"Cảm ơn mọi người đã cầu nguyện và gửi lời chúc tốt đẹp. Tôi bị mất nước, hiện đã thấy ổn. Cảm ơn các chuyên gia y tế xuất sắc của Mississippi. Tôi đã sẵn sàng trở lại làm việc vào ngày mai. Bài học rút ra là hãy uống đủ nước", ông Hosemann, nói vào hôm 19/2, sau khi sự việc xảy ra.
Tình trạng xảy ra khi lượng nước trong cơ thể mất đi đột ngột, nhiều hơn lượng nước nạp vào, khiến các chức năng không thể hoạt động bình thường. Mất nước đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ và người lớn tuổi.
Nguyên nhân phổ biến nhất gây mất nước ở trẻ nhỏ là tiêu chảy và nôn mửa nghiêm trọng. Người lớn tuổi thường có lượng nước trong cơ thể thấp hơn, đôi khi mắc các bệnh lý nền làm tăng nguy cơ mất nước. Ngay cả các tình trạng nhẹ như nhiễm trùng phổi hoặc bàng quang cũng có thể dẫn đến mất nước ở người lớn tuổi. Trong thời tiết nóng, ở điều kiện vận động mạnh, mất nước có thể xảy ra với bất cứ ai.
Người bị mất nước nhẹ và trung bình có thể khắc phục bằng cách bổ sung thêm nước, nhưng mất nước nghiêm trọng cần được điều trị y tế ngay lập tức.
Biểu hiện của việc mất nước thường đa dạng. Người lớn tuổi có thể mất nước âm thầm mà không cảm thấy khát. Điều này làm tăng nguy cơ ngất xỉu. Vì vậy, việc tăng cường lượng nước vào cơ thể trong thời tiết nóng hoặc khi bị ốm là rất quan trọng.

Phó Thống đốc Mississippi Delbert Hosemann. Ảnh: AP
Dấu hiệu và triệu chứng mất nước cũng có thể khác nhau tùy theo độ tuổi.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường khô miệng và lưỡi, không có nước mắt khi khóc, không ướt tã trong ba giờ, mắt và má trũng sâu, thóp trũng, lờ đờ hoặc cáu kỉnh. Người lớn có biểu hiện khát dữ dội, đi tiểu ít hơn, nước tiểu sẫm màu, mệt mỏi, chóng mặt, lú lẫn.
Nếu người bệnh bị tiêu chảy trong 24 giờ trở lên, tâm trạng cáu kỉnh hoặc mất phương hướng, ngủ nhiều, ít hoạt động hơn bình thường, không uống nước, phân màu đen hoặc có máu, chuyên gia khuyến nghị đến khám tại bệnh viện.
Đôi khi mất nước xảy ra vì những lý do đơn giản. Người bệnh không uống đủ nước vì bận rộn hoặc bị bệnh, hoặc không có nước sạch để uống khi đi du lịch, leo núi hoặc cắm trại.
Các nguyên nhân khác gây mất nước bao gồm tiêu chảy, nôn mửa; sốt; đổ mồ hôi quá nhiều; đi tiểu nhiều.
Tiêu chảy cấp tính nghiêm trọng có thể gây mất nước và chất điện giải nhanh chóng. Nôn mửa kèm tiêu chảy càng làm mất nhiều dịch và khoáng chất hơn. Nói chung, sốt càng cao, nguy cơ mất nước càng lớn. Vấn đề càng trầm trọng hơn nếu bị sốt kèm tiêu chảy và nôn.
Người bệnh tiểu đường đặc biệt có nguy cơ mất nước nghiêm trọng. Một số loại thuốc, chẳng hạn thuốc lợi tiểu, huyết áp cũng có thể dẫn đến mất nước do làm tăng lượng nước tiểu.
Người có nguy cơ mất nước cao là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ; người lớn tuổi; người mắc bệnh mạn tính; người thường xuyên làm việc hoặc tập thể dục ngoài trời.
Khi con người già đi, lượng nước dự trữ trong cơ thể giảm, khả năng giữ nước kém đi và cảm giác khát cũng giảm. Những vấn đề này càng trầm trọng hơn do các bệnh mạn tính như tiểu đường và sa sút trí tuệ. Người lớn tuổi cũng có thể gặp các vấn đề về vận động, hạn chế khả năng tự lấy nước uống.
Mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát hoặc không được điều trị khiến bệnh nhân có nguy cơ mất nước cao. Bệnh thận hoặc việc sử dụng các thuốc điều trị bệnh thận cũng làm tăng nguy cơ này.
Mất nước có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm: tổn thương do nhiệt; các vấn đề về tiết niệu và thận; co giật; sốc giảm thể tích máu. Tổn thương do nhiệt được biểu hiện bằng nhiều dạng bệnh lý, từ chuột rút nhẹ, kiệt sức vì nóng đến say nắng đe dọa tính mạng. Mất nước kéo dài hoặc lặp đi lặp lại có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận, thậm chí suy thận.
Thông thường, các chất điện giải như kali và natri giúp truyền tín hiệu điện từ tế bào này sang tế bào khác. Nếu mất cân bằng điện giải, quá trình này bị xáo trộn, dẫn đến co cơ không tự chủ, đôi khi mất ý thức.
Sốc giảm thể tích máu là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất, đôi khi đe dọa tính mạng của tình trạng mất nước. Nó xảy ra khi lượng máu thấp gây tụt huyết áp và giảm lượng oxy trong cơ thể.
Để ngăn ngừa mất nước, chuyên gia khuyến nghị uống nhiều nước và ăn thực phẩm giàu chất lỏng như trái cây và rau củ. Đối với những người khỏe mạnh, hãy uống nước khi cảm thấy khát, bởi đây là dấu hiệu rõ ràng nhất.
Mọi người cần bổ sung nhiều nước hơn nếu gặp các tình trạng như: nôn mửa, tiêu chảy; tập thể dục vất vả; thời tiết nóng hoặc lạnh; bị sốt.
Người lớn tuổi thường bị mất nước ngay cả khi mắc những bệnh nhẹ như cúm, viêm phế quản hoặc nhiễm trùng bàng quang. Nếu tuổi đã cao, chuyên gia khuyến cáo uống nhiều nước khi cảm thấy không khỏe.
Thục Linh (Theo Mayo Clinic)