Sáng 15/7, Cơ quan Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố số liệu cho thấy GDP nước này tăng 4,7% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này thấp hơn quý I (5,3%) và cũng không đạt dự báo của giới phân tích trong khảo sát của Reuters (5,1%).

"Chúng ta phải nỗ lực hơn nữa để vực dậy thị trường và kích thích động lực nội tại", thông cáo viết. NBS cũng kêu gọi "củng cố và tăng cường đà phục hồi kinh tế, nhằm đảm bảo phát triển bền vững".

So với quý I, GDP Trung Quốc tăng 0,7%. Tốc độ này cũng dưới dự báo và thấp hơn quý đầu năm.

2024-04-16T001734Z-417239332-R-9271-5845-1721012498.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=k-jIy9RNUjteUDMBLJBfYA

Người dân đi qua các nhà hàng tại Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc) tháng 4/2024. Ảnh: Reuters

Các số liệu này cho thấy thách thức với giới chức Trung Quốc vẫn rất lớn. Bắc Kinh đang tìm cách thúc đẩy nhu cầu nội địa trong bối cảnh thị trường bất động sản khủng hoảng 3 năm qua, nợ chính quyền địa phương tăng và chi tiêu của doanh nghiệp yếu.

Năm nay, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đặt mục tiêu tăng trưởng quanh 5%. Giới phân tích đánh giá đây là mục tiêu tham vọng và có thể cần tăng kích thích mới đạt được.

Tuần trước, Hải quan Trung Quốc công bố số liệu cho thấy xuất khẩu tháng 6 tăng cao hơn dự báo, 8,6% so với năm ngoái. Tuy nhiên, nhập khẩu lại giảm 2,3%. Nhiều số liệu khác cũng cho thấy nhu cầu nội địa của nền kinh tế thứ hai thế giới đang chậm lại. Trong tháng 6, doanh số bán lẻ không đạt dự báo, khi chỉ tăng 2%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,2%. Trong khi nếu không tính giá năng lượng, thực phẩm, CPI lõi thêm 0,6%, thấp hơn trung bình nửa đầu năm. Tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị là 5%, không đổi so với tháng trước đó.

Dòng vốn vào cơ sở hạ tầng và sản xuất trong tháng 6 cũng tăng chậm hơn tháng 5. Đầu tư vào bất động sản thậm chí giảm 10,1%. Tuy vậy, lũy kế nửa đầu năm, vốn vào tài sản cố định vẫn tăng 3,9%.

Hà Thu (theo Reuters, CNBC)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022