Thông tin vừa được Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam thông báo. Theo đó, có 5 doanh nghiệp xuất khẩu đang bị thiệt hại vì tình trạng "rút ruột" container hàng trong quá trình vận chuyển cho đối tác nước ngoài.

Sau khi hàng tới cảng, nhà nhập khẩu kiểm tra và phát hiện hàng hóa bị thiếu hụt so với hợp đồng. Đặc biệt, trọng lượng container hàng đã bao gồm hàng hóa bên trong thiếu hụt so với số lượng hàng được cân tại cảng.

tieu-jpeg-5202-1717749107.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=wYndZ3KvRAZtrQi88G--fQ

Hạt tiêu được các nhà vườn phơi khô để xuất khẩu. Ảnh: VPSA

Đại diện Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết 5 doanh nghiệp này bao gồm cả doanh nghiệp lớn và nhỏ. Mỗi container hàng của họ bị rút ruột từ 1-2 tấn tiêu. Qua kết quả điều tra nội bộ của các doanh nghiệp, họ nghi ngờ khả năng hàng bị mất trong thời gian container được hạ bãi chờ xuất tàu.

"Việc hàng hóa giao bị thiếu hụt làm giảm lòng tin của các đối tác quốc tế vào hệ thống logistics của Việt Nam, uy tín của các doanh nghiệp xuất khẩu", VPSA cho hay.

Hội này đang thu thập thông tin và báo cáo lên Bộ Công Thương cùng các đơn vị liên quan để vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngoài ra, VPSA cảnh báo các hội viên và đề nghị những doanh nghiệp gặp tình trạng tương tự cung cấp thông tin để hiệp hội tổng hợp và báo cáo thiệt hại tới nhà chức trách. Hiệp hội cũng đề nghị các doanh nghiệp tăng cường an ninh và thận trọng hơn trong các đơn hàng xuất khẩu tới.

Kết phiên ngày 7/6, giá hồ tiêu tăng 8.000 đồng lên 157.000 đồng một kg, tăng 120% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các doanh nghiệp, giá tiêu sẽ còn tăng cao và có thể lặp lại đỉnh lịch sử năm 2015. Nguyên nhân là tồn kho hồ tiêu tại các nước sản xuất chính như Việt Nam, Ấn Độ và Brazil đều ở mức thấp do nhu cầu tiêu thụ cao trong thời gian qua.

Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam - cho rằng nguồn cung hồ tiêu sẽ còn giảm. Việt Nam, Indonesia và Brazil dự báo đều giảm sản lượng mùa vụ vì ảnh hưởng bởi El Nino. Trong khi đó, ngoài Mỹ, các thị trường Pakistan, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ nhu cầu dự trữ cao.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng 5, giá hạt tiêu xuất khẩu bình quân đạt 4.308 USD một tấn, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước. Hạt tiêu cùng với gạo và cà phê là những mặt hàng có giá xuất khẩu tăng cao nhất.

Ngành tiêu Việt Nam chiếm 40% sản lượng và chiếm 60% thị phần thế giới. Theo VPSA, quy mô thị trường hạt tiêu toàn cầu có giá trị khoảng 5,4 tỷ USD và dự báo đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 20% giai đoạn 2024- 2032.

Tính hết năm 2023, Mỹ là khách hàng lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tới 23,5% trong tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này. Đứng thứ 2 là Trung Quốc, chiếm 14,1%; tiếp sau là Ấn Độ và Đức lần lượt chiếm 5,4% và 4,3% trong tổng giá trị xuất khẩu tiêu.

Thi Hà

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022