"Nghiện" mua sắm vì đồ giảm giá

"Săn sale" là hoạt động mua sắm các mặt hàng giảm giá hoặc thu thập các mã giảm giá, mã miễn phí vận chuyển trong một khung giờ nhất định.

Việc làm này đang trở nên phổ biến, quen thuộc với nhiều bạn trẻ bởi những thuận lợi của Internet và sự phát triển của các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

san-sale-de-tiet-kiem-gen-z-lieu-da-biet-cach-chi-tieudocx-1668655106027.png

"Săn sale" đã trở thành thói quen mua sắm của nhiều bạn trẻ (Ảnh: Canva).

Bạn Nguyễn Bảo Thy, (20 tuổi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: "Mình rất thích mua sắm online, nhất là vào những dịp như 10/10, 11/11..., vì sẽ có nhiều mã giảm giá sâu.

Chủ yếu là săn sale quần áo và các đồ linh tinh như kẹp tóc, bờm, bút..., để chụp ảnh "sống ảo". Trung bình một ngày, mình dành khoảng từ 3-4 tiếng để tìm kiếm các món đồ giảm giá như vậy".

Cũng giống như Thy, bạn Nguyễn Hồng Nhung (19 tuổi, sinh viên Đại học Ngoại Thương) cho biết: "Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022 mình đã tiêu hết 12 triệu đồng cho việc mua hàng trực tuyến.

Bây giờ trong điện thoại của mình có 4 ứng dụng mua sắm. Những thứ mà mình mua đa số là quần áo, đồ trang điểm. Ngoài ra, mình cũng thường xuyên xem livestream bán hàng trên các nền tảng như Tiktok, Facebook. Mỗi lần xem là rất khó thoát ra được và thế là mình chốt đơn".

Các hội nhóm "săn" mã giảm giá, hướng dẫn săn sale giá tốt thu hút hàng trăm bạn trẻ tham gia (Ảnh chụp màn hình).

Như vậy, nhiều bạn trẻ hiện nay rất thường xuyên lên mạng mua sắm trực tuyến. Một trong những lý do là vì các sàn thương mại điện tử liên tục khuyến mãi đã kích thích người dùng mua sắm nhiều hơn.

Điều này đánh trúng tâm lý của nhiều bạn học sinh, sinh viên chưa thể tự lập hoàn toàn về tài chính nhưng lại có nhu cầu mua sắm cao, mua hàng tốt với giá vừa phải. Vì thế, các hội nhóm như "Săn sale S", "Tặng miễn phí voucher"..., nhằm chia sẻ các mã giảm giá, các bí quyết mua hàng được thời nở rộ trên mạng xã hội.

"Săn sale" có chắc là tiết kiệm?

Chúng ta không thể phủ nhận những sự tiện lợi và hiệu quả của hình thức mua - bán trực tuyến. Thế nhưng, liên tục "chốt đơn" chỉ vì sản phẩm nào đó đang giảm giá, thiếu sự tính toán về chi phí có thể khiến nhiều bạn trẻ nhanh chóng "rỗng túi" vào cuối tháng.

Đối với Hồng Nhung, cô bạn tâm sự: "Mỗi lần mình đặt đơn, sau khi áp dụng mã, mình sẽ được giảm từ 20.000-30.000 đồng. Nhưng tính tổng lại, bao gồm tiền vận chuyển thì mình cũng không tiết kiệm được là bao nhiêu".

Biết là tốn kém, nhưng khi thấy thông báo "sale" mạnh, Hồng Nhung lại khó kiềm chế được cơn "nghiện" mua sắm của bản thân. Hậu quả là tủ quần áo của cô nàng còn khá nhiều đồ từ năm ngoái chưa bỏ mác. Vì kích cỡ nhỏ nên việc bán lại hay đem cho cũng trở nên khó khăn hơn.

Mua quá nhiều quần áo "sale" khiến Hồng Nhung không thể mặc kịp (Ảnh: NVCC).

Bạn Nguyễn Thu Trang (20 tuổi, sinh viên trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp) có thói quen thức khuya săn sale tâm sự: "Dù đồ bán trên mạng rẻ hơn so với khi mua trực tiếp nhưng chất lượng chưa chắc đã tốt và bền như mô tả.

Mùa hè mình mua khá nhiều quần áo loại 50.000-100.000 đồng. Nhưng qua giặt máy vài lần là sẽ bị dão, phai màu nên năm nào mình cũng phải mua thêm".

"Ma trận" giảm giá trên các sàn thương mại điện tử (Ảnh chụp màn hình).

Đã đi làm thêm với mức lương 3 triệu/tháng, bạn Bùi Tống Giang (20 tuổi, sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) có vẻ tỉnh táo hơn: "Sản phẩm trên mạng hầu như lúc nào cũng thấy sale, nhưng có thể giá bán hiện tại bằng giá gốc.

Ví dụ như hôm trước mình đã bị lỗ tiền hàng vì mua một cái áo giảm giá còn 300.000 đồng nhưng hôm sau nó giảm tiếp còn 170.000 đồng".

Ngoài ra, Giang cho biết cũng rất khó để có những mã giảm giá sâu vì chỉ sau vài giây tung ra đã hết. Do đó, với Giang thì việc chăm chỉ săn sale không phải là cách tiết kiệm tiền tốt và tốn thời gian, bởi vì "không ai cho không ai cái gì".

Bí kíp săn sale không lo "đau" ví

Thứ nhất, các bạn cần chuẩn bị trước mỗi mùa sale. Các đợt giảm giá mạnh thường diễn ra vài lần trong năm, vào những dịp đặc biệt như Tết dương lịch, Tết âm lịch, Valentine... Vậy nên, bạn hãy liệt kê những thứ cần mua trước 1-2 tuần, sau đó cân nhắc loại bớt chúng đi và bước vào công cuộc săn sale như kế hoạch trước đó.

Thứ hai, cẩn trọng với những thông báo giảm giá mạnh. Thói quen mua sắm theo tâm trạng chính là những "hung thần" âm thầm móc ví của nhiều bạn trẻ. Bên cạnh đó, sản phẩm đang giảm giá sâu càng đẩy nhanh quá trình "chốt đơn" của khách hàng. Vậy nên, trước khi mua những món đồ ngoài dự tính, bạn nên xác định mục đích sử dụng rõ ràng.

Làm thế nào để săn sale không lo "đau" ví? (Ảnh: Phan Hoàn).

Thứ ba, thanh toán không dùng tiền mặt cũng là một cách tốt để tiết kiệm. "Khi thanh toán trực tuyến bằng ví điện tử, mình có nhiều mã miễn phí vận chuyển hơn. Như vậy với một đơn mình có thể tiết kiệm thêm từ 10.000-20.000 đồng", bạn Thu Trang chia sẻ kinh nghiệm săn sale của mình.

Thứ tư, tuyệt đối không vay tiền để mua đồ sale. Thực tế đã có không ít trường hợp các bạn trẻ đam mê mua sắm, vay tiền từ bạn bè, thẻ tín dụng…, và bị vỡ nợ trước khi hàng kịp về tay.

Lo sợ điều này nên mỗi tháng Thu Trang thường dành ra một số tiền nhất định để chi tiêu cá nhân. Và cô bạn cũng không bao giờ đi vay thêm bạn bè nếu như tài chính của bản thân không đủ chi trả.

"Những lúc kẹt tiền, mình sẽ ngừng truy cập các ứng dụng mua sắm, giảm lướt mạng xã hội để tránh bị quảng cáo lôi kéo. Mình cũng tuyệt đối không vay tiền từ bạn bè hay người quen, kể cả khi họ đồng ý vì dễ dàng nảy sinh mâu thuẫn", Thu Trang nói thêm.

Chi Nguyễn, tiến sĩ giáo dục, tác giả của Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản đã từng viết rằng: "Mua đồ giảm giá chỉ có thể tiết kiệm khi mình mua đúng những món mình cần, không phải món mình muốn và mua được đồ với giá tốt".

Vì vậy, săn sale là tiết kiệm hay lãng phí phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng đồng tiền mỗi khi "mùa sale" đến.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022