Chiều 15/5, Quốc hội thảo luận tại tổ dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Theo dự thảo nghị quyết, hoạt động thanh, kiểm tra tại doanh nghiệp tư nhân được chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Theo đó, việc thanh, kiểm tra tại doanh nghiệp hộ kinh doanh không quá một lần trong năm (trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng). Hành vi lạm dụng thanh, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp sẽ bị xử nghiêm.

Bà Nguyễn Phương Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp chưa đồng tình với nguyên tắc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp không quá một lần mỗi năm. Bà cho biết định hướng chung là hạn chế tiền kiểm, chuyển dần sang hậu kiểm. "Nếu dự thảo nghị quyết hạn chế thanh, kiểm tra sẽ rất khó phát hiện ra sai phạm", bà Thủy nhận định.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp dẫn chứng vụ việc sữa giả, doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh đúng pháp luật, chất lượng sản phẩm tiêu chuẩn hàng hóa đúng quy định. Nhưng quá trình sản xuất không đảm bảo các tiêu chuẩn đã đăng ký, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân và môi trường kinh doanh.

"Nếu giảm thanh tra, kiểm tra thậm chí miễn kiểm tra làm sao phát hiện được vi phạm", bà nói.

Nguyen-Phuong-Thuy-1747303754-2932-1747303841.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kd3aZqAFnssSCotIF2PRXA

Bà Nguyễn Phương Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng băn khoăn việc quy định chỉ kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp tối đa một lần trong năm "đủ hay không", bởi các lĩnh vực liên quan an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy... có thể bộc lộ lỗ hổng mà cơ quan quản lý khó phát hiện nếu không kiểm tra định kỳ. Ông đề nghị cân nhắc việc quy định "cứng" chỉ thanh, kiểm tra doanh nghiệp tối đa một lần một năm với tất cả lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh và nên giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Tương tự, ông Huỳnh Thành Chung, Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Bình Phước cũng cho rằng vẫn cần có các cuộc thanh tra định kỳ, chuyên đề để phát hiện kịp thời sai phạm của doanh nghiệp, như các hành vi vi phạm về hàng giả, sữa giả vừa qua.

Ông Chung đề nghị bổ sung cơ chế giám sát hiệu quả hơn với doanh nghiệp, bởi "thanh tra, kiểm tra một lần có thể không đủ, vẫn có trường hợp doanh nghiệp né, lách luật, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh".

Trong khi đó, bà Nguyễn Phương Thủy đề xuất dự thảo nghị quyết cần bổ sung quy định khác thay thế như kiểm tra từ xa, hoặc qua hồ sơ, giám sát điện tử... Với sản phẩm hàng hóa người tiêu dùng có thể tự đi xét nghiệm, kiểm nghiệm, khi phát hiện sự việc sai phạm, phải có cơ chế khuyến khích, khen thưởng.

"Không nên đưa ra quy định chung mà cần phải tổng thể, toàn diện hơn và nên chuyển hóa trong các luật để đảm bảo tính thống nhất toàn diện trong từng lĩnh vực", bà nói.

Ha-Sy-Dong-15-5-1747302988-7064-1747303841.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jIe1TkAqBGZVkFznCUEobA

Ông Hà Sỹ Đồng, đại biểu tỉnh Quảng Trị, ngày 15/5. Ảnh: Hoàng Phong

Cũng theo dự thảo nghị quyết, trách nhiệm của pháp nhân với cá nhân được phân định rõ. Với vi phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế thì ưu tiên áp dụng các biện pháp dân sự, kinh tế và hành chính trước. Các doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục vi phạm, thiệt hại. Việc này nhằm tạo sự yên tâm cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.

Để đảm bảo thực thi, ông Hà Sỹ Đồng, đại biểu tỉnh Quảng Trị đề nghị cần tăng áp dụng biện pháp bảo lãnh, cho tại ngoại trong xử lý hình sự. Theo ông, chỉ trường hợp thật cần thiết mới áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam.

"Bởi thực tế, nhiều vụ án nếu cho doanh nhân tại ngoại thì họ có cơ hội để khắc phục thiệt hại hoặc tiếp tục điều hành công việc kinh doanh. Trường hợp tạm giữ, tạm giam kéo dài với doanh nhân, chỉ giải quyết được một vụ án nhỏ nhưng lại khiến một doanh nghiệp lớn lâm vào khó khăn", ông Đồng nêu.

Ngoài ra, ông đề nghị bổ sung quy định về giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại, khi đây là nút thắt với nhiều doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần đảm bảo tuân thủ đúng về thời hạn tố tụng khi thụ lý, xét xử và thi hành án các vụ việc kinh doanh thương mại.

Liên quan tới quy định về xử lý vi phạm, Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhắc lại quan điểm tách bạch trách nhiệm pháp nhân và cá nhân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Ông thừa nhận việc đưa các nội dung này vào dự thảo nghị quyết có thể chưa cụ thể hóa hơn những điều đã nêu tại Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, song đây "là chủ trương lớn, cộng đồng doanh nghiệp mong chờ và thể hiện thông điệp của Quốc hội và định hướng triển khai, sửa các luật tiếp theo".

Dự thảo nghị quyết đưa ra quy định về hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2% một năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG).

Cùng với đó, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay khởi nghiệp, tài trợ vốn ban đầu cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo, vườn ươm công nghệ... Quỹ này cũng có chức năng nhận, quản lý vốn vay, ủy thác của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc băn khoăn về hoạt động và nguồn lực của quỹ này. "Quỹ này sẽ rất khó cho vay và thu tiền từ doanh nghiệp, khi không có tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp. Với nội dung cho vay, tôi thấy có thể thất bại ngay từ khi thiết kế", ông Phớc nói.

Ông nêu thực tế các ngân hàng thương mại cho vay với tài sản đảm bảo còn không thu tiền được, giờ lập thêm quỹ, cho vay không cần tài sản đảm bảo "mà phải bảo toàn quỹ, cho vay thì không làm được".

Theo góp ý của Phó thủ tướng, quỹ này nên hỗ trợ, hình thành từ nhiều nguồn, đóng góp từ các nguồn khác nhau, làm nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhưng phải quy định rõ hỗ trợ doanh nghiệp nào, như chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ hay hỗ trợ nâng cao nhân lực, thu hút công nghệ cao...

"Phải chi và quyết toán theo đúng quy định còn đưa vào cho vay thì không ai dám cho vay hết", Phó thủ tướng nêu quan điểm và cho rằng thiết kế chính sách cần khả thi.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Tập đoàn Dabaco Việt Nam, đề nghị nâng thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm, sau đó giảm 50% thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo. Việc này để tạo không gian tài chính đủ dài cho nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

"Việc kéo dài thời gian miễn, giảm thuế sẽ tạo dư địa tài chính quan trọng, giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực cho đổi mới sáng tạo", ông So nói.

Ông cũng đề nghị nâng thời hạn miễn thuế thu nhập cá nhân lên 5 năm với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Chẳng hạn tại Thái Lan, họ miễn thuế thu nhập cá nhân tới 10 năm cho nhà đầu tư và chuyên gia làm việc trong 10 lĩnh vực công nghệ - sáng tạo chiến lược.

"Nếu chúng ta không có chính sách đủ hấp dẫn, cạnh tranh thì sẽ bỏ lỡ cơ hội thu hút nhân tài và khó tạo được bước đột phá về công nghệ trong dài hạn", Chủ tịch Dabaco chốt lại.

Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường dự thảo nghị quyết này vào 16/5, trước khi bấm nút thông qua ngày 17/5.

Anh Minh - Sơn Hà

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022