nước ngoài thứ 20 của Việt Nam. Nước này mở cửa cho nhiều nông sản Việt, như vải xoài, thanh long, nhãn.
Australia là một trong những đối tác song phương cung cấp ODA không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam. Trong 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, nước này đã hỗ trợ ODA cho Việt Nam tổng cộng 3 tỷ AUD.
Hoàng Thùy