Nhanh chóng trở thành một trong những nền tảng truyền thông xã hội nổi tiếng nhất vào năm 2022. TikTok bắt đầu phổ biến vào năm 2020, thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát, hầu hết mọi người dành phần lớn thời gian làm việc tại nhà. Trong thời gian đó, ứng dụng mạng xã hội này đã chứng kiến mức tăng trưởng 180% với lượng người dùng trẻ 15-25 tuổi.
Một trong những dạng nội dung luôn nhận được lượt tương tác lớn trên TikTok là sức khỏe và dinh dưỡng. Các thông tin liên quan thường được chia sẻ bởi những người không phải là bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng nhưng có sức ảnh hưởng.
Các nhà nghiên cứu nhận định các dạng nội dung về dinh dưỡng và giảm cân trên TikTok đang "khuyến khích" văn hóa ăn kiêng độc hại ở giới trẻ (Ảnh: Maskot/Getty Images).
Theo một nghiên cứu mới đáng tin cậy từ Đại học Vermont (Mỹ), các nội dung về thực phẩm và chế độ dinh dưỡng trên TikTok đều đang khuyến khích văn hóa ăn kiêng "độc hại" ở thế hệ trẻ. Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng các video này đều không có ý kiến từ chuyên gia.
Mặc dù đều bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội, nhưng nghiên cứu từ năm 2020 chỉ ra tỷ lệ tác động của mạng xã hội lên sức khỏe tâm thần của nữ giới thường có xu hướng cao hơn so với nam giới.
Tiếp xúc với các thông điệp có hại cho sức khỏe sẽ gây ra ảnh hưởng không mấy tích cực đối với thanh thiếu niên, những người luôn cảm thấy áp lực để hòa nhập và đồng thời đang trong quá trình tự điều hướng sự phát triển thể chất và thay đổi mặt cảm xúc. Nghiên cứu trước đó cũng chỉ ra rằng có sự liên hệ giữa mạng xã hội với việc tự sát và tự làm hại bản thân ở thanh thiếu niên.
TikTok đang khuyến khích văn hóa ăn kiêng độc hại như thế nào?
Qua quá trình nghiên cứu, các chuyên gia đã phát hiện ra rằng thông điệp định mức cân nặng, cho rằng cân nặng là chỉ số chính xác nhất về sức khỏe của một cá nhân đang trở nên phổ biến hơn trên nền tảng TikTok.
Nội dung được xem nhiều nhất là quá trình lý tưởng hóa việc giảm cân và tập trung chú trọng đến việc lựa chọn thực phẩm sao cho có thể sở hữu một cơ thể gầy mà vẫn khỏe mạnh.
Mặc dù có không ít nội dung được xây dựng từ những người có kiến thức chuyên môn về dinh dưỡng, song nhiều video chỉ truyền tải với thông điệp đơn giản như: "Đây là cách tôi giảm được 7kg. Nó siêu dễ, bạn cũng có thể làm được" lại nổi tiếng hơn.
"Dường như đó mới là thứ dễ lôi kéo sự quan tâm của người xem", Lizzy Pope, Tiến sĩ, Phó Giáo sư đồng thời là Giám đốc của Chương trình Didactic về Dinh dưỡng tại UVM, trả lời phỏng vấn của tờ Healthline.
TikTok, nền tảng video ngắn với hơn một tỷ người dùng, giúp giới trẻ sáng tạo nội dung, nhưng cũng là nơi phát tán không ít trào lưu gây hại (Ảnh: Healthline.)
Cơ sở người dùng của TikTok chính là những người trẻ tuổi dễ mắc chứng rối loạn ăn uống do các tiêu chuẩn hiện đại về cái đẹp và áp lực về sự hoàn hảo. Cách TikTok giúp người dùng dễ dàng tiếp cận nội dung từ những người không nằm trong danh sách theo dõi của họ khiến điều đó trở nên khác biệt, Pope giải thích.
Ngoài ra, theo thiết lập, TikTok khiến việc tiêu thụ nhiều nội dung trong một khoảng thời gian rất ngắn trở nên ngày một phổ biến.
"Các video ngắn trên TikTok vừa cung cấp thông tin cơ bản vừa truyền đạt các thông điệp về sức khỏe đơn giản, dễ đạt được hiệu quả lan truyền và sự tiêu hóa nhanh chóng", Rebecca Hambright, chuyên gia dinh dưỡng và nhà trị liệu dinh dưỡng của Wise Heart Nutrition & Wellness ở Bellingham cho biết.
Mặc dù các nền tảng xã hội khác cũng đang tận dụng hình ảnh hấp dẫn kết hợp với các thông điệp sức khỏe được đơn giản hóa quá mức. TikTok vẫn được nêu như là tác nhân gây ra vấn đề về chế độ ăn uống thiếu lành mạnh ở giới trẻ bởi vì đây là nền tảng có sức nóng lớn nhất hiện nay, Hambright nói thêm.
Các chuyên gia dinh dưỡng bị lu mờ bởi những người có sức ảnh hưởng
Các nhà nghiên cứu và các chuyên gia khác đặt câu hỏi tại sao người dùng TikTok lại coi trọng ý kiến của những người có sức ảnh hưởng, những người thiếu chuyên môn và quảng bá những thông điệp có hại về dinh dưỡng và chế độ ăn uống.
Câu trả lời phù hợp có thể là những thông điệp đơn giản thường dễ được nắm bắt hơn.
Hambright nói: "Các chuyên gia dinh dưỡng bị lu mờ bởi những người có sức ảnh hưởng vì họ thường cung cấp ngữ cảnh hoặc thuật ngữ về dinh dưỡng, trong khi một người có sức ảnh hưởng với mục tiêu bán được sản phẩm sẽ cố gắng đưa ra một thông điệp dinh dưỡng được đơn giản hóa".
Bà giải thích thêm rằng mọi người có xu hướng tuân theo các quy tắc, đặc biệt là khi nói đến dinh dưỡng. Nếu một người có sức ảnh hưởng có thể nắm bắt và giải đáp được những suy nghĩ mâu thuẫn của người xem bằng các quy tắc thực phẩm đơn giản, phù hợp thì sẽ dễ dàng bán được hàng và thu hút nhiều sự quan tâm.
Thúc đẩy thói quen ăn uống lành mạnh
Các nền tảng trực quan như TikTok có thể khiến cho mọi người quá để ý đến hình ảnh cơ thể vì vô tình tạo nên một môi trường khiến người dùng dễ bị so sánh và ám ảnh về sự hoàn hảo.
Hambright chia sẻ: "Mạng xã hội thường đưa ra những thước phim đẹp đẽ. Điều này dễ hình thành thái độ không hài lòng với cuộc sống hoặc cơ thể của chính người xem, thậm chí không bao giờ biết rằng những gì chúng ta đang so sánh với bản thân không bao giờ là một thước đo thực tế".
Khi một người nào đó được đánh giá có "cơ thể hoàn hảo" cung cấp thông tin dinh dưỡng, người dùng rất dễ bị mù quáng trước thông tin mà không xem xét đến yếu tố khách quan khác như di truyền, rối loạn ăn uống. Hambright cho rằng một phần của vấn đề là sự thiếu minh bạch của những người có sức ảnh hưởng.
Khi người nổi tiếng nào đó trên mạng không có đủ kiến thức chuyên môn về dinh dưỡng, họ nên cẩn thận khi được hỏi và làm rõ rằng thể trạng cơ thể của họ không phải là kết quả của bất kỳ chế độ ăn kiêng hoặc thanh lọc nào mà họ đang đề xuất.
Thêm nữa, nếu những người trẻ khi sử dụng TikTok có thể học cách phát hiện nội dung không lành mạnh quảng bá văn hóa ăn kiêng độc hại và chủ động chọn không tương tác với nó, họ có thể tránh được một số thông điệp có hại xung quanh việc ăn kiêng, Hambright nhận định.