Từ đầu năm 2019, cổ phiếu hãng chip Nvidia (Mỹ) đã tăng 31 lần, nhờ sự thống trị trong lĩnh vực chip AI toàn cầu. Rất nhiều nhân viên của hãng trở thành triệu phú USD nhờ nắm giữ cổ phiếu công ty. Dù vậy, rất ít người có thời gian cho những chuyến du lịch, hoạt động giải trí, hay tìm mua nhà vì công việc bận rộn và nhiều áp lực.

Trên Bloomberg, các nhân viên và cựu nhân viên hãng chip này cho biết nhà sáng lập kiêm CEO Jensen Huang đã xây dựng một văn hóa làm việc cầu toàn và điên cuồng. Ông thường thức dậy lúc 6h để tập thể dục, sau đó làm việc 14 tiếng mỗi ngày. "Tôi luôn muốn làm việc khó, tiếp đến là cực kỳ khó", CEO 61 tuổi chia sẻ trên podcast 20VC hồi tháng 3.

Tại Nvidia, Huang luôn trực tiếp tham gia giải quyết vấn đề cùng nhân viên. Các lãnh đạo cấp dưới cũng vậy. Một người có thể nhận báo cáo trực tiếp từ hàng chục nhân viên khác.

Một cựu nhân viên từng làm hỗ trợ kỹ thuật cho khách hàng doanh nghiệp cho biết anh được yêu cầu làm việc 7 ngày một tuần. Mỗi ngày thường làm đến 1-2 giờ sáng. Nhiều đồng nghiệp cũ của anh, đặc biệt trong nhóm kỹ thuật làm nhiều giờ hơn. Người này mô tả môi trường làm việc như một "nồi áp suất" và một số cuộc họp của công ty không khác nào những trận cãi vã. Dù vậy, thu nhập tại Nvidia khiến anh khó nghỉ việc. Đến tháng 5, người này mới quyết định rời đi.

skynews-nvidia-geforce-6585237-8388-1724770521.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=nfJSaernJyavrmxNSXb-jg

Card đồ họa Nvidia GeForce được giới thiệu tại triển lãm Computex 2024. Ảnh: Reuters

Một nhân viên khác từng làm tại bộ phận marketing đến năm 2022 cho biết cô thường tham gia 7-10 cuộc họp mỗi ngày. Mỗi cuộc họp có hơn 30 người tham gia. Tranh cãi trong cuộc họp là chuyện thường xuyên. Tuy nhiên, cô vẫn cố gắng làm việc trong hai năm vì mức thu nhập hấp dẫn.

Nvidia có văn hóa không sa thải nhân viên. Khi một cá nhân làm kém hiệu quả, công ty thường cố gắng tìm một nhóm mới cho người đó, thay vì huấn luyện tăng cường hoặc sa thải. Những cựu nhân viên của hãng xác nhận Huang nhiều lần nói không muốn sa thải bất kỳ ai.

Dù vậy, ở chiều ngược lại, hãng cũng không gặp khó trong việc giữ chân người lao động. Vài năm gần đây, việc giá cổ phiếu tăng mạnh và gói thưởng cổ phiếu hấp dẫn khiến nhân viên Nvidia luôn sẵn sàng ở lại. Báo cáo của hãng cho thấy năm 2023 có 5,3% nhân viên nghỉ việc. Nhưng sau khi vốn hóa công ty đạt mốc 1.000 tỷ USD năm ngoái, tỷ lệ này năm nay chỉ là 2,7%. Mức nghỉ việc bình quân toàn ngành bán dẫn là 17,7%.

Không như nhiều hãng công nghệ khác, nhân viên Nvidia không thể làm việc cầm chừng để chờ đến hạn nhận cổ phiếu thưởng. Cuối năm ngoái, nguồn tin của Insider cho biết nhiều nhân viên của hãng có dấu hiệu lười làm việc khi giá cổ phiếu tăng cao. Thái độ làm việc của họ gây chia rẽ trong nội bộ Nvidia, khiến Huang phải tổ chức cuộc họp để giải quyết vấn đề.

Jensen-Huang-CEO-Nvidia-Comput-8075-7524-1724770521.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PwLkMZGJK_z3d-0EWagw4w

CEO Nvidia Jensen Huang tại Triển lãm Computex 2024. Ảnh: Khương Nha

Theo một cựu nhân viên kỹ thuật đã rời công ty vào tháng 6, những người gắn bó gần một thập kỷ sẽ có thừa tiền để nghỉ hưu. Tuy nhiên, nhiều người sẽ không nghỉ việc, vì họ có thể kiếm thêm hàng triệu USD nữa khi khoản thưởng cổ phiếu tiếp theo đến hạn.

Hai năm qua, cựu nhân viên kỹ thuật này thường xuyên thấy đồng nghiệp lướt các website bất động sản và bóng gió về những ngôi nhà nghỉ dưỡng mới khi nói chuyện phiếm. Việc họ đến xem các sự kiện thể thao lớn như giải bóng bầu dục Mỹ Super Bowl và vòng chung kết bóng rổ NBA Finals cũng trở nên phổ biến.

Spencer Hsu, một môi giới bất động sản tại Palo Alto, California, đã làm việc với nhiều nhân viên của Nvidia trong năm nay. "Chúng tôi chỉ trao đổi được vào buổi tối và cuối tuần. Tôi rất ngạc nhiên khi biết họ có bao nhiêu tiền từ cổ phiếu", anh nói. Nhóm này thường trả trước 40-60% giá trị với các căn nhà triệu USD.

Ngoài vấn đề thu nhập, Airan Junior - nhân viên hãng chip này từ năm 2020 đến 2023 - cho biết "làm việc tại Nvidia giống như ở Disneyland", vì có rất nhiều nhóm cùng giải quyết các vấn đề kỹ thuật thú vị. Junior làm việc cho bộ phận kinh doanh tại Brazil. Anh cho rằng văn hóa độc đáo của công ty đã góp phần giúp họ thành công vang dội.

Huang cũng từng giải thích phong cách lãnh đạo của ông được định hình qua nhiều lần "đối mặt với nghịch cảnh" trong hơn 30 năm điều hành công ty. Ông luôn nói với các nhân viên rằng mình đang thúc đẩy họ làm điều quan trọng nhất.

Các nhân viên dường như cũng tán thành phong cách lãnh đạo khác thường của Huang. Theo khảo sát của website tuyển dụng Glassdoor, tỷ lệ ủng hộ ông là 97%, cao hơn so với các đồng nghiệp tại Alphabet (94%), Apple (87%), Meta Platforms (66%) và Amazon.com (54%).

Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình 60 Minutes gần đây, Huang cũng nói về phong cách quản lý khắt khe của mình: "Mọi việc nên như vậy. Nếu muốn làm những điều phi thường, bạn không thể làm việc dễ được".

Hà Thu (theo Bloomberg, Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022