Tại phiên họp thường niên chiều 1/4, nhiều cổ đông chất vấn bà Nguyễn Thanh Phượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Chứng khoán Vietcap - về sự chuẩn bị để đón cơ hội mới khi các trung tâm tài chính hình thành trong tương lai.

Bà Phượng cho rằng trung tâm tài chính quốc tế không nên được hiểu như một khu vực có nhiều tòa nhà đẹp, mà quan trọng bên trong có doanh nghiệp nào. Bà liệt kê các trung tâm tài chính hình mẫu như New York, Singapore... đều tập hợp đủ từ sở giao dịch chứng khoán, các công ty quản lý quỹ, ngân hàng cho đến doanh nghiệp, dịch vụ hỗ trợ như kế toán, kiểm toán, tư vấn luật.

"Trung tâm tài chính phải có phần cứng lẫn phần mềm", bà Phượng nói.

Theo dự thảo Nghị quyết thành lập và hoạt động của trung tâm tài chính tại Việt Nam, các trung tâm này được định hướng cung cấp các dịch vụ tài chính hiện đại như tài chính xanh, tài chính phái sinh, fintech, đặc biệt nhằm phục vụ nhu cầu tài chính cho các dự án hạ tầng, năng lượng quy mô lớn. Trong đó, Trung tâm tài chính TP HCM được định hướng trở thành trung tâm quốc tế, còn tại Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính khu vực.

Một cổ đông đặt vấn đề "trung tâm tài chính quốc tế trong tương lai mang lại lợi thế gì cho Vietcap?".

Đáp lại, bà Phượng khẳng định dù có hay không trung tâm này, Vietcap vẫn làm tốt việc của mình để giữ vị thế công ty chứng khoán nhóm đầu.

Phuong-Vietcap-1743507997-7962-1743508334.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=W7vxHL3Q_dZ0kuVfh9oi1g

Bà Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Vietcap trả lời câu hỏi của cổ đông tại phiên họp thường niên, chiều 1/4. Ảnh: Vietcap

Liên quan đến cơ hội tham gia giao dịch tài sản số, người đứng đầu HĐQT Vietcap cho rằng "còn khá sớm để nói về việc này", bởi khung pháp lý vẫn chờ hoàn thiện. Bà Phượng cho biết công ty đang tập trung vào câu chuyện gần hơn là thị trường chứng khoán có thể được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi vào cuối năm nay, nhờ đó dòng vốn lớn của nhà đầu tư nước ngoài sẽ rót vào Việt Nam.

Năm nay, Vietcap đặt mục tiêu thu 4.325 tỷ đồng và lãi trước thuế 1.420 tỷ đồng. Ông Tô Hải, Tổng giám đốc công ty, cho biết kế hoạch này được xây dựng tương đối thận trọng bởi kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước còn nhiều biến số phức tạp. Tuy nhiên, ông khẳng định việc hoàn thành "trong tầm tay nếu VN-Index không rớt quá sâu".

Bóc tách mục tiêu lãi trước thuế, lãnh đạo Vietcap dự kiến khoảng 25% đến từ hoạt động cho vay ký quỹ, 10-20% mảng ngân hàng đầu tư, 15% môi giới. Phần còn lại khoảng 40-50% đến từ tự doanh. Mảng ngân hàng đầu tư (gồm tư vấn IPO và M&A) được công ty cho biết khó dự báo nhất vì thị trường đứng yên trong thời gian dài, nhiều hợp đồng ký từ 2 năm trước đến nay chưa kết thúc để ghi nhận phí tư vấn.

Ông Hải nói thêm thời gian tới Vietcap sẽ đầu tư vốn lớn vào hệ thống công nghệ và cải thiện dịch vụ để tăng thị phần môi giới, đặc biệt cho khách hàng cá nhân. Trước đây, công ty tập trung vào khách hàng tổ chức và luôn giữ thị phần số 1 hoặc 2. Tuy nhiên, sau Covid-19, tỷ trọng giao dịch của tổ chức giảm từ 20-30% xuống 10%, có năm chỉ còn 5%, nên công ty bắt đầu chuyển hướng sang khách hàng cá nhân.

"Đến năm 2023 Vietcap mới thay đổi là hơi chậm. Nếu được quay lại, chúng tôi sẽ làm sớm hơn", ông Hải chia sẻ.

Theo ông Hải, công ty này trước đây tập trung quá nhiều vào hiệu quả nên không bị hấp dẫn bởi tỷ suất sinh lời khiêm tốn của mảng môi giới. Tuy nhiên, nhờ đi sau nên họ có những bài học, giúp quá trình chuyển đổi diễn ra nhanh và thị phần tăng liên tiếp. Năm ngoái, công ty đứng thứ 5 về thị phần môi giới trên sàn TP HCM với 6,08%, tăng 3 bậc và thêm 1,6% thị phần. Đối với môi giới cho nhà đầu tư nước ngoài, công ty dẫn đầu thị phần với trên 30%.

Năm 2024, Vietcap có doanh thu 3.749 tỷ đồng, gấp rưỡi cùng kỳ. Nguồn thu từ tự doanh góp hơn 2.000 tỷ đồng, tiếp đến lần lượt là cho vay ký quỹ, môi giới và ngân hàng đầu tư. Công ty báo lãi sau thuế 910 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ.

Phương Đông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022