Đề xuất được Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn nêu tại hội thảo "Dòng chảy pháp luật 2024-2025 và những khuyến nghị cho doanh nghiệp" tại TP HCM, ngày 15/5.
Theo ông Tuấn, mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp đến 2030 trong Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân rất quan trọng và nên là "KPI" chính của các địa phương trong đánh giá phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Bởi lẽ, theo mục tiêu Việt Nam có 20 doanh nghiệp trên 1.000 dân - vốn là chỉ tiêu quan trọng khi đánh giá phát triển kinh tế của quốc tế, được nhiều nơi quan tâm, tập trung theo đuổi để tăng trưởng.

Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn tại hội thảo, ngày 15/5. Ảnh: BSA Media
Ví dụ, trong cuộc gặp với chính quyền bang California (Mỹ) năm 2013, ông Tuấn kể từng hỏi về các chỉ tiêu tăng trưởng, xuất khẩu, chuyển đổi công nghiệp. Tuy nhiên, Phó tổng chưởng lý bang nói họ chỉ quan tâm đến 2 con số, gồm bao nhiêu việc làm mới và tỷ lệ thất nghiệp.
Ông Tuấn cho rằng với mục tiêu "giản dị" như vậy, bộ máy chính quyền sẽ tập trung vào hỗ trợ, thu hút được doanh nghiệp. "Suy cho cùng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, tạo thành công ăn việc làm, giải quyết những vấn đề về an sinh xã hội chính là doanh nghiệp", ông Tuấn nói.
Ngoài ra, các địa phương - nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và miền núi phía Bắc - tập trung vào hình thành doanh nghiệp sẽ giải quyết được vấn đề "đau đầu" về di cư thuần, tức người dân phải đến các thành phố lớn vì thiếu việc làm, cơ hội cải thiện thu nhập tại quê nhà.
"Tôi tin rằng với cách vận hành hiện nay, thời gian tới chúng ta sẽ dần chuyển sang hướng tiếp cận mới - nơi các chỉ tiêu tăng trưởng khác mang tính tham khảo, bởi điều cốt lõi vẫn là tạo ra việc làm cho người dân", ông dự báo.
Cùng với 2 triệu doanh nghiệp, Nghị quyết 68 đặt mục tiêu có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đến 2030, tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-12% mỗi năm, góp khoảng 55-58% GDP.
Năm nay, Chính phủ tập trung rà soát, loại bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, thiếu phù hợp đang kìm hãm sự phát triển của khu vực tư nhân. Theo đó, cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ pháp luật và 30% điều kiện kinh doanh.
Chính phủ cũng đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp theo hướng không phụ thuộc địa giới hành chính, mục tiêu đến 2028 đưa môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam vào nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN và 30 thế giới.
Theo số liệu của Cục Thống kê, cả nước có hơn 89.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 4 tháng đầu năm, tăng gần 10% so với cùng kỳ 2024. Tổng vốn đăng ký và bổ sung gần 1,8 triệu tỷ đồng, tăng trên 91%.
Cùng giai đoạn, hơn 38.300 doanh nghiệp quay lại hoạt động, tăng 29%. Trung bình mỗi tháng có 9.600 công ty quay trở lại hoạt động, cao nhất từ trước đến nay.
Theo Cục Thống kê, để tiếp tục thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua cắt giảm thủ tục, đơn giản hóa điều kiện và hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan.
Đồng thời, cơ quan quản lý hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm, tận dụng các FTA và khuyến khích sản xuất trong nước, phát triển hạ tầng để giảm chi phí logistics, ưu tiên đầu tư vào các ngành công nghệ cao như AI, bán dẫn, y sinh.
Viễn Thông