Hãng thông tấn Nga TASS đầu tuần này trích số liệu của Eurostat - cơ quan thống kê châu Âu - cho biết tháng trước, các nước Liên minh châu Âu (EU) mua gần 2 tỷ USD khí đốt Nga. Trong đó, họ mua 927 triệu euro khí đốt Nga qua đường ống và 917 triệu euro khí hóa lỏng (LNG). Đây là mức cao nhất kể từ đầu năm 2023.

Các nước tăng mua trước khi Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu qua Ukraine từ ngày 1/1, do Kiev từ chối gia hạn thỏa thuận trung chuyển.

TASS cho biết Nga là nước cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu trong tháng 12/2024, chiếm 25,2% thị phần, tăng hơn 6% so với tháng trước đó. Theo sau là Algeria, Mỹ và Na Uy.

download-7-1740041339-5296-1740041364.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AmISiLBujc1ubek45yIFrQ

Một cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên ở Bierwang (Đức) năm 2022. Ảnh: AP

Giá trị LNG Nga vào châu Âu tháng cuối năm ngoái tăng 52% so với tháng 11 và 38% cùng kỳ 2023. Pháp và Bỉ là hai nước mua LNG Nga nhiều nhất khu vực, lần lượt gần 403 triệu euro và 138 triệu euro. Trong khi đó, con số này của Hà Lan lại giảm gần 16%, về 98,5 triệu euro.

Tính chung năm 2024, EU mua 7,6 tỷ euro khí đốt Nga qua đường ống và 7,2 tỷ euro LNG. Các nước mua LNG Nga nhiều nhất là Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ.

Phó thủ tướng Nga Alexander Novak từng cho biết nhu cầu khí đốt Nga vẫn lớn và các nước châu Âu quan tâm đến sản phẩm này. "Bất chấp các tuyên bố và sức ép trừng phạt, nhu cầu khí đốt từ các nước rất lớn. Trong khi sản phẩm này của Nga cạnh tranh về giá, logistics", ông cho biết trên kênh truyền hình Rossiya-24 khi đó.

Tuy nhiên, thỏa thuận trung chuyển khí đốt kéo dài 5 năm giữa Moskva và Kyiv (Ukraine) đã hết hiệu lực đầu năm nay. Trước đó, nửa số khí đốt của Nga sang châu Âu đi qua đường ống này. Phần còn lại đi theo đường ống TurkStream chạy qua Biển Đen. Việc đóng cửa đường ống trung chuyển khiến lượng khí đốt tự nhiên qua TurkStream lên kỷ lục 1,56 tỷ m3 trong tháng 1, TASS cho biết.

Hà Thu (theo RT, TASS)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022