Sáng 20/8, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.251 đồng, thấp hơn 10 đồng so với hôm qua. Với biên độ 5%, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch USD trong khoảng 23.038 - 25.463 đồng.

Trên thị trường ngân hàng, tỷ giá đồng loạt giảm mạnh. Vietcombank ngày thứ ba liên tiếp hạ giá mua - bán USD, xuống 24.710 - 25.080 đồng. Mức này giảm 130 đồng so với sáng 19/8. BIDV báo giá đồng bạc xanh ở mức 24.740 - 25.080 đồng, giảm 140 đồng. Tỷ giá tại Techcombank, Eximbank cũng thấp hơn 90-110 đồng so với hôm qua.

So với mức đỉnh xác lập cuối tháng 6, tỷ giá trên thị trường ngân hàng hiện thấp hơn 1,6%, khoảng 390-400 đồng.

Trên thị trường tự do, giá bán USD đi ngang, quanh ngưỡng 25.380 - 25.400 đồng. Mức này thấp hơn 600-610 đồng, khoảng 2,3% so với cách đây hai tháng.

VPB-4-JPG-4836-1724128584.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=otCOGWFaODw0NNHyx7HFrw

Giao dịch ngoại tệ tại quầy một ngân hàng thương mại ở TP HCM, tháng 11/2022. Ảnh: Thanh Tùng

Tỷ giá bắt đầu giảm mạnh trong hơn một tháng gần đây, đặc biệt từ cuối tuần trước. Với động thái này, chênh lệch giữa tỷ giá thị trường tự do và niêm yết tại các ngân hàng thương mại không còn đáng kể.

Đồng bạc xanh trong nước hạ giá cùng chiều với thế giới. Trên thị trường quốc tế, Dollar Index - chỉ số đo lường sức mạnh của USD giảm về dưới ngưỡng 102 điểm. Chỉ số này đã thấp hơn gần 2% trong hai tuần gần đây.

Tuần trước, tâm điểm chú ý đến từ số liệu lạm phát tháng 7 ở Mỹ, với số liệu thực tế thấp hơn dự báo. Với xu hướng lạm phát giảm và thị trường lao động cân bằng hơn, giới phân tích đánh giá 75% khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh 25 điểm cơ bản (0,25%) lãi suất trong kỳ họp tháng 9.

Chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD giảm 0,7% trong tuần trước, với nhiều đồng tiền tăng giá so với USD như GBP (1,4%), EUR (1%) hay các đồng tiền trong khu vực châu Á như THB (1,7%), KRW (1%).

Minh Sơn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022